Tự ý làm lại đường trong di tích quốc gia là sai!

“Việc bê tông hóa con đường dạo quanh thành cổ Sơn Tây là sai, vì ban quản lý và chủ đầu tư chưa hề xin phép và chưa có sự đồng ý của Bộ VHTTDL. Chủ đầu tư công trình phải chịu trách nhiệm và địa phương cần phải kiểm tra, xem chủ đầu tư đã làm đúng các quy định về bảo vệ di sản văn hóa hay chưa? Ngành văn hóa địa phương phải vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan” - ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) trả lời liên quan đến việc “bêtông hóa thành cổ Sơn Tây và nhốt di tích trong cũi sắt” mà Báo Lao Động đã phản ánh.

Cổng thành cổ Sơn Tây bị “nhốt” vào lồng sắt (chụp ngày 4.1.2017). Ảnh: ĐỨC VÂN

Việc Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm dùng những thanh sắt chằng chống quanh cổng phía tây và phía nam của thành cổ Sơn Tây đã được sự cho phép của Bộ VHTTDL chưa, thưa ông?

- Sau khi Báo Lao Động đăng tải bài viết phản ánh về việc thành cổ Sơn Tây đã bị “bêtông hóa”, cũng như dùng sắt chằng chống cổng thành, Cục Di sản văn hóa đã xuống kiểm tra, làm việc với Ban quản lý di tích thành cổ về các việc báo nêu.

Về hạng mục gia cố, chống đỡ cổng phía tây và phía nam thì Cục Di sản văn hóa đã có văn bản cho phép thực hiện. Năm 2013 các bên đã có văn bản thỏa thuận về việc tu bổ, gia cố công trình. Nhưng thời điểm đó chưa có kinh phí tu bổ, bây giờ có kinh phí họ mới thực hiện. Việc chống đỡ như vậy cũng xuất phát từ hiện trạng của di tích. Cụ thể, hai cổng này xây bằng gạch, rễ cây đã ăn vào rất nhiều. Đặc biệt, cây mọc cạnh chiếc cổng đã mấy chục năm nay, theo thời gian, rễ cây bị mục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu của công trình. Nếu cứ để vậy cổng có nguy cơ bị đổ. Nếu dỡ cổng để xây lại, hay chặt cây để tu bổ thì sẽ ảnh hưởng đến di tích. Hiện nay vì chưa có cách nào để tu bổ nên mới tạm thời dùng biện pháp chống đỡ bằng các thanh sắt và neo thép.

Trong quá trình lập dự án tu bổ, phía bộ và các bên liên quan có tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, nhà văn hóa hay không, thưa ông?

- Phía Ban quản lý di tích đã tiến hành lấy ý kiến của giới chuyên môn và có biên bản nghiệm thu gửi lên Bộ VHTTDL đánh giá về hiện trạng công trình. Trước đây khi lên họp ở Sơn Tây, các nhà khoa học cũng đã đánh giá và đề xuất phương án chống đỡ. Kể cả phương án chặt cây hay không chặt cây cũng được đưa ra bàn thảo và tranh cãi rất gay gắt. Cây đã tạo thành cảnh quan cho thành cổ rồi, vì vậy mọi người đã đồng thuận giữ lại cây. Với các công trình có rễ cây ăn vào như thế này việc tu bổ rất khó. Nếu tu bổ triệt để, khả năng dỡ ra làm lại rất cao, nhưng như thế chẳng khác nào phá đi một công trình, nên cuối cùng đi đến quyết định tạm thời chống đỡ và hạn chế khách vào tham quan các cổng này vì sợ mất an toàn.

Con đường quanh thành cổ Sơn Tây vẫn đang được thi công, bóc gạch cũ, đổ bêtông (ảnh chụp 11.1.2017). Ảnh: MAI TÂM

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng dùng những thanh sắt chằng chống cổng thành như vậy chẳng khác nào “nhốt di tích trong cũi sắt”, trông rất phản cảm?

