Tục 'mua vợ' và quy định hôn nhân kỳ lạ của đồng bào Dao

Không những phải chuẩn bị nhiều lễ vật mà chàng trai người đồng bào Dao còn phải đối diện với những thách thức không hề đơn giản của gia đình vợ tương lai. Thế nhưng, không phải hành trình 'mua vợ' nào của chàng trai Dao cũng thành công...

Không những phải chuẩn bị nhiều lễ vật mà chàng trai người đồng bào Dao còn phải đối diện với những thách thức không hề đơn giản của gia đình vợ tương lai. Thế nhưng, không phải hành trình “mua vợ” nào của chàng trai Dao cũng thành công...

Hành trình “mua vợ” gian nan

Nhiều năm nay, tục “mua vợ” của người đồng bào Dao đã trở thành câu chuyện ly kỳ đối với người dân tại các tỉnh Tây Nguyên. Để tường tận phong tục kỳ lạ này, chúng tôi đã tìm đến xã Ea Mróh (H. Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc) để tìm hiểu. Ông Triệu Đức Linh, Thôn trưởng thôn Đồng Dao (xã Ea Mróh) cho hay: “Khác với những người đồng bào khác, khi phải lòng một thiếu nữ nào đó, chàng trai Dao thường bẽn lẽn và không dám nói với gia đình. Tuy nhiên, bạn bè hay người thân trong gia đình phát hiện được thì lập tức nói với ba mẹ của chàng trai. Để giúp con trai thực hiện “giấc mơ” lấy được người phụ nữ mà mình ưng cái bụng, bố mẹ chàng trai sẽ chuẩn bị lễ vật là một gói trầu cau đựng trong tấm vải đỏ, 1 lít rượu, một con gà sang nhà cô gái “ngỏ lời” thay con”. Sau khi nhận lời “cầu hôn”, hai bên gia đình buộc phải trải qua một khoảng thời gian thách thức vô cùng gay cấn. Giải thích về điều này, ông Linh cho biết: “Từ 5-7 ngày, nếu một trong hai bên gia đình xảy ra việc chết mèo, chó, gà, trâu, bò... thì chuyện tình duyên của đôi bạn trẻ buộc phải dừng lại. Bởi theo quan niệm của người đồng bào Dao, việc những con vật này chết trong thời gian này chính là điềm báo cho thấy, cuộc hôn nhân của đôi nam nữ sẽ không hạnh phúc. Nếu như lấy nhau về thì cuộc sống gia đình sẽ có nhiều biến cố, ốm đau, bệnh tật, làm ăn thua lỗ...”.

Ông Triệu Sinh Minh kể về tục “mua vợ” của đồng bào Dao.

Ông Triệu Sinh Minh kể về tục “mua vợ” của đồng bào Dao.

Bà Lý Thị Liên (ngụ thôn Đồng Dao) chia sẻ: “Xuất phát từ quan niệm này nên dù hai bạn trẻ có yêu thương nhau bao nhiêu đi nữa cũng phải chấp nhận không thể đến được với nhau. Do đó, có rất nhiều chàng trai Dao đành phải tiếc nuối từ bỏ người con gái mà mình thầm thương, trộm nhớ”. Ngược lại, nếu không có chuyện gia cầm, gia súc chết thì hai bên gia đình sẽ đi đến lễ hỏi cưới cho các con. Trong lễ hỏi cưới, gia đình nhà trai không chỉ phải chuẩn bị những lễ vật như trầu cau, rượu, thịt... mà còn phải đáp ứng những yêu cầu thách cưới của gia đình con dâu tương lai. Theo đó, có nhiều gia đình phải tiêu tốn hàng trăm triệu đồng để “mua vợ” cho con. Thế nhưng, có nhiều người chỉ mất khoảng vài triệu, vài chục triệu đồng thì đã giúp con trai có được một người vợ ưng ý. Tùy theo hoàn cảnh gia đình nhà trai mà gia đình nhà gái sẽ đưa ra yêu cầu thách cưới khác nhau. Nhiều gia đình không có tiền mặt thì phải dùng trâu, bò để làm sính lễ cho gia đình nhà gái. Tất cả những sính lễ này, gia đình nhà trai sẽ gửi đến gia đình cô gái trong ngày cưới”.

Hình ảnh tại một đám cưới của người đồng bào Dao.

Những quan niệm hôn nhân kỳ lạ

Xuất phát từ tục “mua vợ” nói trên, nhiều người đàn ông Dao nghiễm nhiên “thu nạp” cho mình nhiều “thiếp”. Giải thích về điều này, ông Triều Chăng Cấu (ngụ xã Ea Mróh) cho biết: “Có nhiều người vợ chết nên buộc phải cưới vợ mới để tiếp tục xây dựng hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, có những người vợ không sinh được con trai hay con gái, thậm chí không sinh được con thì đành phải để chồng đi tìm ý trung nhân khác”. Chúng tôi không khỏi tò mò, ngạc nhiên khi ông Linh hé lộ, người vợ cũ phải đi hỏi cưới vợ mới cho chồng mình chứ không phải ai khác trong gia đình. Ông Linh phân tích: “Người vợ mới chỉ chấp nhận đi đến hôn nhân khi được người vợ cả đến nói chuyện, hỏi cưới cho chồng mình. Ngược lại, nếu người vợ cả không đích thân đi hỏi cưới thì người đàn ông Dao sẽ không bao giờ lấy được vợ tiếp theo. Bởi điều đó chứng tỏ, người vợ cũ đã toàn tâm, toàn ý chúc phúc cho cuộc tình mới của chồng”.

Đó là trường hợp của ông Dương Chúng Thanh (75 tuổi, trú thôn Đại Thành, xã Ea Mróh) có tất cả 3 người vợ. Trong đó, người vợ đầu tiên sinh được 4 người con gái; người vợ thứ 2 sinh được 2 con gái, 2 con trai; còn người vợ thứ 3 sinh cho ông 3 người con gái. “Tất cả những người vợ của ông Thanh đều làm nhà sống bên cạnh nhau, rất hòa thuận, vui vẻ như người thân, ruột thịt trong nhà”– ông Triệu Sinh Minh, Thôn trưởng thôn Đại Thành cho biết. Trường hợp, người vợ muốn chấm dứt hôn nhân với chồng cũ thì phải bồi thường tiền, lễ vật theo yêu cầu của nhà trai. Việc bồi thường đó thay cho lời hủy bỏ hôn ước của người phụ nữ đối với chồng cũ. Nếu không thực hiện việc bồi thường thì người phụ nữ đó sẽ không bao giờ lấy được chồng khác và cuộc sống sẽ không được hạnh phúc...

Trước tục “mua vợ” và những quan niệm hôn nhân kỳ lạ của người đồng bào Dao nói trên, ông Trần Viết Lai, Chủ tịch UBND xã Ea Mróh cho biết: “Mỗi dân tộc đều có những phong tục, tập quán riêng nhưng phải tuân theo đúng quy định của pháp luật. Những trường hợp người đàn ông Dao có nhiều vợ đều đã lớn tuổi. Họ lấy vợ từ nơi khác rồi đưa về đây sinh sống mà không hề có đăng ký kết hôn. Hơn nữa, do trình độ nhận thức của một số người đồng bào còn hạn chế, không rành tiếng phổ thông khiến cho công tác quản lý, tuyên truyền của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn”.

Nguyên Trịnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_152247_tu-c-mua-vo-va-quy-di-nh-hon-nhan-ky-la-cu-a-do-ng.aspx