Tự tử là biện pháp để bảo vệ gia đình quan chức Trung Quốc khỏi bị điều tra

Giới luật sư Trung Quốc nói không ít quan chức chọn cách tự tử là biện pháp để bảo vệ gia đình khỏi bị điều tra, bởi vụ án thường khép lại khi nghi phạm chết. Tờ South China Morning Post dẫn số liệu từ các nhà nghiên cứu Hong Kong cho biết tỷ lệ tự tử trong giới quan trung cấp và cao cấp ở Trung Quốc...

Tờ South China Morning Post dẫn số liệu từ các nhà nghiên cứu Hong Kong cho biết tỷ lệ tự tử trong giới quan trung cấp và cao cấp ở Trung Quốc cao hơn ít nhất 30% so với tỷ lệ này trong dân chúng đô thị.

Thoát tội

Tháng 7/2014, dư luận Trung Quốc có nhiều luồng ý kiến khác nhau quanh vụ tự tử của Lý Hải Hoa, Chủ tịch Hội đồng nhân dân kiêm Phó thị trưởng thành phố Hiếu Cảm, tỉnh Hồ Bắc. Theo thông báo của cảnh sát, ông Lý đã nhảy từ tầng 11 của trụ sở chính quyền xuống đất.

Hai tháng sau cái chết của ông Lý, một cựu Phó Bí thư Đảng ủy ở Hồi Hột, thủ phủ khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc, đã tự cắt cổ tay ngay trong văn phòng của mình. Cũng trong tháng này, một Bí thư Đảng bộ một quận ở thành phố Nam Kinh được xác định đã treo cổ tự tử.

Ông Lý đã mất hàng chục năm phấn đấu để có được quyền lực với xuất thân chỉ là cậu bé được sinh ra trong một gia đình nghèo ở nông thôn. Truyền thông Trung Quốc khi đó không nói gì nhiều về cái chết của ông Lý, điều thường thấy khi một quan chức chết với nguyên nhân không bình thường.

Tuy nhiên, tờ New York Times (Mỹ) dẫn lời một số chuyên gia cho biết ông Lý chọn cái chết vì biết mình sẽ không thoát tội trong cuộc điều tra tham nhũng. Các nhà phân tích cho rằng không nên gắn các vụ tự tử với tham nhũng, song họ thừa nhận rằng con số các quan chức tự kết liễu mạng sống là điều “đáng lưu ý”.

Nhậm Kiến Minh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục liêm chính tại Đại học Bắc Hàng, Trung Quốc, cho biết: “Quan cũng như dân, họ cũng là người. Họ cũng hoàn toàn có thể bị trầm cảm do áp lực công việc và áp lực xã hội. Tuy nhiên, tôi cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến số vụ tự tử chưa từng được chứng kiến như hiện tại”.

Sáng hôm ông Lý tự tử, có nguồn tin nói cơ quan điều tra định bắt giữ ông vì tội tham nhũng. Trước đó, một thư ký thân cận với ông đã bị điều tra. Trong thư tuyệt mệnh, ông Lý nói ông bị bệnh nan y và không muốn sống tiếp. Tờ Paper.cn, trang báo mạng tuyên truyền chống tham nhũng, hé lộ rằng trong thư ông Lý còn xin Đảng Cộng sản Trung Quốc tha thứ và mong đảng bảo vệ gia đình ông.

Tờ New York Times dẫn lời những người dân được phỏng vấn cho biết họ nghi ngờ ông Lý đã tự sát để bảo vệ chính mình và các quan chức khác trong “nhóm lợi ích”. Hoàng Đệ, một sinh viên nghệ thuật khi được hỏi đã trả lời rằng “chắc chắn ông Lý không vô tội”.

Trên lối đi ở quảng trường nhân dân của thành phố Hiếu Cảm, có người dùng sơn đen viết: “Cơ quan công tố và chính quyền thành phố đang móc ngoặc. Họ sẽ không điều tra vụ việc của ông Lý. Ông ta nhảy lầu tự tử từ trụ sở chính quyền thành phố. Điều này phải được điều tra đến cùng”.

