Tư vấn truyền hình trực tuyến: Hướng dẫn làm bài thi tổ hợp đạt kết quả cao

Vào lúc 14 giờ 30 ngày 4.5, Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề Hướng dẫn ôn, thi và xét tuyển bằng bài thi tổ hợp tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook và kênh Youtube của báo.

Khách mời tham gia chương trình - Ảnh: ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Một trong các thay đổi quan trọng của kỳ thi THPT quốc gia năm nay là tổ chức 2 bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội). Đây cũng là 2 bài thi được nhiều trường sử dụng trong tổ hợp xét tuyển năm nay. Vì vậy làm tốt 2 bài thi này có ý nghĩa rất lớn với thí sinh.

Vào lúc 14 giờ 30 ngày 4.5, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến tiếp theo với chủ đề “Hướng dẫn ôn, thi và xét tuyển bằng bài thi tổ hợp” tại các địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook và kênh Youtube của báo.

Chương trình sẽ có giáo viên của nhiều trường THPT tham dự gồm:

- Thầy Nguyễn Phạm Phúc, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT Gia Định;

- Thầy Trần Văn Quang, giáo viên môn địa lý Trường THPT Nguyễn Khuyến;

- Cô Phạm Thị Bích Tuyền, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Bùi Thị Xuân;

- Thầy Trần Đình Hương, giáo viên môn hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân;

- Cô Lê Thị Ngọc Dung, giáo viên môn vật lý Trường THPT Marie Curie;

- Thầy Nguyễn Thái Định, giáo viên môn sinh học Trường THPT Vĩnh Viễn.

Bên cạnh đó còn có chuyên gia đến từ các trường ĐH gồm: Quốc tế Sài Gòn, Duy Tân, Nguyễn Tất Thành và Trường CĐ Đại Việt.

Tham dự chương trình, thí sinh sẽ được chia sẻ những lời khuyên bổ ích về cách học tập, ôn luyện để trang bị kiến thức và kỹ năng để làm tốt nhất dạng bài thi tổ hợp. Bên cạnh đó là những bí quyết về cách kết hợp bài thi tổ hợp trong tổ hợp xét tuyển để có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào các trường năm nay.

***

* 14:35 -

Chào mừng các bạn đến với chương trình tư vấn trực tuyến Hướng dẫn thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ năm 2017 với chủ đề Hướng dẫn làm bài thi tổ hợp đạt kết quả cao.

Sau khi đăng ký dự thi THPT quốc gia, đây là giai đoạn các thí sinh chuẩn bị bước vào ôn thi, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Năm nay kỳ thi có nhiều điểm mới, trong đó đáng lưu là những thay đổi về hình thức thi và môn thi. Lần đầu tiên, các môn đều thực hiện theo phương pháp trắc nghiệm khách quan (ngoại trừ môn văn), có sự xuất hiện cùa 2 bài thi tổ hợp khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân) và khoa học tự nhiên (lý,hóa,sinh). Kỳ thi năm nay cũng diễn ra sớm hơn so với mọi năm, bắt đầu từ ngày 22.6.

Trước những điểm mới đó, nhằm giúp thí sinh có những định hướng ôn tập tốt để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia sắp đến, chương trình Tư vấn truyền hình trực tuyến cảu Báo Thanh Niên sẽ thực hiện 2 buổi tư vấn về ôn thi. Buổi thứ nhất diễn ra ngày hôm nay với chủ đề Hướng dẫn làm bài thi tổ hợp đạt kết quả cao.

Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn , facebook.com/thanhnien và kênh YouTube báo Thanh Niên. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên hoặc qua 083.9309242

Phần 1 chương trình hôm nay có sự tham gia của các thầy cô dạy 3 môn thuộc tổ hợp khoa học xã hội và đại diện các trường ĐH:

- Cô Phạm Thị Bích Tuyền, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Bùi Thị Xuân;

- Thầy Trần Văn Quang, giáo viên môn địa lý Trường THPT Nguyễn Khuyến;

- Thầy Nguyễn Phạm Phúc, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT Gia Định;

- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân;

- Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn.

