Tương lai nào cho liên minh của Mỹ ở châu Á?

Chưa bao giờ Mỹ lại phải lo lắng cho số phận liên minh của mình tại châu Á như hiện tại khi mà nhiều đồng minh lâu đời của Washington đang nghiêng về phía Trung Quốc để hợp tác kinh tế.

Chia sẻ trên tạp chí Nikkei Asian Review, ông Andrew Shearer, cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược tại Washington, D.C nhận định chưa bao giờ Mỹ lại phải lo lắng cho số phận liên minh của mình tại châu Á như hiện tại. Trong khi đó, khu vực này hiện đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức an ninh từ năng lực phát triển nhanh chóng hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên; căng thẳng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông; nguy cơ trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố tại Đông Nam Á khi nhiều tay súng cực đoan trở về nước sau khoảng thời gian chiến đấu tại chiến trường Iraq và Syria.

Để đối phó với những thách thức này, các nước trong khu vực cần một liên minh có khả năng và hùng mạnh hơn bao giờ hết. Và cũng lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, vị thế dẫn đầu mạng lưới liên minh tại châu Á của Mỹ lại bị đặt dấu hỏi.

Cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn ra tại Tòa tháp Trump.

Ngay cả trước thời điểm ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hôm 8/11, quan hệ đồng minh của Mỹ với một số nước tại châu Á cũng đã lung lay.

Đầu tiên phải kể tới quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và Thái Lan vốn tạo điều kiện cho các lực lượng quân sự Mỹ có cơ hội tiếp cận dễ dàng và tham gia các khóa huấn luyện ở châu Á. Tuy nhiên, mối quan hệ này gần như bị bỏ rơi sau cuộc đảo chính năm 2014 tại Thái Lan.

Tiếp đến là sóng gió quan hệ giữa Washington và Manila sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức chính thức hồi tháng Sáu. Ông Duterte đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích và thậm chí tuyên bố "chia tay" Washington cũng như đưa ra khả năng chấm dứt hiệp ước cho phép các lực lượng Mỹ tiếp cận những căn cứ chiến lược nằm sát Biển Đông. Ngay cả Malaysia, đối tác an ninh ngày càng quan trọng của Mỹ, cũng đang tách khỏi Washington trong những tháng gần đây.

Gần đây, bê bối chính trị liên quan tới chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye cũng đang đặt dấu hỏi cho việc liệu Hàn Quốc có còn sẵn sàng triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trong tương lai.

Australia, quốc gia sát từng cánh cùng Mỹ từ Thế chiến thứ Nhất, cũng đã từ chối lời đề nghị của Mỹ để tham gia các cuộc tuần tra nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trật tự thế giới mới

Trong quá khứ, quan hệ liên minh giữa Mỹ và các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương từng nhiều lần gặp sóng gió nhưng sau mỗi sự kiện, liên minh này không chỉ tồn tại mà các bên còn ký kết thêm nhiều thỏa thuận mang tính ràng buộc.

Tuy nhiên, mọi chuyện giờ đã khác. Điển hình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở thành nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên tới gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump tại Tòa tháp Trump. Theo ông Shearer, chuyến thăm của ông Abe một phần vì tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc và một phần vì lý do kinh tế.

Cụ thể, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu chuối từ Philippines và xuất khẩu sang Nhật Bản các kim loại đất hiếm phục vụ cho ngành sản xuất đồ điện tử gia dụng. Về phần mình, Trung Quốc hoan nghênh các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng thông qua Ngân hàng Phát triển Cơ sở hạ tầng châu Á do Bắc Kinh đứng đầu và sáng kiến "Một vành đai, một con đường".

Trong khi đó, gần đây, nhiều quốc gia châu Á – Thái Bình Dương đã đón nhận hoạt động đầu tư và thương mại với Trung Quốc nhưng vẫn lo ngại về khả năng bị phụ thuộc vào Bắc Kinh. Do đó, phần lớn các nước chọn phương án vừa tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với Trung Quốc vừa thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ.

Philippines, một đồng minh thân thiết lâu đời của Mỹ, hiện chuyển sang thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Điển hình, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và gần đây nhất là Philippines đã cam kết nâng cấp quan hệ đồng minh với Mỹ còn các nước trong khu vực như Ấn Độ, Singapore cũng đang dần tăng cường hợp tác an ninh với Washington.

Hiện tại, Lào, Campuchia, Malaysia và Philippines cũng đang xích lại gần hợp tác kinh tế với Trung Quốc song tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các chính sách nội bộ tại những quốc gia này đã bắt đầu giảm dần khi các nước tái xem xét quan hệ an ninh lâu đời.

Trước đây, các quốc gia đồng minh của Mỹ luôn cho rằng Washington đáng tin và vững chãi. Song giờ đây, niềm tin này đang bị lung lay khi số phận của Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở nên ngày càng mong manh hơn bao giờ hết khi ông Trump tuyên bố rút tên Mỹ ra khỏi hiệp ước này ngay ngày đầu tiên bước chân vào Nhà Trắng. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng đã lớn tiếng chỉ trích quan hệ đồng minh của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản, 2 đầu mối quan trọng của Washington trong mạng lưới liên minh toàn cầu. Trong thời gian tới, việc bổ nhiệm các nhân vật chủ chốt trong Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc cũng sẽ quyết định hướng đi cho các chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tuy nhiên, quan hệ đồng minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương không hẳn là không có tia sáng hy vọng. Khi mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có các cuộc đối thoại và điện đàm với những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Theo ông Shearer, trong tương lai, khoản chi quốc phòng của Mỹ chắc chắn vẫn sẽ tăng kết hợp với chương trình hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với việc năng lực phòng thủ của Mỹ cũng sẽ gia tăng và giúp tăng cường khả năng bảo vệ các đồng minh trọng tâm tại châu Á. Ngoài ra, quá trình hồi phục nền kinh tế của Mỹ tuy chậm nhưng vẫn sẽ giúp quốc gia này củng cố tầm ảnh hưởng tại khu vực.

Cố vấn cấp cao Shearer cho rằng vẫn còn quá sớm để khẳng định về hướng đi của chính sách Mỹ liên quan tới một số chủ đề trọng tâm tại châu Á như mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông và tương lai cấu trúc kinh tế khu vực. Song một điều chắc chắn là chính quyền của ông Trump đặt kỳ vọng nhiều hơn với các quốc gia đồng minh.

Và Thủ tướng Abe đã trở thành ví dụ điển hình về mối quan ngại của các quốc gia nằm trong mạng lưới liên minh của Mỹ tại châu Á. Dưới thời lãnh đạo của ông Abe, Nhật Bản đã đưa ra quyết định gây nhiều tranh cãi là cải tổ luật an ninh quốc gia, đầu tư thêm vào năng lực quốc phòng và mở rộng quy mô liên minh cũng như hợp tác với nhiều nước trong khu vực.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tuong-lai-nao-cho-lien-minh-cua-my-o-chau-a-post215040.info