Từ thuốc giả đến nỗi đau thật

Các nhà chức trách trên toàn thế giới liên tục có những động thái trấn áp nặng tay với tệ nạn thuốc giả, nhưng dường như cuộc chiến này chưa có hồi kết vì những quy định lỏng lẻo cũng như thị trường thuốc giả mang lợi nhuận béo bở cho các tổ chức tội phạm…

Đâu là thuốc giả?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 10% lượng thuốc lưu hành trên thế giới là giả. WHO đã đưa ra một định nghĩa thống nhất về thuốc giả như sau: "Thuốc giả là sản phẩm được gắn nhãn hiệu sai một cách gian dối và có chủ đích về đặc tính hoặc nguồn gốc. Thuốc giả có thể bao gồm sản phẩm đúng hoặc sai hoạt chất, không có hoạt chất hoặc không đủ hàm lượng hoạt chất hoặc với bao bì giả".

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng định nghĩa thuốc giả với các đặc điểm trên, kèm theo thông tin thuốc giả thường đóng gói vào bao bì nhái và có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm. FDA gọi thuốc giả là “sản phẩm chứa những lời hứa hão”, tức không bao giờ chữa được bệnh.

Theo các chuyên gia y tế, bất cứ loại thuốc nào, từ thuốc chống sốt rét cho tới vắc-xin, kháng sinh, thuốc điều trị HIV đều có thể bị làm giả. Những kẻ sản xuất thuốc giả thường cho rất ít hoạt chất, thậm chí là trộn thêm các phụ gia độc hại vào những viên thuốc để bán cho người bệnh.

Trục lợi trên sinh mạng người bệnh

Những kẻ sản xuất thuốc giả dùng mọi thủ đoạn để tuồn dược phẩm kém chất lượng ra thị trường, trục lợi trên nỗi đau của người bệnh. Mặc dù các thị trường kém phát triển từ lâu là mảnh đất màu mỡ để thuốc giả nhắm tới, song, những kẻ tội phạm làm thuốc giả hiện đang sử dụng các kênh kỹ thuật số để xâm nhập vào cả thị trường các nước phát triển, nơi những mạng lưới phân phối thuốc được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngay cả ở các thị trường an toàn nhất thế giới, người ta ước tính ít nhất 1% số thuốc đang lưu hành là giả.

Một cảnh sát Trung Quốc đi qua số thuốc giả bị tịch thu ở Bắc Kinh. Ảnh: Newsweek.

Tệ nạn thuốc giả tràn lan là một vấn nạn làm chính quyền Trung Quốc “nhức đầu” từ nhiều năm nay, buộc nước này phải tiến hành nhiều chiến dịch trấn áp. Năm 2012, Trung Quốc bắt gần 2.000 người trong cuộc truy quét các nhà sản xuất và bán thuốc giả. Theo BBC, cảnh sát Trung Quốc tịch thu khối lượng thuốc giả trị giá 182 triệu USD, bao gồm hàng triệu viên thuốc chữa béo phì, da liễu, huyết áp và cả ung thư. Giới chức Trung Quốc cảnh báo người dân chỉ mua thuốc ở bệnh viện, các nhà thuốc uy tín, vì thuốc giả ngày càng khó phát hiện do bọn tội phạm đã sử dụng những biện pháp mới... Đến năm 2013, chính quyền Trung Quốc tiếp tục tung ra một chiến dịch rộng lớn nhằm truy quét thuốc giả ở cấp độ toàn quốc và nhắm vào ngành dược phẩm. Hơn 1.300 người bị bắt trong chiến dịch này. Hãng tin Reuters trích dẫn Tân Hoa xã cho biết, trị giá lượng thuốc giả đã làm ra cũng như nguyên liệu dùng để bào chế bị tịch thu đã lên đến hơn 362 triệu USD. Theo nguồn tin từ Bộ Công an Trung Quốc, chiến dịch cũng nhắm vào dịch vụ buôn bán thuốc giả qua internet; 140 địa chỉ internet không hợp pháp và nhà bán thuốc tây trên mạng đã bị đóng cửa.

Nỗi đau thật

Theo WHO, dược phẩm giả không còn là vấn nạn của riêng quốc gia nào trên thế giới khi mỗi năm, toàn cầu có hàng trăm nghìn người thiệt mạng vì thuốc giả. Ngay cả khi thuốc giả được làm từ những nguyên liệu vô hại như bột mì cũng sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ xấu đối với bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nghiêm trọng như tim mạch, ung thư. Ngoài ra, một bệnh nhân không được điều trị đúng thuốc có thể trở thành trung gian lây lan dịch bệnh, thậm chí tạo ra những siêu vi khuẩn kháng thuốc vốn là mối họa khôn lường đối với sức khỏe cộng đồng. Riêng ở các nước nghèo và các nước đang phát triển, thuốc giả và thuốc kém chất lượng đã đe dọa kéo lùi hàng thập kỷ nỗ lực chiến đấu chống bệnh sốt rét, bệnh lao, HIV/AIDS và nhiều bệnh khác. WHO ước tính rằng, mỗi năm có ít nhất 500.000 người chết ở châu Phi vì liên quan đến thuốc sốt rét và thuốc chống bệnh lao bị làm giả.

Tháng 2-2005, một thanh niên 23 tuổi người Myanmar tới bệnh viện với triệu chứng sốt, buồn nôn, ớn lạnh và đau đầu nghiêm trọng. Các bác sĩ chẩn đoán người này bị sốt rét và kê đơn artesunate, một loại thuốc chống sốt rét rẻ tiền mà các bệnh viện ở Myanmar thường dùng để điều trị, theo Newsweek. Thông thường, các triệu chứng của bệnh nhân sốt rét sẽ giảm sau khi uống thuốc, nhưng thanh niên này lại càng bị nặng hơn. Anh rơi vào hôn mê, có triệu chứng suy thận và mật độ ký sinh trùng sốt rét trong máu tăng lên. Các bác sĩ tiêm liều artesunate mạnh hơn, nhưng đã quá muộn. Ký sinh trùng đã lan lên não và bệnh nhân tử vong. Các điều tra viên sau đó bị sốc khi phát hiện ra rằng, loại thuốc artesunate mà các bác sĩ kê cho bệnh nhân này chỉ có 20% hoạt chất cần thiết để tiêu diệt ký sinh trùng. Nói cách khác, loại thuốc này là giả. Thông tin về thuốc trị sốt rét giả nhanh chóng lan nhanh khiến các lãnh đạo địa phương vô cùng tức giận; họ quyết định thu gom artesunate từ các bệnh viện, quầy thuốc và tổ chức thiêu hủy công khai. Cái chết của người thanh niên này chỉ là một ví dụ điển hình cho tác hại khôn lường của thuốc giả.

Các chuyên gia y tế cho rằng, vấn nạn thuốc giả không ngừng gia tăng và ngày càng có nhiều tổ chức tội phạm dòm ngó lĩnh vực dược phẩm vì lý do đơn giản là lợi nhuận cao. Trước tình hình đó, các quốc gia trên thế giới cần phải phối hợp tốt hơn nữa để cùng nhau chống lại “đại dịch” thuốc giả.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tu-thuoc-gia-den-noi-dau-that-518268