Tượng đài Thánh Gióng bị phá là mẫu trung gian

(Toquoc)- Tượng đài Thánh Gióng bị phá như một số tờ báo phản ánh vừa qua chỉ là mẫu trung gian.

Trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua, dư luận ồn ào việc mẫu tượng đài Thánh Gióng bị phá hủy. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện công trường đúc tượng đài Thánh Gióng đã bị san phẳng và cả mẫu tượng đài bằng thạch cao đã bị phá hủy. Nguyên nhân là khu đất xây dựng tượng đài được Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn giao cho Công ty CP đầu tư dịch vụ vui chơi giải trí - thể thao Hà Nội quản lý. Khi thực hiện làm tượng Thánh Gióng, Công ty này cho Ban Quản lý dự án xây dựng tượng đài Thánh Gióng mượn đất. Các bên đã thỏa thuận bàn giao khu đất này vào ngày 15/2/2012 và phải di chuyển nguyên vẹn mẫu gốc tượng đài Thánh Gióng. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà ngày 16/1 vừa qua, hàng trăm người với sự hỗ trợ của xe ủi đã đến phá hủy và san phẳng khu đất này cùng mẫu tượng đài bằng thạch cao. Họa sĩ điêu khắc Nguyễn Kim Xuân- tác giả của hình mẫu bức tượng đài Thánh Gióng bằng đồng nặng hơn 80 tấn đặt trên đỉnh núi Chồng, Sóc Sơn, bức xúc nói: “Tôi đã chính thức gửi đơn kiến nghị lên lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đề nghị làm rõ vụ phá hoại bản mẫu gốc tượng đài Thánh Gióng của tôi. Tác phẩm thạch cao Thánh Gióng này tôi đã dụng công điêu khắc trong vòng 6 năm (2003-2009), đã được Hội đồng mỹ thuật quốc gia chấm điểm cao nhất trong số 28 mẫu tượng dự thi và được chỉnh sửa theo sự góp ý của các họa sĩ nổi tiếng và của lãnh đạo T.Ư và TP. Hà Nội để có được bản mẫu chính thức đưa vào đúc tượng đồng Thánh Gióng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long”.

Mẫu tượng đài bằng thạch cao khi còn nguyên vẹn..

Tuy nhiên, ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý lại cho rằng, Quy chế 05 về quản lý, xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng của Bộ VHTTDL không có nội dung nào quy định quá trình đúc tượng phải giữ lại nguyên mẫu trung gian, cho nên việc mẫu tượng đài Thánh Gióng bằng thạch cao còn hay mất, nguyên trạng hay bị phá vỡ, tác giả cũng không có quyền lên án. Còn theo Luật bản quyền, tác giả có mẫu tượng có quyền được đứng tên tác giả, quyền thừa kế, quyền được hưởng thù lao, nhuận bút và quyền được hưởng lãi nếu như tượng đài đó được dùng vào mục đích kinh doanh. Ở đây, các quyền này đã được chủ đầu tư thực hiện đầy đủ.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Danh Thanh, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, chuyên ngành điêu khắc, Hội Mỹ Thuật Việt Nam để làm rõ hơn về vấn đề này.

+ Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, tượng Thánh Gióng bằng thạch cao bị phá hủy vừa qua là mẫu gốc của tượng đài Thánh Gióng. Vậy điều này có đúng không?

- Người "ngoại đạo" có lẽ không biết, nhưng những người hoạt động trong lĩnh vực điêu khắc, mỹ thuật đều biết rằng xây dựng tượng đài bắt buộc phải tuân theo 3 bước: Bước 1 là phác thảo; bước 2 thể hiện bằng mẫu đất, thạch cao; bước 3 là đúc ra bằng chất liệu và dàn dựng lắp đặt. Điều này đã được thể hiện rõ trong Quy chế quản lý, xây dựng tượng đài, tranh hoành tráng của Bộ VHTTDL.

Như vậy, với mẫu tượng đài Thánh Gióng bằng thạch cao mà tác giả Nguyễn Kim Xuân cho rằng đó là tượng đài gốc thực chất chỉ là mẫu trung gian. Khi hoàn chỉnh tượng đài Thánh Gióng bằng đồng, đặt trên đỉnh núi Đá Chồng thì vai trò của bức tượng trung gian đã hết, đơn vị mua tác phẩm tượng đài Thánh Gióng là Thành phố Hà Nội không có trách nhiệm phải quản lý, bảo vệ bức tượng bằng thạch cao này nữa, mà họ chỉ có trách nhiệm quản lý, bảo vệ bức tượng bằng đồng trên đỉnh núi.

+ Tuy nhiên, tác giả cho rằng, cơ quan chức năng phải giữ gìn bức tượng thạch cao và tác giả đã được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ khi phác thảo bức tượng?

