Tự tử vì không có quần áo mới: Tâm sự xót lòng

Ksor Sôn từ khi sinh ra đã mặc đồ cũ của người anh để lại. Biết gia đình khó khăn nên Sôn cũng ít đòi hỏi bố mẹ mua đồ.

Toàn mặc đồ cũ của anh trai

Đã một tuần trôi qua nhưng anh Ksor Phơ (làng Breng 3, xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vẫn chưa hết nghẹn ngào, xót xa khi nói về cái chết của cậu con trai mới học lớp 6 Ksor Sôn vì không có quần áo mới mặc đến trường.

Chiều 30/8, chia sẻ với Đất Việt, anh Phơ cho biết bản thân vẫn day dứt vì chưa thể may xong cho con được bộ đồ mới mà Sôn khao khát bấy lâu này.

Vợ chồng anh Phơ và căn nhà tôn tạm bợ. Ảnh: Dân trí

“Từ bé đến giờ, cháu chỉ mặc lại đồ của anh trai. Biết gia đình hoàn cảnh khó khăn, không có tiền nên Sôn cũng ít đòi hỏi bố mẹ mua đồ. Vợ chồng tôi đã hứa với cháu may cho bộ quần áo mới từ năm ngoái nhưng vẫn không thực hiện được vì tiền kiếm được chỉ đủ mua gạo, mắm muối, đóng học cho Sôn”, anh Phơ nói.

Đến tối ngày 21/8, sau nhiều lần chần chừ, anh và vợ quyết định hỏi vay những người trong làng được hơn 100.000 đồng để may quần áo mới cho Sôn.

Đến sáng 22/8, ngày đầu tiên của năm học mới, Sôn vẫn dậy bình thường và chuẩn bị bữa sáng cùng gia đình.

Vợ chồng anh Phơ động viên cháu mặc tạm bộ đồng phục của năm học trước, khi nào thợ may xong quần áo mới sẽ lấy về cho con mặc. Nghe thấy thế, Sôn không nói gì, cháu lấy quần áo cũ ra mặc, đeo khăn quàng đỏ rồi chuẩn bị sách vở để đến trường.

Thấy con vẫn vâng lời, không có phản ứng gì buồn bã hay thất vọng, vợ chồng anh Phơ yên tâm lên rẫy làm thuê, kiếm tiền sống qua ngày.

“Nào ngờ một lúc sau thì nhận được tin Sôn đã treo cổ trên cây bời lời cách nhà chừng 40m, bên dưới là sách vở, xe đạp. Chúng tôi bàng hoàng chạy đến nhưng cháu đã mất rồi. Bộ quần áo vẫn còn đang đặt may chưa lấy”, anh Phơ nghẹn ngào.

Nói thêm về cậu con trai, anh Phơ cho biết, Sôn là người con ít trong gia đình. Trên em còn có một người anh tên Bron (SN 1997) và Ksor Thoa (SN 1999). Trong gia đình chỉ có Sôn là được đi học đến lớp 6 còn anh chị Sôn đều phải nghỉ học ở nhà từ sớm.

Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, tiền làm không đủ lo cho cuộc sống như thấy Sôn ham học và chăm chỉ nên gia đình anh Phơ vẫn quyết định cho em đi học bằng mọi cách.

“Nhà chỉ có 2 sào đất trồng cây cà phê. Để lo cho các con, 2 vợ chồng tôi đi làm thuê khắp nơi, ai gọi gì thì làm nấy. Nhưng công việc cũng không ổn định, hôm có, hôm không. Vì thế bao năm nay, gia đình chỉ sống trong căn nhà tôn tạm bợ, không có tiền để xây. Lần trước có đoàn cán bộ đến khảo sát để xây nhà cho dân nhưng cũng không được vì họ nói nhà tôi ở là nhà rẫy. Giờ cũng không biết xoay sở ra sao”, anh Phơ buồn bã nói.

Gia đình thuộc hộ cận nghèo

Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Ksor H’Leo, trưởng làng Breng 3, xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, Sôn là đứa trẻ ngoan ngoãn, học giỏi. Bố mẹ đi làm, một mình Sôn ở nhà tự chăm lo cho bản thân, chuẩn bị cơm nước để bố mẹ về ăn.

“Sôn là đứa trẻ học giỏi có tiếng ở trong làng. Khi nghe tin cháu treo cổ tự tử, ai cũng bàng hoàng, xót xa”, ông H'leo chia sẻ.

Cha mẹ của Sôn đã khóc cạn nước mắt trước sự ra đi của con. Ảnh: TTT

Trong khi đó, ông Bùi Bờ Lý, Chủ tịch UBND xã Ia Der cho biết, gia đình anh Phơ hoàn cảnh cũng rất khó khăn tại điện phương. Năm 2015 là hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ cho 1 con bò nhưng khi nuôi một thời gian thì bò bị bệnh rồi chết. Hiện nay gia đình anh Phơ không phải diện nghèo mà chỉ là hộ cận nghèo.

“Sau sự việc tự tử của em Ksor Sôn, chính quyền xã có xuống trợ cấp tiền cho gia đình anh Ksor Phơ tuy nhiên cũng không đáng là bao so với mất mát lớn từ gia đình. Lãnh đạo xã cũng đang lên phương án vận động tiền hỗ trợ cho vợ chồng ông Phơ xây được ngôi nhà mới. Năm ngoái có đoàn cán bộ trên huyện về địa phương khảo sát xây nhà Đại đoàn kết nhưng họ không đồng ý với trường hợp gia đình anh Phơ vì cho rằng là nhà rẫy, nên đã chuyển sang xây nhà khác”, ông Lý cho hay.

Ông Lý cũng xác nhận trên địa bàn có rất nhiều cháu bé gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn, có nguy cơ phải bỏ học nhưng xã chưa tìm ra phương án giải quyết tình trạng này mà phải chờ sự chỉ đạo và những ưu tiên từ huyện Ia Grai.

Hà Đông

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/tu-tu-vi-khong-co-quan-ao-moi-tam-su-xot-long-3317732/