Tường thành Nhà Hồ bị sạt lở nặng sau bão số 10

Do tác động của thiên nhiên và ảnh hưởng của mưa bão số 10 khiến một khối lượng đất đá tường của Thành Nhà Hồ bị sạt lở.

Các khối đá tường phía Đông Bắc của di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ bị sạt lở

Ghi nhận cho thấy một khối lượng lớn đất đá từ tường thành phía Đông Bắc của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ đã bị sạt lở, rơi xuống chắn ngang con đường bê tông cạnh chân thành. Đoạn sạt lở có chiều dài 6,9m, cao 4m, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 20m3.

Qua đánh giá bước đầu của ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa thì do trải qua thời gian hơn 600 năm, mặt tường thành bị tác động của thiên nhiên làm biến dạng, kết cấu mặt tường thành bị xô nghiêng ra phía ngoài.

Mặt khác, do ảnh hưởng của cơn bão số 10, vào lúc 9h30 ngày 16/9 đã làm sạt lở một đoạn tường thành tại vị trí phía Đông Bắc (cách cổng Bắc 200m), thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc.

Theo hồ sơ bản vẽ và ảnh hiện trạng di tích trình Ủy ban Di sản thế giới, đoạn tường thành bị sạt lở thể hiện trong bản vẽ số 83, đoạn tường thành số 10, tỷ lệ 1/75.

Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đo đạc hiện trường và tìm giải pháp khắc phục việc sạt lở đá

Ngoài vị trí mới vừa bị sạt lở, theo hồ sơ, tại thời điểm đo vẽ, xây dựng hồ sơ khoa học, đoạn tường thành phía Đông Bắc có 6 đoạn đã bị sụt lở, cụ thể: đoạn số 04, bản vẽ 59; đoạn số 7, bản vẽ 60; đoạn số 8, bản vẽ 61; đoạn số 12, bản vẽ 62; đoạn số 16- 17, bản vẽ 63-64; đoạn số 20, bản vẽ 65.

Ông Đỗ Quang Trọng - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết, sau khi phát hiện sự việc trên, Trung tâm bảo tồn di sản Thành nhà Hồ, Sở VHTT&DL đã có mặt tại hiện trường, lập biên bản và báo cáo các cấp có thẩm quyền, văn phòng UNESCO tại Việt Nam. Đồng thời đặt biển cảnh báo, lập barie chắn hai đầu và tăng cường nhân viên bảo vệ trực, hướng dẫn du khách và nhân dân địa phương không đi lại qua khu vực sạt lở.

Được biết, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ cũng đã tổ chức hội nghị xin ý kiến các sở, ban ngành và địa phương có liên quan về việc sạt lở tường thành phía Đông Bắc di tích Thành Nhà Hồ nhằm xác định nguyên nhân.

Theo khuyến nghị của chuyên gia ICOMOS cần có những nghiên cứu về kết cấu, địa chất... nền móng khu vực Thành nội để xác định mức độ sụt lún gây ra sạt lở và đưa ra các kế hoạch, cảnh báo và bảo tồn di sản một cách lâu dài.

Từ đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đề nghị các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành giúp Trung tâm kiểm tra, thăm dò địa chất, đánh giá địa chất, kết cấu khu vực tường thành phía Bắc nói riêng và khu vực di sản nói chung. Bên cạnh đó, đề nghị Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn các đoạn tường thành.

Năm 2011, Thành Nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới

Thành Nhà Hồ là công trình kiến trúc bằng đá cổ độc nhất vô nhị ở Việt Nam, được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, là kinh đô của nước Đại Việt - vương triều Trần từ năm (1389 - 1400) và kinh đô của nước Đại Ngu - vương triều Hồ từ năm (1400 - 1407).

Trải qua hơn 600 năm, tòa thành kỳ vĩ này vẫn trường tồn với thời gian. Vào tháng 6/2011, tại kỳ họp lần thứ 35 của UNESCO tổ chức tại Paris (Pháp), Thành Nhà Hồ được tôn vinh là Di sản văn hóa của nhân loại.

Phúc Tuấn

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tuong-thanh-nha-ho-bi-sat-lo-nang-sau-bao-so-10-d225680.html