- Tác giả Nguyễn Kim Xuân nếu muốn giữ mẫu tượng thạch cao như là sự sở hữu thì đó là việc của tác giả chứ không phải việc của các cơ quan chức năng. Hơn thế, thành phố Hà Nội mua mẫu tượng đài Tháng Gióng là mua mẫu tượng bằng đồng, trả tiền bản quyền cũng là mẫu tượng bằng đồng; Thủ tướng Chính Phủ, UBND thành phố Hà Nội...trao giải thưởng, bằng khen... cho tác giả Nguyễn Kim Xuân là sự ghi nhận ý tưởng, công lao của tác giả với bức tượng bằng đồng chứ không phải bằng thạch cao nên bức tượng bằng đồng mới là bản gốc.

+ Nhiều người cho rằng, bức tượng thạch cao cũng đã được người dân lễ bái, nghĩa là nó cũng có giá trị tâm linh?

- Bản thân tôi khi đọc những thông tin đăng tải trên các trang báo cũng thấy bất ngờ. Tôi đã trao đổi và đặt câu hỏi ngược lại với tác Nguyễn Kim Xuân thì được tác giả cho biết là bức tượng thạch cao thu hút khá nhiều người dân đến lễ, qua đó cho thấy bức tượng này khá thiêng vì nếu không thiêng sao họ đến lễ? Trong trường hợp cụ thể này, tôi cho rằng người dân đến lễ Thánh Gióng vì tượng đồng chưa xong, vì tấm lòng của nhân dân ta đối với Đức Thánh chứ không phải vì bức tượng thạch cao linh thiêng.

Bằng chứng là khi tượng đồng xong rồi, đặt lên đỉnh núi rồi, hô thần nhập tượng rồi thì còn mấy người đến lễ trước tượng thạch cao nữa. Trong tâm thức của họ, tượng đài Tháng Gióng chỉ có bức duy nhất là bức tượng bằng đồng trên đỉnh núi Đá Chồng huyền thoại mà thôi.

...nhưng hiện tại đã bị phá hủy

+ Có thông tin cho rằng, bức tượng Thánh Gióng bằng thạch cao sẽ được đưa vào bảo tàng?

- Trước việc một số tờ báo thông tin mẫu tượng đài Thánh Gióng bằng thạch cao của tác giả Nguyễn Kim Xuân sẽ được Giáo hội Phật giáo Việt Nam lưu giữ tại Bảo tàng Phật giáo, sẽ đúc tiếp 3 Tượng đài Thánh Gióng bằng đồng (từ nguyên mẫu thạch cao) để đặt ở Móng Cái, TP Huế và mũi Cà Mau. Thực hư thế nào tôi chưa rõ, nhưng nếu thông tin trên là có thật thì bản thân tác giả Nguyễn Kim Xuân và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phạm luật. Bởi mẫu tượng đài Thánh Gióng đã được thành phố Hà Nội mua bản quyền, mà bản quyền đối với tác phẩm nghệ thuật thì chỉ có một. Nếu muốn trưng bày hoặc “nhân bản” tác phẩm này, Giáo hội Phật giáo phải được sự đồng ý từ phía thành phố Hà Nội. Vì tác giả Kim Xuân đã nhận 100% tiền bản quyền của tác phẩm tượng đài Thánh Gióng.

+ Theo ông, trong tình hình hiện nay, nên xử lý thế nào?

- Theo tôi 3 bên, gồm tác giả Nguyễn Kim Xuân, Học viện Phật giáo và đơn vị thi công là Công ty Đầu tư dịch vụ vui chơi, thể thao giải trí Hà Nội nên bàn bạc với nhau tìm cách giải quyết thay vì lên án nhau.

+ Xin cám ơn ông!

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết: “Ở góc độ quản lý, tôi khẳng định thông tin bản gốc tượng đài Thánh Gióng bị phá hủy là không đúng. Bản gốc đang tồn tại uy nghiêm trên đỉnh núi Đá Chồng, được trông giữ và bảo vệ, là điểm đến văn hóa tâm linh của người dân Hà Nội và du khách thập phương. Tôi nói như vậy bởi vì bức tượng bị mất (theo như tác giả Nguyễn Kim Xuân) nói là tượng thạch cao, là mẫu trung gian, có thể hủy bỏ sau khi hoàn thiện mẫu tượng đồng. Mẫu tượng này nếu còn thì tác giả cũng không có quyền quyết định cho, tặng hoặc nhân bản vì bản quyền đã thuộc UBND thành phố Hà Nội.

Hà An (thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/Sites/vi-vn/details/11/di-san/102824/tuong-dai-thanh-giong-bi-pha-la-mau-trung-gian.aspx