Các khách mời tham dự phần 1 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

* 14:46 -

Mở đầu chương trình, cô Phạm Thị Bích Tuyền, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ: Các em cần lưu ý khi ôn tập môn sử. Làm sao để nhớ được sự kiện, làm sao để tổng hợp và có sự liên kết giữa các sự kiện với nhau? Ôn thi trắc nghiệm cũng giống tự luận đó là các em phải nắm kiến thức cơ bản trước. Để làm được như vậy, các em cần làm đề cương tóm tắt hay còn gọi là sơ đồ tư duy.

Các em đi từ ý lớn sang ý nhỏ, sau đó tổng hợp, xâu chuỗi theo trình tự. Sử lớp 12 có 2 phần: thế giới và Việt Nam. Quá trình tóm tắt 2 phần có sự khác nhau. Sử thế giới ngắn hơn nên tóm tắt thành dạng khung, đưa vào ô những nội dung nổi bật nhất, khái quát nhất…

Cô Phạm Thị Bích Tuyền: Muốn học sử tốt, các em cần tạo sơ đồ tư duy - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Sử Việt Nam nội dung quá nhiều nên không thể làm dạng khung, các em có thể làm hình cây. Mỗi bài gạch ra thành nhiều nhánh, sau đó chia thành chi tiết nhỏ.

Nên chú ý bài tổng kết. Ví dụ sử thế giới bài 11 tổng kết có 6 vấn đề nổi bật. Sử Việt Nam bài 27 tổng kết thành 5 giai đoạn.

* 14:51 -

Thầy Trần Văn Quang, giáo viên môn địa lý Trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) cho biết: Có 2 phần lý thuyết và thực hành. Thực hành thì có Atlas, biểu đồ, bảng số liệu, tính toán.

Lý thuyết môn địa có 45 bài, 8 bài thực hành, 2 bài giảm tải, 2 bài địa lý địa phương. Ôn thi trắc nghiệm thì không có trọng tâm mà học hết đi đến từng chi tiết. Không thể học tủ. Bài về đồi núi học chung với Atlas thì dễ nhớ hơn. Khi ôn lý thuyết, các em nên cố gắng trả lời mỗi câu hỏi nhỏ, ví dụ trung du miền núi có bao nhiêu tỉnh…

* 14:57 -

Thầy Nguyễn Phạm Phúc, giáo viên môn GDCD Trường THPT Gia Định lưu ý: Đề thi môn GDCD chiếm 40% cấp độ nhận biết, 20% thông hiểu, phân hóa là 30% gồm vận dụng bậc thấp và bậc cao. Thí sinh nào chủ yếu xét tốt nghiệp thì tập trung nhận biết, xét ĐH-CĐ thì phải làm được phần vận dụng bậc thấp và bậc cao.

Thầy Nguyễn Phạm Phúc: Nội dung ôn thi trải đều từ đầu đến cuối chương trình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nội dung ôn thi trải đều từ đầu đến cuối chương trình. Các em cần hiểu và nắm bản chất vấn đề.

Có những phương pháp tốt để học hiệu quả. Đó là phương pháp sơ đồ tư duy, các em nên hệ thống kiến thức lại từ đầu đến cuối. Phương pháp tự soạn ra câu hỏi trắc nghiệm, tập làm để rèn luyện khả năng tư duy, sau mỗi bài học nên luyện 10-15 câu. Phương pháp học nhóm và trao đổi với nhau, chia sẻ câu hỏi và ý kiến sẽ giúp các em khắc sâu kiến thức hơn.

* 15:07 -

Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Trong quy chế thi THPT quốc gia, năm nay là lần đầu tiên các em thi bài thi tổ hợp 3 môn, nhưng là bài thi độc lập. Điều 4 cũng ghi rõ chỉ thi kiến thức lớp 12. Đây là thuận lợi của các em. Các em năm sau sẽ vất vả hơn vì bài thi tích hợp và kiến thức gồm các năm THPT.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thi trắc nghiệm khách quan đòi hỏi tính chính xác rất lớn. Thường chúng ta có lựa chọn đúng nhất, đòi hỏi tính chính xác trong vấn đề trả lời câu hỏi.

Năm nay các trường đưa vào bài thi KHXH để tăng thêm cơ hội cho các em trúng tuyển. Các em có thể chọn điểm cao nhất theo tổ hợp để xét tuyển giúp tăng cơ hội trúng tuyển.