- Cổng thành ở tình trạng mỗi góc nghiêng một hướng, việc chống đỡ như vậy là tất yếu. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng đã yêu cầu bên chủ đầu tư chỉ gia cố thép chống đỡ bên ngoài và không được đào bới gì làm ảnh hưởng đến di tích. Dĩ nhiên việc chằng chống như vậy sẽ ảnh hưởng về mặt mỹ quan, nhưng là phương án bắt buộc nếu muốn bảo vệ, không cho cổng bị đổ. Với thực trạng xuống cấp tương đối nặng nề, nên việc “băng bó” là tương đối nhiều.

Còn về con đường dạo quanh thành cổ Sơn Tây đã bị cạy hết lớp gạch cũ lên và đổ bêtông, trong khi con đường vẫn còn sử dụng được. Họ làm như vậy liệu có sai và lợi dụng việc tu bổ di tích để trục lợi?

- Việc bêtông hóa con đường dạo quanh thành cổ Sơn Tây là sai, vì ban quản lý và chủ đầu tư chưa hề xin phép và chưa có sự đồng ý của Bộ VHTTDL. Khi đoàn kiểm tra của cục xuống, họ nói là làm con đường để thuận tiện cho du khách đi lại, tham quan. Nhưng làm như vậy cũng không được.

Rõ ràng sai là vậy, nhưng chủ đầu tư công trình vẫn đang tất bật thi công, ngay khi chúng ta đang ở đây trao đổi về vấn đề này. Vậy ai là người xử lý sai phạm này và xử lý ra sao?

- Chủ đầu tư công trình phải chịu trách nhiệm và địa phương cần phải kiểm tra, xem chủ đầu tư đã làm đúng các quy định về bảo vệ di sản văn hóa hay chưa. Ngành văn hóa địa phương phải vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan. Việc này phải hỏi thêm UBND thị xã Sơn Tây. Cục Di sản văn hóa chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn là tham mưu cho Chính phủ về việc quản lý nhà nước về di sản, còn việc xử lý thuộc về thanh tra và nơi cấp tiền cho chủ đầu tư thực hiện. Thanh tra Sở VHTT Hà Nội cũng cần kiểm tra việc này, xem xét trên khía cạnh vi phạm ở mức độ nào, để có quyết định đình chỉ hay không đình chỉ. Để có kết luận cuối cùng thì ngành văn hóa địa phương sẽ phải vào cuộc, để có câu trả lời sớm nhất, tránh gây bức xúc trong dư luận, cũng như bảo vệ được di sản.

- Xin cảm ơn ông.

Kiểm tra, trả lời vấn đề Báo Lao Động nêu liên quan đến di tích thành cổ Sơn Tây

Văn phòng UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản số 223/VP-KGVX gửi Sở VHTT Hà Nội về việc xử lý vấn đề “bêtông hóa thành cổ Sơn Tây và nhốt di tích trong cũi sắt” mà Báo Lao Động đã nêu.

Cụ thể: Ngày 5.1.2017, trên báo Lao Động có bài “Thị xã Sơn Tây: “Bêtông hóa” thành cổ, “nhốt” di tích trong cũi sắt”. Trong đó phản ánh, thành cổ Sơn Tây - 1 trong 4 tòa thành nổi tiếng, tiêu biểu, đẹp nhất miền Bắc, đã đi vào lịch sử, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994, nổi tiếng khắp đó đây với vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc cùng không gian yên bình vốn có đã được xếp vào nhóm “nghiêm cấm vi phạm”, nhưng đang bị “xẻ thịt”, rồi “bêtông hóa” với những hạng mục công trình xấu xí, phản cảm…

Về vấn đề báo nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý giao Sở VHTT kiểm tra, làm rõ nội dung báo nêu, có văn bản trả lời Báo Lao Động, báo cáo UBND thành phố kết quả thực hiện trong thời gian sớm nhất. BÍCH HÀ

ĐẶNG CHUNG (thực hiện)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/tu-y-lam-lai-duong-trong-di-tich-quoc-gia-la-sai-631963.bld