Tự ý dùng thuốc nam chữa sỏi thận, coi chừng suy thận cấp

Là bệnh thường gặp về đường tiết niệu, nếu không được chữa trị kịp thời, đúng cách, bệnh sỏi thận có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Việc người bệnh tự ý dùng thuốc nam cũng gia tăng nguy cơ biến chứng có hại cho cơ thể. PGS .TS, bác sĩ Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Tiết niệu, bệnh viện Bạch Mai) cảnh báo: “Chúng tôi thường gọi thuốc nam là “các loại thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc”. Khi bị sỏi thận mà dùng thuốc đó bừa bãi, không đúng cách, không có chỉ định của bác sĩ thì thận có thể suy nặng hơn”.

Bệnh không lạ với người Việt

Sỏi thận là hiện tượng lắng đọng các chất khoáng lẽ ra có thể hòa tan trong nước tiểu và được bài tiết ra ngoài cơ thể. Theo thời gian, những chất khoáng này kết tủa tạo sỏi trong thận và lớn dần, làm tắc nghẽn đường tiết niệu, suy giảm chức năng thận.

Bác sĩ Đỗ Gia Tuyển cho biết: “Mỗi năm khoa chúng tôi tiếp nhận và điều trị khoảng hơn 3.000 ca bệnh điều trị nội trú, hơn 20.000 bệnh nhân ngoại trú. Tỷ lệ mắc sỏi rất cao”.

Sỏi thận làm tắc nghẽn đường tiết niệu

Có nhiều nguyên nhân gây sỏi thận, mỗi nguyên nhân lại tạo ra một loại sỏi khác nhau. Thành phần sỏi khác nhau cũng phụ thuộc vào vùng miền, vị trí địa lý nơi người bệnh sinh sống. Người Việt Nam thường bị sỏi canxi, oxalat, struvite, urat… Nhưng trên mỗi bệnh nhân ít khi có một nguyên nhân đơn độc. Ví dụ ban đầu bệnh nhân bị gout và mắc chứng sỏi do lắng đọng của các tinh thể urat. Nhưng trên sỏi đó lại có canxi lắng đọng, tạo sỏi hỗn hợp. Tùy theo các nguyên nhân tạo sỏi để có phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường sỏi cũng mang tính chất về vùng miền, cơ địa, chế độ ăn.

Theo bác sĩ Đỗ Gia Tuyển, cách phòng tránh sỏi thận tiết niệu tốt nhất là biết được thành phần sỏi. Nhưng đây chỉ là lý thuyết vì “về mặt khoa học, người ta chỉ biết thành phần của sỏi khi viên sỏi được lấy ra hoặc một số trường hợp xét nghiệm nước tiểu, máu và xem lại một số nguyên nhân thuận lợi tạo thành sỏi”.

Điều quan trọng nhất vẫn là tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh sỏi thận và điều trị kịp thời. “Rất nhiều bệnh nhân phát hiện sỏi do khám bệnh định kỳ. Một số biểu hiện của bệnh là đái ra máu, có cơn đau quặn thận, nhiễm trùng. Triệu chứng do sỏi gây ra không phụ thuộc vào kích thước sỏi. Có bệnh nhân có sỏi to như quả táo nhưng chưa thấy triệu chứng, nhưng có người chỉ cần sỏi to như hạt đỗ thôi nhưng lại đau vì sỏi rơi và gây tắc đường dẫn nước tiểu, đi khám mới phát hiện ra bệnh.” – bác sĩ Đỗ Gia Tuyển nói.

Biến chứng nặng vì tự dùng thuốc nam

PGS.TS, bác sĩ Đỗ Gia Tuyển

Tâm lý chủ quan, thiếu hiểu biết khiến nhiều người bệnh “bỏ mặc” bệnh tình hoặc chữa trị không dứt điểm, dùng thuốc nam bừa bãi vì nghĩ sẽ chẳng hại người như uống thuốc tây, kháng sinh. Điều này sẽ khiến bệnh thêm nặng và có thể xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Các bác sĩ cũng đã cảnh báo nhiều hệ lụy khi người bệnh dùng thuốc nam sai cách.

