Túi sưởi rầm rộ vào mùa: Chuyên gia tư vấn cách sử dụng an toàn

Mùa đông đến cũng là lúc các loại túi sưởi được bán rầm rộ, với rất nhiều hình dáng bắt mắt. Song nó cũng mang theo sự nguy hiểm khôn lường khi sử dụng.

Mùa rét đến cũng là lúc các loại túi sưởi lên ngôi, với rất nhiều hãng sản xuất cùng với các hình dạng ngộ nghĩnh khác nhau. Ngoài tác dụng giữ ấm, túi sưởi còn được quảng cáo là có tác dụng làm tăng cường lưu thông máu, mát xa cho cơ thể nhất là những người hay bị mỏi lưng, đau vai…

Nhiều người coi túi sưởi là vật bất li thân và mang theo nó mọi lúc mọi nơi, nhưng không lường hết được những nguy hiểm mà nó mang lại khi không được sử dụng đúng cách. Đã có rất nhiều tai nạn xảy ra khi dùng túi sưởi dẫn đến hậu quả nặng nề như bị bỏng do vỡ túi, bị điện giật khi vừa cắm điện vừa sưởi...

Nguy hiểm rình rập khi dùng túi sưởi

Theo TS Vật lý Nguyễn Văn Khải thì nguyên tắc làm nóng nước của túi sưởi cũng giống như ấm đun nước, chỉ khác là túi sưởi có rơ-le nhiệt ngắt điện khi đã đủ nhiệt. Túi sưởi làm nóng nước thông qua dây may so, dây may so được bao bọc bởi lớp cách điện nhưng truyền nhiệt và bọc bên ngoài bằng kim loại truyền nhiệt.

 Túi sưởi trên thị trường có rất nhiều hình dáng và kích cỡ. Ảnh Vũ Sơn

Túi sưởi trên thị trường có rất nhiều hình dáng và kích cỡ. Ảnh Vũ Sơn

Trong túi sưởi là nước, được làm nóng để sưởi ấm và bọc bằng vật liệu dạng cao su hoặc nhựa giữ nước ở trong. Có nhiều túi sưởi được bọc thêm lớp bằng vật liệu nỉ với nhiều máu sắc, hoa văn hay hình dạng khác nhau để trang trí.

Đầu năm 2016, do thời tiết quá lạnh, bố của bé Bảo Trân mua túi sưởi cắm điện về sưởi ấm cho con. Khi chị Nguyễn Thị Lan (mẹ của bé Bảo Trân) đang cắm sạc điện vào túi sưởi thì túi bất ngờ phát nổ, khiến nước trong túi chảy ra ngoài gây bỏng nặng cho bé, chị Lan bị bỏng ở chân. Bé Bảo Trân được đưa đến Bệnh viện Sản-Nhi Nghệ An cấp cứu trong tình trạng bỏng chi dưới, mông bẹn và bộ phận sinh dục.

Cháu Huyền 8 tuổi ở Thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang cũng bị bỏng nặng do chiếc túi sưởi đang cắm điện thì nổ tung làm nước nóng bắn vào người. Cháu bị bỏng nặng và phải đưa xuống Viện bỏng Quốc Gia để điều trị. Cháu bị bỏng nặng tại các vùng bẹn, mông và gần bộ phận sinh dục. Bé bị bỏng sâu 3% diện tích cơ thể và phải phẫu thuật ghép da.

Cần lưu ý điều gì khi sử dụng túi sưởi?

Túi sưởi được làm nóng bằng điện nên không hề an toàn như chúng ta nghĩ. Bất kỳ một loại đồ dùng bằng điện nào cũng có thể gây nguy hiểm nếu sử dụng không đúng cách. TS Vật lý Nguyễn Văn Khải chỉ ra một số cách để dùng túi sưởi an toàn.

Theo đó, khi mua túi sưởi, phải lựa chọn nhà sản xuất uy tín để mua, tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc rất nguy hiểm khi sử dụng. Nếu thấy túi sưởi có điểm lạ như phồng hơn bình thường cần phải ngắt điện ngay và ngưng sử dụng để tranh nguy cơ gây nổ túi sưởi.

Trong túi sưởi có tích hợp rơ le nhiệt và sẽ ngắt điện khi túi đạt nhiệt độ yêu cầu (thường khoảng 70-80 độ C). Những túi trôi nổi không rõ nguồn gốc bộ phận rơ le này rất nhanh hỏng, do vậy nếu thấy túi nước sôi đồng nghĩa với việc rơ le mất tác dụng thì phải bỏ ngay, không cố dùng sẽ gây nguy hiểm.

Cẩn trọng khi dùng túi sưởi để tránh nguy hiểm. Ảnh Vũ Sơn

Khi không dùng thì phải để gọn gàng, vì vỏ túi sưởi đựng nước bằng nhựa hoặc cao su nên rất dễ rách, bục khi có vật sắc nhọn đâm vào. Nếu túi có dấu hiệu bị hở mép hay có bị rò rỉ thì tuyệt đối không được sử dụng túi đó nữa.

Không đổ dung dịch bên trong túi ra ngoài và thay thế nó bằng bất kỳ loại dung dịch nào khác để tránh gây nên các sự cố như nổ, chập điện. Không được vừa cắm điện vừa dùng túi sưởi. Không nên ngồi gần khi đang cắm điện hoặc để bất cứ thứ gì lên túi sưởi hay dùng khăn ướt lau chùi túi sưởi ngay cả khi đã dừng việc sạc pin.

Không được lau chùi, vệ sinh túi sưởi khi đang cắm điện, cũng không nên ngâm túi trong nước để giặt rửa. Nếu không may túi bị ướt, thì nhất thiết phải lau và để khô mới tiếp tục được sử dụng.

Ngoài ra, TS Khải cũng cho biết thêm: Việc dùng túi sưởi trong thời gian dài sẽ dẫn đến quá lệ thuộc vào các dụng cụ giữ ấm mà mất đi tính đề kháng tự nhiên của cơ thể. Do vậy, chỉ nên dùng túi sưởi khi trời rất lạnh và cũng không nên dùng thường xuyên.

Vũ Sơn

Vũ Sơn

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tui-suoi-mua-dong-su-nguy-hiem-khon-luong-d107368.html