Tuổi 86 vẫn không ngừng lao động

Năm nay bước vào tuổi 86 nhưng với nhạc sĩ Trần Quý như vẫn còn hết sức bận rộn với công việc. Hiếm người vào tuổi ông mà vẫn không ngừng lao động...

Hàng ngày ông vẫn luôn được các gia đình mời giúp dạy đàn cho các cháu nhỏ quanh khu nơi ông ở và cả những nơi xa, ông vui vẻ nhận lời và hướng dẫn chu đáo. Nhiều người cần ông về chuyên môn đã được ông hết sức nhiệt tình giúp đỡ, trao đổi. Mỗi buổi sáng ông thường ngồi bên chiếc đàn piano quen thuộc và như chìm đắm, bay bổng theo những bản nhạc cổ điển. Có chuyện vui vui: Chủ nhân một căn hộ cùng khu tập thể muốn bán được nhà đã viết trên mạng: Căn hộ trong khu tập thể văn hóa, nơi đây luôn luôn đầy ắp tiếng dương cầm cực kỳ thánh thót và quyến rũ từ một nhạc sĩ tài hoa. Có người nghe vậy cất công tìm đến dò xét thực hư và rất may vừa lúc âm nhạc vang lên từ căn hộ của nhạc sĩ Trần Quý. Tiếng đàn dương cầm không chỉ điêu luyện mà vẫn còn như chất chứa tài năng và tình cảm của người nhạc sĩ già. Âm nhạc giúp ông trẻ khỏe lại.

Trong lịch sử âm nhạc hiện đại Việt Nam hiếm người nhạc sĩ nào có được một sự nghiệp lâu dài, đa dạng, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc như nhạc sĩ Trần Quý. Đóng góp của ông trải rộng khắp các lĩnh vực, từ sáng tác, biểu diễn, chỉ huy, dàn dựng, nghiên cứu - lý luận, giảng dạy và quản lý... Chỉ nói riêng trong sáng tác, nhạc sĩ Trần Quý đã thành công trong nhiều thể loại, ngoài ca khúc ông còn viết hợp xướng, viết nhạc kịch, vũ kịch, giao hưởng thính phòng, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc đương đại, nhạc cho sân khấu, cho điện ảnh, cho múa. Ông có công trong cả 3 dòng nhạc: giao hưởng thính phòng, dân tộc đương đại và nhạc nhẹ cho nền âm nhạc mới Việt Nam.

Nhạc sĩ Trần Quý (ngoài cùng bên trái) chụp cùng nhạc sĩ Văn Ký và đạo diễn Văn Hà.

Trần Quý là người nhạc sĩ không chỉ tâm huyết mà còn là người có tinh thần trách nhiệm cao, có kiến thức sâu rộng và một bề dày kinh nghiệm được ông tích lũy trong suốt mấy chục năm kể từ những ngày đầu chập chững bước vào con đường âm nhạc, rồi qua học tập, qua công tác quản lý tại các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa.

Sinh ngày 26/3/1931 tại huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, 15 tuổi Trần Quý làm liên lạc cho bộ đội, 2 năm sau ông được theo học tại Trường Thiếu sinh quân Liên khu 3, hoạt động nghệ thuật trong Đội Thiếu sinh vệ quốc quân thuộc Tổng cục Chính trị. Người phụ trách bấy giờ là nhạc sĩ Đỗ Nhuận thấy ông có năng khiếu nên hướng theo học âm nhạc. Năm 1950, Trần Quý được tuyển chọn đảm nhận vai trò nhạc công chơi đàn guitar rồi sau là violoncelle và accordéon. Năm 1954, Trần Quý tham gia Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Tại đây, những ca khúc đầu đời đã được Trần Quý sáng tác và lập tức có tiếng vang như: Hát mừng anh hùng Núp, Lời ca thống nhất, Tiếng hát trên sông Nậm Na đã được nhận giải thưởng của Ban Văn nghệ và Ban Thống nhất Trung ương. Năm 1957, khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam được thành lập, ông là một trong những hội viên đầu tiên.

Năm 1956, Trần Quý được chọn cử đi học âm nhạc tại Liên Xô, Khoa Chỉ huy Giao hưởng - Opera và Ballet, Nhạc viện Leningrad. Do không được đào tạo âm nhạc cơ bản ở trong nước, nhạc sĩ trẻ bắt buộc phải qua chương trình dự bị. Trần Quý hàng ngày phải học kéo dài tới 10, 12 tiếng, thậm chí 14 tiếng. Để có đàn học tập, nhiều hôm ông phải trốn bảo vệ ngủ lại trường để sớm hôm sau tranh thủ học. Khi đang còn là sinh viên năm thứ 3, Trần Quý đã vinh dự khi được mời tham gia chỉ huy biểu diễn trước công chúng ở nhiều thành phố của Liên Xô những chương trình giao hưởng cổ điển và hiện đại, trong đó có cả các vở opera kinh điển thế giới.

Năm 1963, tốt nghiệp về nước, Trần Quý được cử giữ cương vị Chỉ huy của Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam. Năm 1971, ông được phân công làm Chỉ huy kiêm Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Việt Nam. Năm 1979, ông là Phó Giám đốc Nhà hát ca - múa - nhạc Việt Nam và từng dẫn đoàn đi biểu diễn thành công tại Trung Quốc và Triều Tiên năm 1977.