Ở bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã có trường hợp người bệnh sỏi thận tự ý dùng thuốc nam. Sau 20 năm, bệnh không khỏi còn viên sỏi đã to bằng quả trứng, kích thước 6,15cm. Bệnh nhân Đặng Văn N. (62 tuổi, ở Mạch Tràng, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) từng được chẩn đoán mắc bệnh sỏi tiết niệu, nhưng không điều trị ở theo đơn thuốc mà tự ý dùng thuốc nam ròng rã trong 20 năm trời. Đến khi xuất hiện các cơn đau mới tới bệnh viện. May mắn là bệnh nhân chưa có biến chứng suy thận. Nhưng cần được mổ sớm để cứu chức năng thận trái, nếu để lâu có thể dẫn đến suy thận và mất chức năng thận.

Tự ý dùng thuốc nam có thể khiến bệnh sỏi thận thêm nặng

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Đỗ Gia Tuyển khẳng định: “Theo chúng tôi, người bệnh sỏi thận hoàn toàn không nên tự ý mua thuốc nam về uống, trường hợp như thế bắt buộc phải đi khám. Không phải chúng tôi không khuyến khích sử dụng thuốc nam, nhưng phải sử dụng đúng và có chỉ định của bác sĩ”. Nếu bệnh nhân mắc sỏi thận tiết niệu, dùng thuốc bừa bãi có thể gây biến chứng nguy hiểm như suy thận. Trường hợp bị suy thận, việc dùng thuốc càng phải thận trọng hơn.

“Chúng tôi vẫn thường gọi thuốc nam là “các loại thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc”. Ở Việt Nam hiện nay, cả ở bệnh viện hay các cơ sở y tế rất ít khi xem được trong thuốc nam có các thành phần gì, mà không phải loại nào chúng ta cũng kiểm nghiệm được hết…” – bác sĩ nói thêm. Một số nghiên cứu của nước ngoài cũng chỉ ra thuốc có nguồn gốc thảo dược có thể chứa các chất gây độc và xơ hóa cho thận. Do vậy, người dân cần tránh, tốt nhất là dừng lạm dụng thuốc nam, mua bán và sử dụng ở những cơ sở không đảm bảo chất lượng.

Bác sĩ Tuyển nhấn mạnh: “Trong số bệnh nhân của chúng tôi gần như 100% trường hợp bị suy thận nặng là do tự ý dùng thuốc, hoặc mua thuốc ở các ông lang mà không có xét nghiệm gì cả. Rất nhiều bệnh nhân uống thuốc nam không rõ nguồn gốc khiến tình trạng suy thận nặng lên rất nhiều, và đôi khi suy thận kèm theo suy gan, suy đa tạng. Những trường hợp đó khi vào viện bắt buộc phải lọc máu cấp cứu. Có những bệnh nhân tử vong do việc sử dụng thuốc nam không đúng cách”.

Vị bác sĩ này cũng cảnh báo nguy hiểm tiềm ẩn khi sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Có thể bản chất thuốc bệnh nhân dùng không độc nhưng trong quá trình thu hái trên rừng, chẳng may lấy lẫn cả những loại lá không đúng. Thêm nữa, khi sao tẩm thuốc có thể có nơi dùng nhiều hóa chất để bảo quản có khả năng gây độc cho người bệnh. Đặc biệt với bệnh nhân đã mắc bệnh thận, thận kém thì rất dễ bị suy thận.

Theo những thông tin chia sẻ của bác sĩ Tuyển, đa phần bệnh nhân khi đến khoa Tiết niệu (bệnh viện Bạch Mai) khi bệnh đã nặng. Qua tìm hiểu thì được biết họ đã dùng thuốc nam rất dài ngày, có người vài tháng hoặc hàng năm. Cũng có trường hợp bệnh nhân được chữa trị ổn rồi, nhưng về nghe người ngày người kia mách bảo, cắt thuốc nam về dùng, khi đến kiểm tra lại thì thấy chức năng thận tồi đi.

