Tương lai rực rỡ chờ đón bóng đá Đức: Quả ngọt cho sự kiên trì đúng đắn

Trận chung kết Champions League của người Đức là dấu hiệu cho thấy các đội bóng của Bundesliga sẽ trở thành lực lượng thống trị lâu dài tại châu Âu. Đó là kết quả của một chiến lược hết sức thông minh được thực hiện một cách bài bản.

Bóng đá Đức có 35.000 huấn luyện viên

Theo thống kê của EUFA, Đức có 35.474 HLV sở hữu các chứng chỉ hạng B, hạng A và hạng Pro (Con số này ở Anh là 4.065). Người Đức đã và đang thực hiện một điều: muốn chơi bóng đá giỏi, cần phải có thật nhiều người dạy đá bóng hay.

Tất cả bắt nguồn từ thất bại thảm hại của "cỗ xe tăng Đức" tại Euro 2000, khi họ xếp cuối bảng A và chỉ kiếm được 1 trận hòa duy nhất trước Romania. Lúc đó, những nhà quản lý bóng đá chợt nhận ra rằng họ không thể tiếp tục dựa vào "tinh thần Đức" để giành chiến thắng tại các giải đấu. Cái họ cần là những cầu thủ giỏi và một nền bóng đá mạnh.

Thời điểm năm 2000, LĐBĐ Đức thông qua chiến lược phát triển toàn diện dựa vào đào tạo trẻ. Chia đất nước thành 366 vùng, chương trình của LĐBĐ Đức kiểm tra và đánh giá gần 60.000 trẻ em trong độ tuổi từ 8-14 nhằm phát hiện sớm khả năng của chúng. Mục tiêu là đào tạo cho những đứa trẻ này kỹ năng bóng đá và tư duy chiến thuật từ khi chúng còn nhỏ.

Kết quả, Joachim Loew (HLV của ĐTQG Đức) đã có thể dựa vào những cầu thủ vô cùng tài năng và tuổi còn rất trẻ: Julian Draxler (19), Andre Schurrle (22), Sven Bender (24), Thomas Mueller (23), Holger Badstuber (24), Mats Hummels (24), Mesut Oezil (24), Ilkay Gundogan (22), Mario Goetze (20), Marco Reus (23), Toni Kroos (23)…

Ngoài ra, trong cuộc so tài giữa Dortmund và Bayern Munich, 26 sản phẩm của chương trình đào tạo trẻ cũng góp mặt. Điều đó cho thấy sự đúng đắn trong sách lượt phát triển của những nhà cải cách bóng đá Đức.

Niềm tin vào tương lai

Sự kiện Dortmund và Bayern Munich lọt vào trận chung kết Champions League được cho là đỉnh cao của bóng đá Đức. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: liệu bóng đá Đức có khả năng duy trì phong độ chói sáng như vậy, hay họ sẽ sớm rơi vào lụi tàn?

Quan ngại trên không phải không có cơ sở. Chiến thuật kiểm soát bóng và tấn công tổng lực đã từng mang lại thành công rất lớn cho AC Milan (dưới thời Arrigo Sacchi thập niên 1980) và Barcelona (dưới sự dẫn dắt của Pep Guardiola). Tuy nhiên, cả hai CLB này đều rơi vào suy thoái vì một lý do chung. Họ quá phụ thuộc vào một cầu thủ ngôi sao. Sự phụ thuộc này khiến lối chơi của họ dần dần bị bắt bài.

Có thể, điều tương tự sẽ không lặp lại với Dortmund và Bayern Munich. Tại vì, về cơ bản, hai đội bóng này không thực sự phụ thuộc vào một cá nhân nào. Họ có những cầu thủ quan trọng trong đội hình (Mario Goetze tại Dortmund hay Ribery, Tony Kroos ở Bayern Munich), song, khi cần thiết, các vị trí khác đều có thể tung ra những nắm đấm quyết định.

Mở rộng vấn đề, liệu những CLB khác tại Bundesliga có thể tiếp tục phát triển dựa vào thế hệ trẻ và cạnh tranh với hai đại gia nói trên hay không? Câu trả lời là "có". Hưởng lợi từ chương trình đào tạo tài năng trẻ tầm cỡ quốc gia, những đội bóng tại Đức đều sở hữu đội hình trẻ, mạnh mẽ, kỹ thuật và kỷ luật cao.

Bayern Leverkusen đã thi đấu cực hay dưới sự dẫn dắt của Sami Hyypia, người vừa bước vào sự nghiệp HLV (Nòng cốt của đội chủ sân BayArena là những cầu thủ Đức rất tiềm năng như Stefan Kiessling, Sidney Sam, Michael Rensing). Tương tự, Schalke cũng sở hữu những cầu thủ rất được kỳ vọng như Julian Draxler, Max Meyer… Tương lai của những CLB khác như Stuggart, Wolfsburg, Hannover cũng khá sáng sủa.

Như vậy, nhờ vào một chiến lược đúng đắn và sự kiên trì theo đuổi mục đích, bóng đá Đức đang trên đà phát triển. Sẽ không bất ngờ nếu Bundesliga vượt qua các giải đấu khác để trở thành đấu trường hấp dẫn nhất Châu Âu. Có thể, trận chung kết Champions League toàn Đức rạng sáng nay chỉ là điểm khởi đầu.

Nguồn YTT: http://www.tinthethao.com.vn/news/23/305ABA/Tuong-lai-ruc-ro-cho-don-bong-da-Duc-Qua-ngot-cho-su-kien-tri-dung-dan