Tuân thủ thi hành pháp luật: Cấp cơ sở làm sai, dân bức xúc

Rất nhiều vấn đề liên quan đến đăng ký hộ tịch, xác nhận lý lịch được quy định rõ trong luật, nhưng các cấp cơ sở lại thực hiện sai khiến người dân bức xúc.

Phê lý lịch sai

Mới đây, ngày 8/8, em Ngô V. A (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đến UBND xã xin xác nhận Sơ yếu lý lịch để chuẩn bị nhập học đại học. Do gia đình chưa đóng các khoản tiền xây dựng nông thôn mới, nên bị lãnh đạo xã xác nhận bản thân em và gia đình chưa chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngay sau khi có thông tin phản ánh về vụ việc, chiều 10/8, UBND TP đã ra thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP kiểm tra thông tin; kiểm điểm trách nhiệm cán bộ có liên quan. UBND huyện Thanh Trì đã trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Duyên Hà đến gặp gia đình em V.A để xin lỗi và cấp lại lý lịch theo đúng quy định.

“Bút phê” của lãnh đạo UBND xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) vào Sơ yếu lý lịch của em V.A. sai quy định.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Thanh Cao - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội khẳng định, lãnh đạo xã Duyên Hà phê vào lý lịch của công dân như vậy là sai quy định. Sở Tư pháp đã yêu cầu xã Duyên Hà làm văn bản xin lỗi gia đình em V.A, thu hồi văn bản đã xác nhận sai, làm lại ngay lý lịch, đồng thời tổ chức kiểm điểm. Theo đại diện Sở Tư pháp, việc xác nhận Sơ yếu lý lịch, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn rất cụ thể tại Công văn số 1520/HTQTCT-CT. Không chỉ riêng văn bản này, mà các quy định của Luật Hộ tịch, các nghị định của Chính phủ, các thông tư văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác hộ tịch, chứng thực sau khi được ban hành, Sở Tư pháp đều yêu cầu phòng tư pháp các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng quy định.

Đây không phải lần đầu cán bộ cơ sở làm sai khiến người dân bức xúc. Chỉ trước hôm xảy sự sự việc này 1 ngày (7/8), ông Trương Phúc Thực - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) cũng "bút phê" vào Sơ yếu lý lịch xin việc của một sinh viên với nội dung: "Bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương”.

Khai sinh cho con thứ 3 phải... nộp phạt

Một câu chuyện khác xảy ra cách đây vài tháng cũng gây bức xúc không ít trong dư luận. Đó là việc người dân một số địa phương phải “nộp phạt” hoặc “tự nguyện đóng góp” một khoản tiền mới được đăng ký khai sinh cho con thứ 3 trở lên. Điển hình là nhiều hộ dân ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) sinh con thứ 3, phải “nộp phạt” 2 triệu đồng mới được cấp giấy khai sinh.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực phối hợp với Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiểm tra, xác minh tại một số địa phương được phản ánh. Kết quả cho thấy, sự việc phản ánh là có thật. Đây là một trong những biện pháp được địa phương áp dụng nhằm hạn chế tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, việc yêu cầu người dân phải “nộp phạt” hoặc “tự nguyện đóng góp” một khoản tiền mới được đăng ký khai sinh đối với trường hợp sinh con thứ 3 trở lên là không đúng quy định. “Để khắc phục tình trạng này, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực đã có công văn gửi sở tư pháp các tỉnh, TP yêu cầu chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn thực hiện đúng quy định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đăng ký khai sinh cho trẻ. Đồng thời, yêu cầu rà soát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật và của địa phương về đăng ký hộ tịch nói chung và đăng ký khai sinh nói riêng, nếu phát hiện có sai phạm đề nghị chấn chỉnh kịp thời” - Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết.

Một hộ dân ở TP Vinh (Nghệ An) phải nộp khoản phí để được đăng ký khai sinh đối với trường hợp sinh con thứ 3.

Người ít, việc nhiều

Một trong những nguyên nhân khiến cán bộ cơ sở thực hiện sai quy định, đặc biệt trong công tác tư pháp ở cấp xã, phường là khối lượng công việc, nhiệm vụ mới bổ sung cho ngành tăng, mức độ phức tạp, yêu cầu chất lượng công việc ngày càng cao. Trong khi đó, biên chế cho các cơ quan tư pháp địa phương để triển khai chưa theo kịp yêu cầu công việc. Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tổng số công chức tư pháp - hộ tịch giúp UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ tư pháp là 17.675 người, trong đó, chỉ có 6.132/11.170 xã, phường bố trí từ 2 công chức tư pháp - hộ tịch trở lên (chiếm 54,9%). Đã thế người làm tư pháp - hộ tịch thứ 2 thường phải kiêm nhiệm thêm nhiều công tác khác. Tại Hà Nội, dù số lượng cán bộ tư pháp biên chế nhiều hơn so với các địa phương khác, nhưng công việc vẫn trong tình trạng quá tải. Khi triển khai dịch vụ công mức độ 3 cấp xã/phường, cán bộ tư pháp cũng phải thực hiện thêm nhiệm vụ này.

Theo Bộ Tư pháp, trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp, Bộ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất những giải pháp kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ sở làm công tác tư pháp - hộ tịch, đáp ứng đủ về số lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm số lượng biên chế cần thiết để thực hiện những nhiệm vụ mới được giao.

Phương Nguyên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tuan-thu-thi-hanh-phap-luat-cap-co-so-lam-sai-dan-buc-xuc-295503.html