"Các quan chức tự sát rõ ràng có vấn đề. Họ tham nhũng. Nhưng tham nhũng là cái gì đó họ kế thừa. Có những người đứng sau thúc đẩy họ làm điều đó nhằm đạt được cái gì đó cho bản thân", một cư dân thành phố Hiếu Cảm nói. Những ý kiến gay gắt hơn thì cho rằng ông Lý đáng phải chết vì đã tham nhũng.

Ở quê nhà ông Lý cách thành phố Hiếu Cảm khoảng nửa giờ đi xe hơi, người dân nói ông Lý đã mang lại nhiều điều tốt đẹp cho địa phương. Một bạn học của ông Lý mang họ Trương cho biết quan chức quá cố đã bỏ tiền xây lại tường bao quanh trường tiểu học khi biết nó đã mục nát. Dân địa phương đề nghị ông ghi tên lên tường, nhưng ông từ chối.

Căn nhà của ông Lý tại quê nhà trở nên yên ắng, không ai mở cửa khi có người gọi. Phóng viên cũng không thể liên lạc với vợ và con gái ông Lý. Báo Mỹ cho rằng các nhà chức trách Trung Quốc thường di chuyển thân nhân của các quan chức tự sát tới thành phố khác để ngăn chặn những thông tin “không được cho phép” có thể liên quan những vấn đề chính trị nhạy cảm.

Nên khởi tố dù quan tham đã tự sát?

Cựu công tố viên Thẩm Lương Khánh cho biết nếu một quan chức chết trước hoặc trong quá trình bị điều tra, vụ án sẽ bị đình chỉ. Ông Thẩm nói đây có thể là “động lực mạnh mẽ” để các quan chức chọn cách tự kết liễu mạng sống để bảo vệ chính mình khỏi “bàn tay sắt” của Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương (CCDI), đồng thời cũng để bảo vệ người thân khỏi bị thẩm vấn.

“Nếu một quan tham biết mình bị điều tra, tự tử là cách khôn ngoan, miễn là anh ta có gan. Số tiền tham nhũng cũng sẽ thuộc về gia đình quan tham”, ông Thẩm nói.

Giáo sư Tề Hưng Phát, nhà nghiên cứu các trường hợp quan chức tự tử tại Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, cho rằng luật pháp cần có thay đổi để chiến dịch chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Tờ South China Morning Post cho biết các quan tham sẽ phải đối mặt với CCDI, không được liên lạc với bên ngoài trong thời gian thẩm vấn. Sau đó, họ sẽ bị chuyển hồ sơ cho cơ quan công tố. Các công tố viên tiếp tục quá trình điều tra và đưa ra các cáo trạng. Cơ chế “song quy” của CCDI là cơ chế nội bộ, mọi việc thường không công khai. Thời gian cụ thể của “song quy” cũng không rõ ràng, điều này dẫn đến không ít chỉ trích cho rằng các điều tra viên của CCDI có thể lạm quyền, và nó cũng khiến các quan tham vô cùng sợ hãi.

Tuy nhiên, những người ủng hộ điều tra vẫn cho rằng không thể để các quan tham “chết là hết” bởi số tiền bất chính mà họ có được, trong khi nhiều vùng nông thôn Trung Quốc vẫn còn nhiều nơi nghèo khổ.

Lâm Trạch, giáo sư tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cho biết tự sát là hình phạt nặng nề hơn ngồi tù nhưng bằng cách này, các quan chức bị cho là có dính líu tham nhũng lại bảo vệ được “chức vị và danh dự”, thậm chí bảo vệ được khối tài sản bất chính đã kiếm được cho gia đình. Ông Lâm nói rằng chỉ khi các quan chức nhận thấy tự tử không giúp họ bảo vệ số tiền bất chính thì cuộc chiến tham nhũng mới thực sự hiệu quả.

Lý Sơn

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tu-tu-la-bien-phap-de-bao-ve-gia-dinh-quan-chuc-trung-quoc-khoi-bi-dieu-tra-post172819.html