Tự tạo cơ hội: Đổi đời với cây lác

Hơn 10 năm trước, đang làm tại một công ty chế biến thủy sản với mức lương khá cao, chị Trương Thị Phương Trang bỗng dưng nộp đơn xin nghỉ việc để về quê... trồng lác!

Chị Trang nghiên cứu mẫu đan mới để đa dạng sản phẩm - Ảnh: Nguyên Đạt

Sinh ra trong một gia đình nông dân ở ấp Đức Mỹ A, xã Đức Mỹ (H.Càng Long, Trà Vinh), năm 1990, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ chế biến thủy sản, chị Trang vào làm việc tại Công ty thủy sản Cửu Long. Thu nhập hằng tháng của chị khoảng 6 - 7 triệu đồng, khá cao so với bình quân chung lúc bấy giờ. “Tuy cuộc sống và công việc khá thoải mái, nhưng khi nghĩ đến cảnh mẹ già phải sống một mình giữa cánh đồng lác mênh mông, tôi bỗng thấy chạnh lòng. Thế là tôi quyết định từ bỏ tất cả để về với mẹ, với suy nghĩ mình có sức khỏe, đôi tay và gia đình có một ít đất thì lo gì đói”, chị Trang kể.

Về quê, chị nhiều lần tự hỏi quê mình có nguồn lác dồi dào, tại sao người dân vẫn nghèo khổ, trong khi nhiều người phải đi rất xa mua lác về chế biến vẫn có thể làm giàu? Thế rồi, chị nhận ra dân quê chị sau khi thu hoạch lác về là đem đi phơi khô để bán nguyên liệu, không biết chế biến thành những sản phẩm xuất khẩu để tăng giá trị. Ngoài ra, do vào mùa thu hoạch, nguồn lác nguyên liệu nhiều nên bị thương lái ép giá. Một số người giỏi tính toán hơn cũng chỉ biết se lác thành lõi để có thêm chút thu nhập. “Từ đó, tôi nảy sinh ý định đi học nghề đan đát, rồi mở tổ sản xuất để “thử vận”, đồng thời giúp bà con tiêu thụ cây lác dễ dàng hơn”, chị Trang tâm sự.

Qua tìm hiểu từ bạn bè, chị biết Công ty xuất nhập khẩu Vĩnh Long chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lác, dây chuối, lục bình… nên khăn gói tìm đến nơi để xin học nghề và xin việc làm. Nhưng do không có người quen giới thiệu nên chị đã bị từ chối. Cũng may, có người giới thiệu chị đến Hợp tác xã (HTX) La Thông (P.3, TP.Vĩnh Long), là một đối tác lớn với công ty. Tại đây, chị được dạy nghề đan đát, hướng dẫn các kỹ thuật cần thiết để tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. Khi thấy chị đã thạo nghề, HTX La Thông bắt đầu ký kết hợp đồng, cho chị trở về quê gia công mặt hàng tấm bình phong cho HTX. Có tay nghề, có nguồn nguyên liệu, nhưng tiền vốn thì chẳng có bao nhiêu nên chị chỉ tổ chức sản xuất ở gia đình và hướng dẫn cho một số bà con, họ hàng cùng làm. Dần dà, nhiều chị em trong xã thấy việc đan đát nhẹ nhàng, dễ làm, thu nhập cũng kha khá nên tìm đến học việc ngày càng đông. Năm 2009, chị Trang mạnh dạn huy động tiền vốn rồi mở cơ sở sản xuất với quy mô 60 lao động.

Sau đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Trung tâm khuyến công, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Trà Vinh đã tìm đến hỗ trợ chị mở 5 lớp dạy nghề cho hơn 120 phụ nữ nghèo trong xã và thành lập Công ty TNHH MTV Minh Trang. Thông qua hướng dẫn của chị, hầu hết chị em tay nghề ngày càng được nâng cao, làm ra được nhiều sản phẩm đẹp, nhưng nhiều sản phẩm đi theo lối mòn, thiếu sáng tạo nên chưa thu hút được khách hàng. Để giải được “bài toán” khó này, chị một mình chạy xe máy từ Trà Vinh lên Bình Dương rồi Đồng Nai để học làm thêm nhiều mẫu mới nhằm đa dạng sản phẩm.

“Cứ đến cuối tuần là tôi lại chạy xe máy lên đó, học xong lại một mình chạy về Trà Vinh. Có bữa phải đi gần suốt đêm để về kịp đầu tuần chỉ lại cho chị em. Được cái cũng nhờ đó mà tôi quen biết thêm một số doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, từ đó kết nối hợp tác để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của mình”, chị Trang kể.

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, Công ty xuất nhập khẩu Vĩnh Long đã ký kết hợp đồng mua tấm bình phong, giỏ chậu và gương mây với công ty của chị Trang. Nhờ vậy, công nhân có việc làm ổn định. Mới đây, chị mua 10 máy xe chỉ xơ dừa để mở rộng sản xuất, chỉ để lại 1 máy sử dụng, còn 9 máy khác đưa cho chị em thuê làm gia công. “Tôi mua máy ngoài việc nhằm đa dạng hóa sản phẩm, còn giúp cho 10 chị em phụ nữ trong ấp có việc làm, với mức thu nhập bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng”, chị Trang nói.

Nguyên Đạt

Nguyên Đạt

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tu-tao-co-hoi-doi-doi-voi-cay-lac-763075.html