* 15:09 -

Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn sử dụng 2 phương thức xét tuyển, xét điểm thi THPT quốc gia và điểm học bạ. Trong đó, phương thức học bạ thì không sử dụng tổ hợp môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Thạc sĩ Cao Quảng Tư: Phương thức xét tuyển học bạ thì không sử dụng tổ hợp môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Ngành ngôn ngữ Anh của trường có xét các môn: toán - văn - khoa học tự nhiên và toán - văn - khoa học xã hội. Ngoài ra, trường còn có tổ hợp văn - sử - địa cho thí sinh muốn học ngành quản trị kinh doanh.

* 15:19 -

Phạm Thị Bích Tuyền, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Bùi Thị Xuân: Mọi năm thi sử tự luận thì các em chỉ cần nắm dàn bài, nghe giảng bài ở lớp là làm được kết quả cao. Nhưng năm nay thi trắc nghiệm 40 câu trải đều 27 bài, ngoài việc nắm ý chính, đặc điểm của từng sự kiện, đòi hỏi các em phải đọc kỹ sách giáo khoa. Phải hiểu rõ bản chất của từng sự kiện.

Nắm được từ khóa ở từng câu hỏi để khi chọn đáp án phải đáp ứng được từ khóa đó. Dùng phương pháp loại trừ. Có 4 đáp án sẽ có 2 đáp án sai, 2 đáp án còn lại có khả năng dễ nhầm lẫn, nên phải đọc kỹ. Học xã hội không chỉ thuộc bài mà cần phải có tư duy, cũng phải nắm nguyên tắc của nó để vận dụng.

Làm bài thi môn sử trắc nghiệm không đòi hỏi nhớ ngày tháng năm nhưng phải nắm rộng hơn, chắc hơn.

* 15:26 -

Thầy Trần Văn Quang, giáo viên môn địa lý Trường THPT Nguyễn Khuyến: Atlas có 32 trang, thí sinh hay quên phần quan trọng là ký hiệu chung trong trang 3. Nếu không thuộc là không làm được bài. Có phần trung tâm công nghiệp nhiều em đọc không kỹ, “nghìn tỉ đồng” chứ không phải “tỉ đồng”. Vấn đề tên tỉnh thành cũng dễ sai. Có 63 tỉnh thành, ghi chữ in màu đỏ trong trang 4, 5, mỗi tỉnh thành có màu khác nhau.

Thầy Trần Văn Quang: Nhiều em nghĩ có Atlas là đủ là chưa đúng - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Atlas chỉ cho biết số liệu, địa danh, phân vùng..., nhưng không cho biết về định nghĩa. Nhiều em nghĩ có Atlas là đủ là chưa đúng.

* 15:30 -

Thầy Nguyễn Phạm Phúc, giáo viên môn GDCD Trường THPT Gia Định: Muốn làm được điểm cao môn GDCD, ở những câu vận dụng, thí sinh cần nắm được bản chất của pháp luật là gì. Toàn bộ chương trình lớp 12 là kiến thức về pháp luật. Pháp luật được xây dựng dựa trên nền tảng đạo đức. Vì thế khi đáp án đúng nhất là đáp án được xã hội đồng tình nhiều nhất.

Ngoài kiến thức, các em cần chuẩn bị tâm lý tốt. Thứ nhất là khả năng tự tin và tỉnh táo vì tính thách đố ở các câu vận dụng rất cao. Đề cho 4 đáp án gần như giống nhau, không nên vội vàng lựa chọn ngay mà phải đọc hết các đáp án, vì có thể đáp án A là đúng nhưng B đúng hơn và có thể D mới là đúng nhất.

* 15:43 -

Phạm Thị Bích Tuyền: Thời gian làm bài không nhiều, 40 câu trong 50 phút. Từng chi tiết nhỏ như phiếu làm bài để bên nào, tay để đâu… Nhiều em cứ làm hết đáp án mới tô vào phiếu làm bài, chỉ cần lệch 1 câu là sai hết. Phải tranh thủ từng tí thời gian. Câu nào khó để đó để đi lại lượt 2, không nên dừng lại suy nghĩ lâu quá về một câu.

