Từng bước dạy con sống tự lập

Rèn cho trẻ tính tự lập, không ỷ lại vào người khác cũng là cách tốt nhất giúp trẻ sớm trưởng thành, tự tin và làm chủ được cuộc sống sau này. Cha mẹ nào cũng muốn thúc đẩy sự tự chủ của con mình theo cách vừa công khai vừa âm thầm với mong muốn con có khả năng xử lý cuộc sống hiệu quả và thành công. Vậy làm cách nào để trở thành người dẫn dắt, giúp trẻ sống tự lập hơn?

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ, nhà tâm lý học Sherrie Campbell có một số lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh.

1. Để trẻ học từ những sai lầm

Trẻ em được cha mẹ giao cho một nhiệm vụ để thực hiện, trách nhiệm để gánh vác thường có phản ứng nhanh nhạy hơn với các vấn đề và kỹ năng xử lý tình huống tốt hơn. Lý do là trẻ đã có “kinh nghiệm” thất bại. Những lỗi lầm của trẻ trong quá khứ sẽ giúp chúng rút ra được bài học và xây dựng một mô hình tốt hơn khi xử lý những vấn đề tương tự.

Bên cạnh đó, trẻ cũng học tập cha mẹ cách giải quyết vấn đề thông qua hành vi bắt chước. Người lớn đóng vai trò quan trọng trong quá trình rèn giũa để hình thành tính tự lập cho trẻ. Thông thường nếu người lớn “mặc kệ” trẻ, chúng sẽ phải tự nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc sống.

2. Giáo dục tích cực

Giáo dục con cái là nghệ thuật truyền cảm hứng và khích lệ chúng. Nhiều cố gắng, nỗ lực của trẻ xuất phát từ việc cha mẹ không tin tưởng chúng có thể trở thành “chiến binh” có thể chiến thắng mọi thứ và thành công. Mặc dù có những đứa trẻ học được cách sống tự lập thông qua cách thức này nhưng chúng thường không tự tin lắm và hay đánh giá thấp giá trị bản thân.

Đứa trẻ cảm thấy được khuyến khích, động viên, tin tưởng có thể đưa ra quyết dịnh và đánh giá mà không cần phụ thuộc vào người khác. Trẻ thể hiện được suy nghĩ sâu sắc về ảnh hưởng lâu dài từ những quyết định và tự tin, sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

3. Chuyển giao quyền lực

Để dạy con tự lập, trước hết cha mẹ phải cho phép con có quyền đưa ra quyết định và thực hiện theo những gì mình nghĩ. Ví dụ, thấy trẻ chậm chạp chưa thể tự ăn được hay càng dọn dẹp đồ chơi càng bừa bộn, cha mẹ lại chìa tay ra làm hộ thì chỉ càng khiến trẻ ỷ lại.

Phụ huynh không nên bao bọc con quá kỹ, cần phải nới lòng vòng tay của mình và cho con một cơ hội để học hỏi, phạm sai lầm. Bởi “Thất bại là mẹ thành công”, phạm sai lầm là bước đà để trẻ có thể thành công trong tương lai hoặc chí ít cũng cho chúng cơ hội được trải nghiệm kết quả của những sự lựa chọn.

Trao quyền, để trẻ hoàn toàn quyết định nhưng không có nghĩa phụ huynh bỏ mặc trẻ. Cha mẹ vẫn cần ở bên cạnh để hỗ trợ, cổ vũ, động viên, yêu thương và hướng dẫn nếu trẻ cần để trẻ không cảm thấy mất tự tin và tiếp tục học cách đứng trên đôi chân của mình.

4. Hướng dẫn khi mọi điều trở nên khó khăn

Khi đứa trẻ cảm thấy xuống tinh thần vì phạm phải một sai lầm nào đó, cha mẹ không nên phê bình và chỉ trích. Đây là thời gian cha mẹ nên lắng nghe và đưa ra những ý kiến phản hồi.

Thường xuyên khuyến khích trẻ nhìn vấn đề một cách rộng hơn, pha trò hài hước giúp trẻ quên đi những thất bại đầu đời để chúng thấy rằng những sai lầm không phải điều tồi tệ nhất, quan trọng là phải học cách sửa sai và đi tiếp. Bằng cách này, trẻ sẽ vui trở lại và tiếp tục đón nhận những bài học tự lập.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên đồng hành, tôn trọng những cảm xúc của con, đặt câu hỏi gợi mở cách giải quyết vấn đề và bàn luận, chia sẻ với trẻ về những điều có thể làm tiếp theo trong trường hợp trẻ thật sự cần được giúp đỡ.

5. Khen ngợi khi trẻ làm tốt

Khi con có những quyết định đúng đắn, thành công phụ huynh hãy ghi nhận và chúc mừng trẻ. Những thành công đầu tiên giống như một vật báu, do đó trẻ khao khát được cha mẹ nhận thấy và công nhận. Đừng quên tận hưởng khoảnh khắc tuyệt vời này cùng con vì với chúng tình yêu thương vẫn là phẩn thưởng lớn lao nhất.

Bằng sự khuyến khích, nâng đỡ, hỗ trợ kịp thời và tình yêu thương vô điều kiện, cha mẹ nào cũng có thể nuôi dạy được những đứa trẻ biết suy nghĩ, có trách nhiệm và lòng tự trọng. Thông qua giáo dục tích cực, cha mẹ mang đến cho con mình không chỉ những bài học để trưởng thành mà còn là cảm giác hạnh phúc khi hoàn thành được việc nào đó. Cảm giác ấy sẽ theo chúng suốt đời. Ta có thể dễ dàng biết kết quả của sự giáo dục nếu nhìn vào những đứa trẻ để đánh giá chúng có tự lập, chủ động và đáng tin cậy hay không.

Một lời khuyên nhỏ dành cho các bậc cha mẹ là hãy làm bạn cùng con mình, điều này tốt hơn là trở thành một bề trên luôn sai bảo và bắt trẻ nhất nhất tuân theo. Dạy con tự lập là giúp con tin vào khả năng của mình để đưa ra các quyết định trong tất cả trường hợp. Cha mẹ cũng cần học cách tin tưởng vào năng lực của trẻ, để trẻ là người được nắm quyền kiểm soát. Ngay cả khi phạm sai lầm thì những lỗi lầm đó cũng là điều tốt vì nó là cơ hội khác cho trẻ học hỏi và trưởng thành.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/tung-buoc-day-con-song-tu-lap