Năm 1986, Trần Quý được điều động về Cục Âm nhạc và Múa, làm chuyên viên cao cấp, cố vấn nghệ thuật. Thời gian này ông đã chỉ đạo nhiều cuộc liên hoan nghệ thuật như các hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, các chương trình nghệ thuật lớn như Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Liên Xô (1985), Những ngày văn hóa Việt Nam tại Bulgari, Hunggari và Tiệp Khắc (1986). Năm 1987, ông là người đầu tiên dàn dựng và chỉ huy biểu diễn thành công vở nhạc kịch Cô Sao của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Sau đó ông còn dàn dựng rất nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng trong nước và trên thế giới. Năm 1987, Trần Quý được Hội Nhạc sĩ Việt Nam chọn cử sang Liên Xô dàn dựng, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng hàn lâm Novosimbirk biểu diễn 7 tác phẩm giao hưởng của các nhạc sĩ Việt Nam.

Những năm công tác tại Đoàn Ca múa nhạc dân tộc Trung ương giúp Trần Quý có điều kiện đi sâu nghiên cứu những tinh hoa âm nhạc dân tộc cổ truyền, và chính điều này giúp ông tích lũy được nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm quý để vận dụng trong sáng tác và nghiên cứu của mình như độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc đương đại đến các tổ khúc, khởi nhạc cho dàn nhạc dân tộc. Ông còn viết concerto cho đàn bầu, cho đàn cello với dàn nhạc giao hưởng, tổ khúc giao hưởng và giao hưởng thơ... Gần như hầu hết tác phẩm của ông đều đã được trình diễn trên sân khấu, được thu thanh, thu đĩa, phát trên làn sóng phát thanh, vô tuyến truyền hình và được in trong các tuyển tập. Ông còn một khối lượng khổng lồ tác phẩm âm nhạc thuộc các thể loại khác như viết cho cho múa, cho sân khấu và viết nhạc cho khoảng 50 bộ phim bao gồm phim truyện, phim hoạt hình, phim thời sự - tài liệu, phim nghệ thuật... (trong đó ông đã nhận được giải nhất cho các bộ phim Bác Hồ ở Trung QuốcNhững dũng sĩ Thừa Thiên Huế). Ông còn là người chủ biên, sáng tác phần âm nhạc cho Lễ hội 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (1998) và Lễ hội 990 năm Thăng Long - Hà Nội (2000).

Cùng với sáng tác và chỉ huy, Trần Quý còn đóng góp lớn vào công tác đào tạo, ông đã tham gia giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội. Nhiều học viên của ông sau khi tốt nghiệp trở về đơn vị hoặc địa phương đã được giao trọng trách như làm giám đốc, trưởng, phó hoặc chỉ đạo các đoàn nghệ thuật Trung ương và địa phương.

Nhạc sĩ Trần Quý viết nhiều tham luận khoa học có giá trị về âm nhạc, nhiều công trình nghiên cứu công phu và giành giải thưởng đặc biệt của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

Với những đóng góp toàn diện và giá trị của mình đối với nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Trần Quý đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (1983), Nghệ sĩ Nhân dân (1993) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007).

Mang nhiều bệnh nhưng vẫn “sống ổn” ở tuổi U90

Phải chăng, nhạc sĩ Trần Quý là một người khỏe mạnh, không bệnh tật? Không đâu. Như nhiều người cao tuổi, ông cũng bệnh này thuốc khác, người già có bệnh gì thì ông cũng có. Tim, phổi, tiền liệt tuyến, thoát vị đĩa đệm, viêm đường tiết niệu, huyết áp, đái tháo đường, trĩ nội... Nhiều bệnh ông mắc phải từ khi còn đi học, nhưng không mấy ai nhận thấy. Ngày đi học bên Liên Xô, ông ốm yếu nhưng vẫn quyết tâm theo. Có khi ông phải đóng bỉm để tham gia hội đồng giải thưởng âm nhạc.

Nhưng ông rất chịu khó tìm hiểu kỹ từng căn bệnh của mình, uống thuốc đều đặn. Hàng ngày ông năng tập thể dục và luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan. Không đi xa thì ông đi bộ nhiều vòng quanh sân. Ông từng nghiện thuốc lá nặng. Trước đây có ngày ông hút một, hai bao nhưng sau một cơn đột quỵ thì ngưng. Ban đầu thèm quá ông vẫn lén vợ ra sân hút một điếu, nay thì thôi hẳn. Trước chè đặc, cà phê, nay cũng thôi. Luôn giữ cho mình nếp sống mực thước, giờ ăn, giấc ngủ, nếp sinh hoạt... Niềm vui của ông là luôn giữ cho mình sự lạc quan, sống chan hòa với mọi người xung quanh, không ngừng lao động sáng tạo, đặc biệt là âm nhạc. Những gạch đầu dòng đó nghe qua tưởng như đơn giản nhưng cũng không dễ tuân thủ. Phải chăng đó là bí quyết giữ gìn sức khỏe ở một nhạc sĩ già tuổi U90?

Huy Thắng

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/tuoi-86-van-khong-ngung-lao-dong-n125196.html