Thầy Nguyễn Phạm Phúc: Câu hỏi nào đó quá khó, cho qua khi có thời gian thì quay lại. Nên làm xong câu nào tô trực tiếp để khỏi bị lệch. Nhớ đọc kỹ câu hỏi, điều này cực kỳ quan trọng. Có những đáp án mới đọc tưởng đúng nhưng câu khác lại đúng hơn. Chuẩn bị tâm lý thoải mái khi vào phòng thi.

Thầy Trần Văn Quang: Thí sinh nhớ mang theo máy tính, aAlas. Nếu quên Atlas là chịu. Câu hỏi về Atlas nên làm sau vì những câu đó dễ mất thời gian mở Atlas.

Ngoài ra, các em cần lưu ý những điểm khi vẽ biểu đồ.

Để nhận viết phải vẽ biểu đồ gì, căn cứ vào số năm và 5 từ khóa đặc biệt, đó là: cơ cấu, tỷ trọng, tăng trưởng, phát triển, biến động.

Theo đó, bài có từ khóa “cơ cấu” hay “tỷ trọng dưới 3 năm” sẽ vẽ tròn. Cách nhớ như sau: CẤU = nửa vòng tròn. Tỷ trọng có chữ “TRỌNG” giống chữ TRÒN.

Bài trên 3 năm ta có nhiều vòng tròn, xếp chồng lên nhau thành ống, mở ra thành hình chữ nhật. Trong trường hợp không có các từ khóa trên sẽ vẽ dạng cột.

Bài có từ “tăng trưởng” hay “phát triển”, “biến động” ta sẽ vẽ “đường” với số năm trên 3 năm.

Bài không có 5 từ khóa trên sẽ vẽ dạng cột (không cần quan tâm số năm). Trường hợp đặc biệt bài có 2 đơn vị, dưới 3 năm sẽ vẽ cột, trên 3 năm vẽ biểu đồ kết hợp cột với đường.

* 15:44 -

Đến đây phần 1 của chương trình xin khép lại. Mời quý vị xem tiếp phần 2 trong ít phút nữa.

* 16:01 -

Chào mừng các bạn trở lại với chương trình tư vấn trực tuyến Hướng dẫn thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH,CĐ năm 2017 với chủ đề Hướng dẫn làm bài thi tổ hợp đạt kết quả cao.

Xin giới thiệu các khách mời phần 2 của chương trình:

- Cô Lê Thị Ngọc Dung, giáo viên môn vật lý Trường THPT Marie Curie;

- Thầy Trần Đình Hương, giáo viên môn hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân;

- Thầy Nguyễn Thái Định, giáo viên môn sinh học Trường THPT Vĩnh Viễn;

- Thạc sĩ Cao Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyến sinh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành

- Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt

Khách mời tham dự phần 2 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

* 16:05 -

Mở đầu phần 2, cô Lê Thị Ngọc Dung, giáo viên môn vật lý Trường THPT Marie Curie lưu ý: Năm học này có thay đổi trong hình thức thi và có tổ hợp KHTN (lý - hóa - sinh). Trong thay đổi này, thời lượng làm bài, cách thức thực hiện bài thi trong cùng buổi thi… các em cần phải lưu ý.

Cô Lê Thị Ngọc Dung: Các em cần lưu ý thời lượng làm bài, cách thức thực hiện bài thi trong cùng buổi thi… - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Kỳ thi sắp tới, môn lý nằm trong tổ hợp thi và thời lượng 50 phút, thời gian trả lời cho từng câu đã rút ngắn hơn so với năm ngoái.

* 16:07 -

Thầy Trần Đình Hương, giáo viên môn hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ: Đối với môn hóa, thi giữa lý và sinh, để học tốt, thời gian không còn nhiều, các em nên tập trung trọng tâm để ôn tập.

Tất cả các môn tự nhiên có những phần dễ để có 6 điểm. Các em giỏi cũng không được chủ quan khi làm bài thi.

* 16:09 -

Thạc sĩ Cao Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Năm nay trường có tổ hợp xét tuyển liên quan đến các môn tự nhiên vào các khối ngành sức khỏe, kỹ thuật và công nghệ.

Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt: Trường xét tuyển các tổ hợp thuộc KHTN cho nhóm ngành sức khỏe, kinh tế, kỹ thuật công nghệ…

* 16:17 -

Một học sinh hỏi: Cùng một buổi thi 3 môn em rất sợ sẽ nhầm lẫn các kiến thức với nhau. Vậy có cách nào để không bị nhầm lẫn kiến thức?

Thầy Trần Đình Hương: Sự nhầm lẫn thì không sợ vì kiến thức 3 môn tách biệt, sợ lớn nhất là sức khỏe - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thầy Trần Đình Hương, giáo viên môn hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân: Sự nhầm lẫn thì không sợ vì kiến thức 3 môn tách biệt, sợ lớn nhất là sức khỏe. Vì nếu thi ĐH phải tập trung cao để làm bài. Trước khi thi cần chuẩn bị tốt nhất về sức khỏe. Nếu có thì nhầm lẫn xảy ra giữa các phần trong cùng nội dung, nên trước khi thi cần ôn theo hệ thống và có dàn bài hoặc từng mức độ đề. Khi đó TS chỉ thi tốt nghiệp thì ôn theo mức độ cơ bản. Tài liệu trên mạng rất nhiều nhưng chỉ tập trung vào các nội dung chính. Với TS xét tốt nghiệp thì tập trung vào đề thi tốt nghiệp cũ, tham khảo đề thi ĐH và CĐ ở những câu dễ và thuộc kiến thức lớp 12.

* 16:19 -

Một bạn đọc hỏi: Đôi khi với nhiều thí sinh, chỉ cần một môn trong bài thi KHTN, nhưng vì yêu cầu bắt buộc nên thi cả 3 môn. Em xét tuyển khối B, em không đặt nặng môn lý. Nhưng em chỉ giỏi một môn thì làm sao điểm không quá thấp và không ôn quá nhiều thời gian?

Lê Thị Ngọc Dung: Với các bạn xét khối B, môn vật lý là môn kèm theo. Để ôn nhẹ nhàng và đạt hiệu quả cao, đầu tiên cần học kiến thức cơ bản, chủ yếu nội dung trong SGK. Đạt mức độ thông hiểu, không cần câu hỏi quá chuyên sâu. Theo đề thi của Bộ trong các năm gần đây, có phân rõ phần tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Chỉ cần giải quyết 24 câu đầu tiên thì không khó đạt điểm 5 và 6.

* 16:20 -

Một học sinh hỏi: Đề thi môn sinh năm nay nằm trong chương trình lớp 12. Có chắc chắn không? Nếu em không luyện thi có làm bài được không?

Thầy Nguyễn Thái Định, giáo viên môn sinh học Trường THPT Vĩnh Viễn: Nếu chỉ để thi tốt nghiệp, chỉ cần kiến thức lớp 12, không cần cao siêu là đủ 6, 7 điểm. 25 câu đầu làm ngon lành, không có bài tập, không có tính toán phức tạp.

* 16:22 -

Một học sinh hỏi: Em chọn tổ hợp môn khối A, lực học của em thi đạt khoảng 15-16 điểm, trong khi diểm trung bình học bạ của em được khoảng 17-18 điểm. Em muốn xét tuyển ngành kỹ thuật xây dựng của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thì em nên nộp học bạ hay nộp điểm THPT quốc gia để có cơ hội đậu cao hơn?

Thạc sĩ Cao Thái Sơn: Việc xét tuyển học bạ vào trường sẽ có cơ hội trúng tuyển cao hơn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thạc sĩ Cao Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: TS có 2 cơ hội trúng tuyển vào trường nhưng việc xét tuyển học bạ cơ hội trúng tuyển cao hơn. Ngoài ra, trường còn có học bổng dành cho TS trúng tuyển bằng học bạ.

* 16:23 -

Một bạn đọc hỏi: Ngành công nghệ vật liệu của CĐ Đại Việt đào tạo những kiến thức gì? Ra trường em có thể xin việc ở đâu? Em nộp nộp hồ sơ như thế nào?

Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt: Ngành học này đòi hỏi kiến thức về hóa học, kiến thức chuyên môn xử lý công nghệ vật liệu… Tốt nghiệp ngành này, sinh viên có thể làm việc tại cơ sở sản xuất vật liệu kim loại, điện tử hoặc tại các công nghiệp hóa, hàng hóa tiêu dùng… Để nộp hồ sơ, thí sinh có thể đăng ký trực tuyến trên website trường hoặc nộp hồ sơ qua bưu điện về trường.

* 16:25 -

Một học sinh thắc mắc: Em muốn tổng hợp kiến thức trong giai đoạn này thì phải làm thế nào?

Lê Thị Ngọc Dung: Việc các em chọn môn vật lý xét khối A, A1 khá nhiều, nên cần tập trung giai đoạn nước rút này. Cần thực hiện các bước:

- Nắm nội dung trọng tâm, cơ bản: gồm 7 chương, cố gắng nắm phần trọng tâm và thiết yếu nhất.

- Hệ thống kiến thức từng chương, từng phần, liên hệ qua sơ đổ tư duy, bảng biểu so sánh. So sánh kiến thức các chương với nhau mới nắm vững.

- Bài toán dễ phải làm cẩn thận, hạn chế sai sót không đáng có. Phải chắt chiu từng câu, làm từ dễ đến khó.

- Phân bố thời gian hợp lý, kết hợp học và nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe. Kết hợp ôn tập và rèn luyện đề thi mẫu.

* 16:26 -

Thầy Trần Đình Hương, giáo viên môn hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân: Giai đoạn này các em nên tập trung ôn vào kiến thức lớp 12. Ôn theo công thức tên gọi, tính chất vật lý, hóa tính và các phần thực hành, điều chế và ứng dụng. Việc ôn theo dàn bài như vậy sẽ tránh lẫn lộn kiến thức chương này với chương kia.

Ứng dụng thực tế sẽ có nhiều trong đề thi. Trong đó một dạng chỉ hỏi công thức thí sinh không cần biết ứng dụng vẫn làm được. Nhưng dạng yêu cầu phải biết ứng dụng của công thức mới làm được. Do vậy ứng dụng cơ bản nhất trong SGK thí sinh phải nắm vững.

* 16:31 -

Thầy Nguyễn Thái Định: Trong giai đoạn này không còn nhiều thời gian, với môn sinh, các em cần chú ý 3 phần cơ bản:

- Di truyền: số câu hỏi rất nhiều: cơ chế, di truyền học và quần thể… Có 4 cấp độ biết, hiểu, vận dụng, vận dụng nâng cao

- Cơ chế tiến hóa: 3-4 câu.

- Sinh thái.

Thầy Nguyễn Thái Định - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Các em cần phải nắm vững kiến thức cơ bản và làm nhuần nhuyễn các phần trên.

* 16:32 -

Một bạn đọc hỏi: Không đi luyện thi thì khả năng xét tuyển ĐH có nhiều không ạ?

Thầy Nguyễn Thái Định: Nếu giỏi và có sự chuẩn bị, định hướng tốt, không cần luyện thi vẫn có kết quả cao. Học sinh không luyện thi đậu thủ khoa rất nhiều.

Lê Thị Ngọc Dung: Đề thi năm nay rút ngắn thời gian lại, nhưng số câu hỏi và lượng câu hỏi nhiều. Qua 2 đề thi minh họa vừa qua, tôi có một số nhận xét:

- Đề nằm trong chương trình lớp 12.

- Phân hóa rõ rệt

Em xem khả năng mình có thể tự học, có chuẩn bị môn đó tốt chưa. Em yêu cầu cần số điểm bao nhiêu. Theo hai đề minh họa đạt bao nhiêu điểm..., lúc đó em quyết định có cần luyện thi nữa hay không.

* 16:43 -

Ngành quản lý bệnh viện học như thế nào, xét tuyển ra sao?

Thạc sĩ Cao Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành: Đây là một mảng của ngành quản trị kinh doanh trường đang đào tạo. Ngoài ra, trường có đào tạo thêm ngành mới thuộc nhóm sức khỏe là ngành bác sĩ y học dự phòng dự kiến xét 100 chỉ tiêu trong năm nay.

