Tục thờ Thần Tài ở Nam Bộ

Vào các dịp tết cổ truyền, người ta in hình Thần Tài trên các bao lì xì màu đỏ để cầu mong tài lộc phát triển bền vững, ngày càng nhiều.

“…Thổ năng sinh bạch ngọc
Địa khá xuất hoàng kim…”
Tạm dịch là
“Đất hay sinh ngọc trắng
Đất khá có vàng ròng…”

Đây là hai câu đối thường bắt gặp ở các bàn thờ của cư dân Nam Bộ bởi hầu hết các hộ kinh doanh mua bán dù qui mô lớn hay nhỏ đều thường lập bàn thờ vị thần linh giúp đỡ mình buôn may, bán đắt, không bị rủi ro trong mua bán. Đó là Thần Tài.

Ở Nam Bộ, bàn thờ thường xuất hiện cả Thần Tài và ông Địa.

Vào các dịp tết cổ truyền, người ta in hình Thần Tài trên các bao lì xì màu đỏ để cầu mong tài lộc phát triển bền vững, ngày càng nhiều. Ngày xưa, các đội múa lân ngày tết thường gồm các nhân vật như: Lân, Ông Địa thì hiện nay đính kèm nhân vật Thần Tài và các hình tướng khác cho thêm phần hấp dẫn, mới lạ như: Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới…,trong đó Thần Tài là biểu hiện cho sự may mắn về tiền bạc, về việc kinh doanh mua bán.

Bà Lê Thụy Hoàng Lan, ngụ TP Bến Tre chuyên kinh doanh mặt hàng xe máy cho biết: “… gia đình tôi thường xuyên cúng thần tài vào ngày mừng 10 âm lịch hàng tháng để mong ông hộ độ việc làm ăn, riêng các ngày lễ, tết cổ truyền, các lễ vât cúng kiến phong phú hơn…”.

Thần Tài luôn có phong thái ung dung, đĩnh đạc.

Theo truyền thuyết của dân gian, Thần Tài là câu chuyện kể về một thương nhân tên Âu Minh được thủy thần ban tặng một nô hầu tên Như Nguyệt, từ khi có nô hầu, công việc kinh doanh phát triển không ngừng. Một hôm trong cơn say rượu, Âu Minh lớn tiếng chửi mắng và xua đuổi, Như Nguyệt giận dỗi bỏ đi, từ đó công việc mua bán của Âu Minh ngày càng sa sút đến phá sản. Như Nguyệt sau đó biến thành Thần Tài đi giúp đỡ những ai có lòng tôn kính mình làm ăn phát đạt và trừng trị những ai dám xúc phạm đến mình.

Một giả thiết khác cho rằng: Thần Tài là người cai quản đất đai, vương trạch của địa phương, Thần Tài chính là Thổ địa (hay còn gọi là ông Địa). Tuy nhiên giả thiết này không được nhiều người chấp nhận với quan niệm: ông Địa là người có nhiệm vụ đưa rước Thần Tài và chỉ quản lý về đất đai, còn việc làm ăn là do Thần Tài quyết định. Vì vậy ở Nam Bộ tại các bàn thờ thường xuất hiện cùng lúc hai nhân vật là Thần Tài và Ông Địa.

Phong thái của Thần Tài được vẽ trên tranh, trên tượng lẫn trong lĩnh vực biểu diễn là một ông lão râu tóc bạc phơ, đầu đội mũ, tay cầm nén vàng ròng hình chiếc thuyền, mặc áo đỏ (hay áo vàng) tượng trưng cho sự may mắn và quyền lực, nụ cười luôn nở trên môi. Trong quá trình thờ cúng, Thần Tài được tắm rửa bằng nước sạch, có nơi tắm bằng rượu để tạo sự tinh khiết, trân trọng, thanh cao. Lễ vật cúng Thần Tài xưa thường là: 1 con tôm luộc, 1 con cá lóc nướng, 1 con cua, 1 miếng thịt heo quay, 1 xấp tiền vàng bạc, 1 dĩa trái cây, 3 ly rượu trắng. Hiện nay người ta cúng đơn giản hơn nhiều, thường chỉ là trái cây và bánh ngọt, xôi, chè…

Tủ thờ Thần Tài thường làm bằng gỗ hoặc xây bằng gạch men đặt dưới đất, hai bên thường có đèn thờ, vách bàn thờ phải tựa sát vào vách nhà gia chủ để biểu hiện cho sự vững chắc, bền bỉ về tiền bạc, của cải trong nhà. Mặt bàn thờ phải hướng và cửa chính biểu thị cho sự quang minh chính đại. Nếu bàn thờ có cùng lúc hai nhân vật Thần Tài và Ông Địa thì nhất thiết Thần Tài phải được đặt bên trái bàn thờ theo hướng từ ngoài nhìn vào. Phía trước tượng thờ Thần Tài là lư hương cắm nhang, 5 ly nước, bình hoa và lễ vật. Nhiều hộ kinh doanh còn đặt trên nóc bàn thờ tượng Phật Di Lặc, Phật Thích Ca, Phật Bồ Tát… với ý nghĩa các vị Phật này sẽ giám sát quản lý không cho các vị thần làm điều gì sai trái với gia chủ.

Ở Nam Bộ, người dân thường cúng Thần Tài vào ngày mùng 10 âm lịch. Một số gia đình kinh doanh, buôn bán cúng quanh năm bằng cách sáng sớm khi mở cửa bán hàng, người ta thường thắp nhang cầu khẩn Thần Tài phù hộ cho họ mua may bán đắt. Vào ngày Tết cổ truyền, chủ nhà sửa soạn tủ thờ sạch sẽ, nếu tượng Thần Tài, bàn thờ đã quá cũ hay bị hư thì sẽ được thay mới. Trong 3 ngày Tết tuyệt đối không được quét nhà, hốt rác vì sợ làm mất Thần Tài ẩn trong đống rác.

Dù mang nặng tính giai thoại tâm linh, nhưng phong tục thờ cúng Thần Tài của cả nước nói chung, Nam Bộ nói riêng đã được tôn sùng, duy trì hàng trăm năm nay mang đậm bản sắc thuần Việt “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Trần Trấn Giang

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/dan-toc/tuc-tho-than-tai-o-nam-bo-20161012204404142.htm