Từ vụ tài xế taxi tông xe vào tên cướp: Đừng để 'làm phúc phải tội'!

Từ việc tài xế taxi Mai Linh tông thẳng xe vào tên cướp nhằm “vô hiệu hóa” đối tượng, một số ý kiến cho rằng, người dân nên tỉnh táo, khôn khéo hơn để xử lý tình huống.

Xung quanh sự việc anh Nguyễn Văn Hoàng, tài xế taxi hãng Mai Linh tông thẳng xe ô tô vào tên cướp nhằm “vô hiệu hóa” đối tượng, lấy lại tài sản cho người phụ nữ vừa bị giật mất túi xách, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng - Đội trưởng đội Thanh tra pháp luật, thuộc Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội phân tích:

Trước hết, hành động của anh tài xế taxi là một hành động mang tính chất tích cực, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tài xế taxi Mai Linh lao xe lên vỉa hè, tổng thẳng vào tên cướp túi xách.

Tuy nhiên, khi tham gia đấu tranh chống tội phạm thì người dân cũng cần lưu ý, hành động chống trả đối tượng có hành vi xâm hại các lợi ích của xã hội phải tương xứng với tính chất mức độ của hành vi phạm tội. Nếu không, thì sẽ thành vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Khi đó, có thể chính người tham gia đấu tranh chống tội phạm sẽ vi phạm pháp luật.

“Trở lại sự việc tài xế taxi dùng xe ô tô lao thẳng vào đối tượng như thế thì rất nguy hiểm, có khả năng gây hậu quả rất nghiêm trọng đến tính mạng của đối tượng phạm tội hoặc của cả những người khác đang tham gia giao thông. Việc đó là vượt quá mức cần thiết”, Thượng tá Hùng nêu rõ.

Vì vậy, rút kinh nghiệm từ sự việc trên, khi mà người dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm thì nên tỉnh táo, khôn khéo.

Theo vị Thượng tá, lỗi vi phạm của đối tượng cướp giật cũng là nguy hiểm nhưng chưa đến mức cần tước đoạt sinh mạng của đối tượng.

Người dân không nên quyết liệt, bất chấp hậu quả như thế, để đảm bảo an toàn cho bản thân, an toàn cho những người ở khu vực hiện trường và kể cả đảm bảo tính mạng của người vi phạm.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng.

Tuy nhiên, Thượng tá Hùng cũng nói thêm: “Trong trường hợp hành động của tài xế taxi Mai Linh, mặc dù nhìn thì có thể thấy là nguy hiểm đấy nhưng thực tế thì hậu quả nghiêm trọng cũng chưa xảy ra. Cho nên, hành động của tài xế taxi vẫn được coi là phòng vệ chính đáng, để bảo vệ lợi ích của mình, của người khác và của xã hội mà chống trả với mục đích phối hợp cùng người dân bắt đối tượng phạm tội”.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng: Xét về mặt đạo đức xã hội thì việc làm của anh tài xế taxi là đáng được biểu dương trong tình hình hiện nay khi vấn nạn cướp giật đã và đang xảy ra rất nhiều ở các đô thị lớn, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh".

“Người dân tham gia phòng chống vi phạm pháp luật, bắt giữ tội phạm là cần thiết nhưng xét cho cùng chỉ là ở mức độ hỗ trợ hoặc trong trường hợp cần thiết để giúp cho những cán bộ thực thi pháp luật được giao nhiệm vụ đấu tranh với các loại tội phạm”, luật sư Thơm nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Theo luật sư Thơm, nếu trong quá trình bắt giữ quả tang mà người dân nhận thấy đối tượng phạm tội manh động, dùng hung khí nguy hiểm chống lại và tỏ ra hung bạo quá mức thì chúng ta cũng không nên tự mình bắt giữ, tránh trường hợp bị bọn chúng tấn công lại gây nguy hiểm đến tính mạng của bản thân.

“Cũng không nên vì quá bức xúc trước hành vi phạm tội của đối tượng mà có hành động vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Thay vào đó, chúng ta có thể nhớ đặc điểm nhận dạng đối tượng để cung cấp cho cơ quan công an hoặc có thể hô hoán để nhân dân cùng khống chế bắt giữ đối tượng phạm tội. Chúng ta cũng có thể gọi điện tới công an thông báo sự việc để lực lượng cảnh sát tổ chức bắt giữ theo đúng chức năng, nhiệm vụ với các phương tiện, công cụ và phương thức phù hợp”, Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh khuyến cáo.

C.Công - Y.Nhi

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tu-vu-tai-xe-taxi-tong-xe-vao-ten-cuop-dung-de-lam-phuc-phai-toi-a323244.html