Túi tiền các đại gia thủy sản đang "teo tóp"

Những đại gia “khét tiếng” trong ngành thủy sản từng thu lãi hàng chục nghìn tỉ đồng trong các năm tài chính, nhưng giờ đây, các con số đấy xem chừng không mấy dễ dàng. Nhiều “đại gia” đang trong tình trạng sụt giảm lợi nhuận.

Xuất khẩu thủy sản sang các nước đang gặp nhiều khó khăn bởi các rào cản về kỹ thuật. Ảnh: P.V

Theo báo cáo mới đây của Cty Cổ phần Hùng Vương (sau đây gọi tắt là Cty Hùng Vương), lũy kế 9 tháng đầu năm tài chính niên độ (10.10.2016 – 30.9.2017) dù có mức doanh thu thuần khá lớn, khoảng 3.514,7 tỉ đồng, nhưng nếu so với cùng kỳ năm 2016 đã giảm mạnh đến 47%. Từ năm 2012 đến nay, các khoản vay ngân hàng với lãi suất cao cũng đã khiến các khoản vay của Cty Hùng Vương tăng thêm 9.500 tỉ đồng, tỉ lệ nợ gia tăng hơn mức tăng lợi nhuận.

Từ những khó khăn trong công tác kinh doanh, Cty Hùng Vương cũng vừa công bố nghị quyết thoái vốn và giải thể Cty Địa ốc An Lạc - doanh nghiệp vốn điều lệ 300 tỉ đồng, trong đó HVG nắm giữ 76% cổ phần. Trước mắt, Hùng Vương sẽ tiến hành thanh lý 4 khu đất với tổng diện tích trên 20.000 m2 thuộc sở hữu của doanh nghiệp bất động sản này.

Với Cty Minh Phú, dù trong quý 2.2017 mức lãi có tăng đột biến với doanh thu hơn 3.600 tỉ, trong đó lợi nhuận trên 130 tỉ đồng, tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra từ đầu năm với 15.780 tỉ đồng doanh thu và 840 tỉ đồng lợi nhuận.

Mặc dù không gặp khó khăn như 2 đại gia thủy sản trên, nhưng Thủy sản Vĩnh Hoàn cũng đã gặp khó khăn trong quý II/2017. Mặc dù đạt mức doanh thu 2.353 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2016, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 138 tỉ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm này, Cty Vĩnh Hoàn cũng gặp khó khăn trong việc xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ bởi những hàng rào kỹ thuật của quốc gia này, buộc phải giảm tỉ trọng xuất khẩu vào Mỹ xuống 58% và mở rộng thêm 5 thị trường mới, đồng thời tập trung tìm kiếm khách hàng mới ở châu Mỹ La-tinh, châu Á và một số nước châu Âu chưa có sản phẩm của Vĩnh Hoàn... để nhằm bù đắp doanh thu.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các hàng rào kỹ thuật từ thị trường xuất khẩu lớn như Úc, Hoa Kỳ đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh của các “ông lớn” ngành thủy sản trong nước. Đặc biệt là khi Úc và Mỹ đã xiết chặt các hàng rào kỹ thuật đối với tôm, cá tra… Chưa kể Nghị định 38/2012/NĐ-CP có một số quy định  điều gây khó khăn, tốn kém cho DN chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Kh.V

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/tui-tien-cac-dai-gia-thuy-san-dang-teo-top-550538.ldo