Tự tử vì manh áo mới, đứa trẻ không nhìn thấy tương lai

Một cậu bé tự tử luôn là một câu chuyện rất buồn. Nhưng, nó đã trở nên buồn bã hơn nhiều với cái lý do tự tử của thằng bé, vì là con nhà nghèo.

Ksor Sôn, thằng bé 11 tuổi ở Gia Lai đã tự từ bỏ cuộc sống của mình. Một cậu bé tự tử luôn là một câu chuyện rất buồn. Nhưng, nó đã trở nên buồn bã hơn nhiều với cái lý do tự tử của thằng bé, vì là con nhà nghèo.

Dĩ nhiên là người ta luôn có thể cảm thấy tuyệt vọng bởi nghèo khó. Nhưng, giữa nghèo và nghèo một cách tuyệt vọng thực ra là hai hiện tượng hoàn toàn khác nhau.

Cha mẹ của thằng bé Sôn rất nghèo. Đến việc mua một cái áo mới cho con đến trường cũng phải thất hứa nhiều lần thì nghèo lắm. Nhưng, gia đình nó không nằm trong diện được trợ cấp, tức là còn rất nhiều gia đình khác nghèo hơn. Có lẽ, nhiều đứa trẻ khác cũng sẽ không có quần áo mới để đến trường như nó. Nhưng Sôn tự tử, vì những trải nghiệm tuyệt vọng của nó.

Mấy năm trước, gia đình thằng bé Sôn cũng từng có được một cơ hội thoát nghèo khi được hỗ trợ một con bò. Nhưng con bò ấy lăn ra chết, mang theo niềm hi vọng của anh trai thằng bé. Anh trai của Sôn tự tử khi còn là một cậu bé, cũng 11 tuổi.

Đám tang của cậu bé 11 tuổi Ksor Sôn khiến cộng đồng cảm thấy đau xót.

Khi một đứa trẻ phải nhìn con bò xóa đói giảm nghèo như một niềm hi vọng, và sẵn sàng từ bỏ cuộc sống khi niềm hi vọng nhỏ nhoi ấy mất đi, đó là sự tận cùng quẫn bách. Ksor Sôn, đứa bé tự tử mấy hôm trước không chỉ vì cha mẹ thất hứa mua áo mới. Chiếc áo mới không bao giờ được mặc ấy, chỉ là một dấu chấm trong câu chuyện cuộc đời nó, một cuộc đời ngắn ngủi chỉ để nó kịp trải nghiệm những niềm hi vọng theo nhau mất đi.

Đứa bé lớn lên trong một gia đình nghèo khó. Song, nghèo khó không phải là điều có thể khiến người ta muốn từ bỏ cuộc sống của mình, nếu như con người đó vẫn còn nhìn thấy cơ hội thoát ra khỏi sự nghèo khó. Cơ hội rõ rệt nhất đã trôi qua, cùng với cái chết của anh trai thằng bé. Những cơ hội tiếp theo không đến. Dù cha mẹ đứa bé đã không còn nằm trong diện người nghèo để hỗ trợ nhưng chỉ để mua cho nó một tấm áo mới cũng là điều không thể thực hiện. Tấm áo mà đứa bé mong chờ không chỉ là tấm áo, nó còn là niềm hi vọng được hiện thực hóa về hoàn cảnh gia đình.

Đứa bé ấy đã hết hy vọng trước khi cha nó có thể vay tiền mua cho nó một tấm áo mới. Nó tự tử không phải vì không được ăn diện như bạn bè, mà tự tử vì không còn niềm tin vào một cơ hội thoát khỏi cuộc sống nghèo khó của gia đình. 11 tuổi, nó không biết vì sao cha mẹ nó nghèo mãi. Nhưng, có lẽ, nó đủ khả năng cảm nhận được số phận bên lề của những người nghèo ở nơi nó sinh sống. TV hàng ngày mang cho nó những hình ảnh phồn vinh, những đứa bé no đủ, thừa thãi sống một cuộc sống mỗi ngày một thêm phần xa hoa rất gần nơi nó sống. Nhưng đó là một cuộc sống mà nó không bao giờ có hi vọng chạm tới. Bởi, đó là một cuộc sống khác, của những người không cùng thế giới với nó.

Bị gạt ra bên lề của quá trình phát triển không phải là hình ảnh ẩn dụ gì. Đó là số phận thật của rất nhiều gia đình nông dân nghèo như gia đình cậu bé Ksor Sôn. Thu nhập đầu người trong xã hội mỗi năm một tăng, học phí tăng, phí khám chữa bệnh tăng, mọi thứ nhu yếu phẩm đều tăng giá, nhưng đó là chuyện ở đâu đó, còn những người như cha mẹ thằng bé Sôn thì chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Lá rau con cá hàng ngày, người ta bảo ít tiền thì đừng mong sạch. Nhưng mẹ thằng bé Son không phải ca sĩ Mỹ Linh, những thứ mà người nghèo mua được để ăn dĩ nhiên được truyền thông là bẩn, là có thể gây ung thư. Vậy thì còn sống làm gì nữa?

Cuộc sống mỗi ngày một đổi thay theo hướng chất lượng hơn. Nhưng cái sự chất lượng hơn đó chẳng liên quan gì đến những thằng bé như Ksor Sôn.

Nhiều lối mòn cha mẹ thằng bé Sôn lên rẫy xuống chợ khi xưa đã thành đường cao tốc. Nhà nó làm gì có ô tô để đi.

Những cánh rừng, con suối đã nuôi sống cha mẹ thằng bé Sôn khi xưa đã được thay bằng nhà máy, thủy điện. Bố mẹ nó không thể làm công nhân, ăn còn không đủ nói thắp điện làm chi.

Tài nguyên của đất nước được khai thác để phát triển đất nước. Nhưng nhà thằng Sôn chẳng bao giờ có thời gian đến ngắm quảng trường với tượng đài ngàn tỷ, cũng chẳng về bên sông Hồng để xem bắn pháo hoa.

Cuộc sống của nó, của thằng anh cũng xấu số của nó, của cha mẹ nghèo của nó không có gì liên quan đến tất cả những dấu ấn phồn vinh mà nó có thể thấy trên TV mỗi ngày. Những thành quả của sự phát triển không hướng đến nó, những chính sách phục vụ xã hội không có tiếng nói từ nhu cầu của nó. Với thằng bé Sôn, tương lai của nó đã chết theo con bò của anh trai nó từ mấy năm trước, đã không thể nhìn thấy dù chỉ giản đơn như tấm áo hơn trăm ngàn.

Thằng bé Sôn không thể nhìn thấy tương lai của mình. Và thằng bé Sôn giờ đây cũng vĩnh viễn không bao giờ còn có thể nhìn thấy tương lai.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/tu-tu-vi-manh-ao-moi-dua-tre-khong-nhin-thay-tuong-lai-704761.html