* 16:46 -

Học ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng bậc CĐ thì cơ hội việc làm thế nào? Trường CĐ Đại Việt có giới thiệu việc làm cho người tốt nghiệp hay không? Em có thể làm những công việc gì ở các công ty xây dựng khi kỹ sư là người tốt nghiệp từ trường ĐH?

Thạc sĩ Phạm Thanh Bình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt: Đây là ngành mà 100% sinh viên học tại trường có việc làm ngay năm cuối đi thực tập. Ngoài ra, trường cũng có giới thiệu các công ty cho sinh viên thực tập và xin việc. Tốt nghiệp, sinh viên ngành này có thể đảm nhiệm các vị trí: kỹ thuật viên phụ trách thiết kế thi công giám sát tại các công ty xây dựng… Cơ hội việc làm rất lớn vì trung bình trong 1 đơn vị yêu cầu bậc ĐH 10 người thì bậc CĐ và TC 100 người và công nhân kỹ thuật cần tới hàng ngàn người.

* 16:54 -

Thời gian thi các bài thi, khoảng nghỉ ngắn rất áp lực với thí sinh. Theo kết quả vừa rồi Bộ công bố, học sinh chọn bài thi KHXH nhiều hơn KHTN, có lẽ thí sinh cho rằng bài thi KHXH ít điểm liệt hơn. Như vậy, vốn dĩ thi KHTN đã là áp lực. Có thể khuyên gì cho thí sinh khi vào phòng thi?

Lê Thị Ngọc Dung: Môn lý có ưu thế là thi đầu. Khả năng các em làm bài thi tốt hơn hóa, sinh. Cô cũng có lời khuyên:

- Đọc đề thi cẩn thận, câu dễ làm trước, không để sai sót. Như vậy đã đảm bảo 60% đề thi. Chỉ chiếm khoảng 20 phút thôi.

- Phần nâng cao, 16 câu còn lại, chia 2 phần: 8 câu vận dụng sách, có khả năng giải quyết vì đã làm, quen thuộc (dù mức độ khó hơn). Yếu tố cần là chính xác, nhạy bén, cần khoảng 20 phút.

- 8 câu rất khó, có những dạng rất lạ và mới. Thời gian xử lý cho 1 câu khá nhiều. Có thể xem qua đáp án trước đó, để chọn ngẫu nhiên nhưng hợp lý hơn.

- Trong 2 đề minh họa vừa rồi, Bộ chú trọng câu hỏi thực tế khá nhiều. Các em cần lưu ý.

Thầy Trần Đình Hương, giáo viên môn hóa học Trường THPT Bùi Thị Xuân: Với thí sinh xét tốt nghiệp năm nay không thành vấn đề, chỉ cần tránh điểm liệt sẽ vượt qua. Thí sinh phải chắc chắn lấy được 6 điểm. Sau khi kiếm được 8 điểm thì thí sinh nên kiểm tra lại cho kỹ lại trước khi làm câu tiếp theo. Thí sinh ráng giữ bình tĩnh để không bị ảnh hưởng các môn tiếp theo. Vì nếu đề khó sẽ khó chung với mọi người.

Thầy Nguyễn Thái Định: Đối với môn sinh, là môn khó vì là chủ lực khối B nên các em cần phải ôn tập kỹ kiến thức. Năm nay mỗi câu 0,25 điểm, hơn năm ngoái, mỗi câu chỉ 0,2 điểm.

* 16:56 -

**** Với những hướng dẫn, thông tin, chia sẻ cũng như lời khuyên của các thầy cô, thí sinh đã biết cần phải tập trung ôn tập và lưu ý những gì trong khi làm bài thi để đạt kết quả tốt nhất. Chúc các thí sinh đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp đến.

Cảm ơn các thầy cô tham gia chương trình, quý khán giả, độc giả theo dõi chương trình.

Chương trình sẽ tiếp tục vào ngày 11.5 tại địa chỉ thanhnien.vn , facebook.com/Thanh Niên và kênh YouTube của Báo Thanh Niên với chủ đề Hướng dẫn ôn tập các môn toán, văn, ngoại ngữ.

Thanh Niên

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/tu-van-truyen-hinh-truc-tuyen-huong-dan-lam-bai-thi-to-hop-dat-ket-qua-cao-831079.html