Từng hiện vật kể câu chuyện: Hà Nội ngàn năm

Từng mảnh gốm sứ thời Lý, hay chiếc máy chữ của Hà Nội thời kỳ đổi mới… được “gom” lại tại Bảo tàng Hà Nội nhờ tấm lòng của những người dân.

Vào đúng dịp 10/10/2016, 150 hiện vật trong 400 món đồ ý nghĩa ấy đã được trưng bày để góp phần kể câu chuyện về Hà Nội.

Đưa “báu vật” đến công chúng

Các hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, các hiện vật, tài liệu về cầu Long Biên huyền thoại; hay chiếc xà beng dùng để khởi công xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông Nguyễn Đình Kỳ - nguyên Đảng ủy viên Thường trực Đảng ủy công trường xây dựng Lăng Bác gìn giữ hàng chục năm qua lần lượt được chủ nhân đem đến hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội. Mỗi người một lý do riêng nhưng đều chung mục đích làm giàu cho lịch sử, văn hóa Hà Nội.

Các hiện vật hiến tặng trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Linh Anh

Tại buổi lễ khai mạc trưng bày kết quả sưu tầm, hiến tặng hiện vật năm 2015 - 2016, họa sĩ Phùng Dzi Thuần tâm sự: “Trong đợt này, tôi hiến tặng Bảo tàng Hà Nội 3 bức tranh sơn dầu tôi kỳ công thực hiện trong rất nhiều năm. Các tác phẩm “Hà Nội mùa đông năm 1946”, “Người quyết tử quân” là tôi phác họa lại Hà Nội 60 ngày đêm chiến đấu anh hùng. Vẽ tranh để kể về câu chuyện lịch sử là rất khó. Tôi đã tốn rất nhiều công đi nghiên cứu từ trang phục, gương mặt chiến sĩ thời ấy… để làm sao cho nội dung trong tranh chân thực nhất. Tuy nhiên, tôi không tiếc công hiến tặng cho Bảo tàng với mong muốn tác phẩm của mình sẽ góp phần truyền cảm hứng, tình yêu quê hương, đất nước, yêu lao động, yêu hòa bình đến thế hệ trẻ”.

Bên cạnh họa sĩ Phùng Dzi Thuần, Đại tá Trần Vân đã hiến tặng 48 tài liệu, hiện vật như: Hồi ký Đội quân báo Thiếu niên Bát sắt, album ảnh về đội quân báo Bát sắt cùng hàng chục tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động, công tác của Đại tá. Ông Trần Ngọc Lam hiến tặng 3 hiện vật và 3 bức ảnh liên quan đến cuộc đấu tranh chống Mỹ. Bà Nguyễn Thị Thơ tặng ảnh và một chiếc lược chải đầu làm từ xác máy bay F4… Họ đều chung mong muốn đưa những “báu vật” đã là một phần ký ức cuộc đời, gìn giữ hàng chục năm cho Bảo tàng Hà Nội giới thiệu đến công chúng. Không chỉ có những hiện vật thời hiện đại, trong thời gian này, nhiều hiện vật khảo cổ khai quật ở chùa Tó (Thường Tín), đền - chùa Bà Tấm (Gia Lâm), nút giao thông đường Bưởi - Hoàng Quốc Việt… cũng được các tổ chức bàn giao, trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội bảo quản, trưng bày.

Năm 2019, hoàn thiện trưng bày tổng thể

Ngày 10/10/2016, tròn 6 năm Bảo tàng Hà Nội được khánh thành, trong quá nhiều cuộc bàn thảo, người ta đặt ra câu hỏi công trình văn hóa lớn bậc nhất Thủ đô này đã thực hiện được bao nhiêu phần trăm công năng văn hóa như người dân mong muốn? Những cụm từ "vắng khách", "đìu hiu" dường như trở thành nỗi ám ảnh ở nơi đây. Cho dù dự án trưng bày Bảo tàng Hà Nội do UBND TP đầu tư mới bắt đầu khởi động, nhưng với tấm lòng của người dân dành cho Hà Nội, các hiện vật, các hoạt động được tổ chức trong thời gian gần đây đang từng bước kể câu chuyện hàng ngàn năm của Hà Nội. “Câu chuyện ấy bắt đầu từ đưa mô hình làng nghề truyền thống trưng bày khu vực ngoài sân của Bảo tàng; đến việc thu thập hiện vật từ người dân, từ các bảo tàng tư nhân để có được bức tranh toàn cảnh của Hà Nội từ thời kỳ cổ đại, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đến thời kỳ hiện đại trong các chuyên đề trưng bày đã được TP phê duyệt thực hiện” - ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết.

Trước tiên, trong đợt này, 150 tài liệu, hiện vật tiêu biểu trên tổng số hơn 400 tài liệu, hiện vật do các tổ chức, cá nhân hiến tặng sẽ được trưng bày tại tầng 1 của Bảo tàng Hà Nội, từ ngày 10/10 đến cuối năm 2016 phục vụ khách tham quan. Điểm nhấn của không gian trưng bày là những tài liệu, hiện vật tái hiện lịch sử Thủ đô trong cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất.

Sự kiện trưng bày 150 hiện vật về Hà Nội sáng 10/10 như là bắt đầu từ những việc nhỏ ý nghĩa để cho một câu chuyện lớn là nội dung trưng bày tổng thể của Bảo tàng Hà Nội suốt những năm về sau. “Trên thực tế, những năm qua, chúng tôi đã sưu tầm được hơn 1.000 hiện vật, nhưng đang lưu giữ trong kho. Khi nội dung trưng bày tổng thể được hoàn thiện, chúng tôi sẽ lựa chọn các hiện vật phù hợp để giới thiệu đến công chúng” – ông Đà chia sẻ. Nếu không có gì thay đổi, kế hoạch trưng bày tổng thể của Bảo tàng sẽ được hoàn thiện vào đúng ngày 10/10/2019.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tung-hien-vat-ke-cau-chuyen-ha-noi-ngan-nam-247119.html