Vẫn có thể dùng thuốc nam

Trường hợp người bệnh không thích dùng thuốc tây mà muốn dùng thuốc nam cũng được, nhưng nhất thiết phải có sự khám xét, tư vấn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền. Hiện nay nhiều thuốc Y học cổ truyền có tác dụng trong việc điều trị sỏi.

“Nhưng trước khi dùng thuốc nam, người bệnh phải kiểm tra chức năng thận để xem cơ địa có phù hợp không. Việc phòng tránh những tác hại không đáng có của thuốc là không nên tự dùng thuốc. Vì thuốc đó có thể tốt cho bệnh nhân này nhưng không tốt cho bệnh nhân khác. Và thuốc chỉ tốt khi được chỉ định đúng” – bác sĩ Tuyển cho biết.

Nhưng quan trọng nhất vẫn là việc khám bệnh để biết rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, nếu đã bị sỏi thận thì rất cần kiểm tra định kỳ vì sỏi thận là bệnh hay tái phát. “Theo thống kê, khoảng 50% bệnh nhân có sỏi sau khi được can thiệp lấy sỏi thì bệnh sẽ tái phát sau 5 – 10 năm” – bác sĩ Tuyển nói. Khám định kỳ, làm các xét nghiệm cần thiết để đánh giá chức năng thận sẽ giúp bác sĩ biết được tình trạng bệnh cụ thể của từng người: chức năng thận, kích thước, vị trí sỏi (nếu có), biến chứng sỏi do sỏi, có thể can thiệp bằng phương pháp nào…

Phòng tránh sỏi thận

Lời khuyên để phòng tránh bệnh sỏi thận, theo bác sĩ Tuyển, cách phổ thông nhất, dễ nhất là uống đủ nước. Ví dụ những người lười uống nước hoặc sống ở những vùng nóng, nắng, ra nhiều mồ hôi thì lượng nước bài tiết trong ngày ít đi, việc lắng cặn ở thận nhiều cũng gia tăng nguy cơ sỏi thận.

Uống nước cũng cần đúng cách, không phải cứ càng nhiều càng tốt. Nếu uống nhiều nước sẽ bị “ngộ độc nước” vì gây áp lực khiến thận phải làm việc nhiều hoặc làm loãng các chất điện giải trong máu, lượng natri bị hạ thấp.

Cách tính lượng nước nên uống mỗi ngày dựa vào trọng lượng cơ thể và mức độ hoạt động thể chất trong ngày. Lượng nước tối đa và tối thiểu cần nạp mỗi ngày bằng 25-50% trọng lượng cơ thể đổi ra pound (1 pound = 0,45 kg). Ví dụ, nếu bạn nặng 160 pound thì nên uống 40-80 ounce (1,2- 2,4 lít) nước lọc mỗi ngày. Nếu vận động cơ thể, bạn cần bổ sung 80 ounce (2,4 lít) nước mỗi ngày. Cơ thể mất nước qua mồ hôi nên uống nhiều nước sau khi tập thể dục là tốt nhất.

Cách thứ hai để tránh bệnh sỏi thận là hạn chế can thiệp không cần thiết vào đường tiết niệu như đặt xông.

Trường hợp bệnh nhân sỏi thận gặp rối loạn chuyển hóa khác như tăng canxi máu, nhiễm trùng, dị dạng đường tiết niệu thì cần điều trị bằng chỉnh hình, phẫu thuật để giải quyết dị dạng đó. Bên cạnh đó cũng cần tái khám nhiều lần để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sức khỏe bản thân, có chế độ sinh hoạt hợp lý.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/tu-y-dung-thuoc-nam-chua-soi-coi-chung-suy-cap