Từ "tăng trưởng" tới "phát triển"

(SVVN)“Ưu tiên quá mức cho tăng trưởng GDP, xem nhẹ sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội, dẫn đến sự gia tăng khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các nhóm xã hội, giữa các vùng, môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng do tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức... Đó là thách thức, là nguy cơ tiềm ẩn mâu thuẫn và khủng hoảng xã hội, cản trở sự phát triển” – TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) phân tích khi tham gia góp ý cho Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

TS Trịnh Hòa Bình: Khái niệm “tăng trưởng kinh tế” từng được sử dụng rộng rãi trong một thời gian dài như một công cụ phân tích có tầm quan trọng trong các diễn ngôn và cương lĩnh của các đảng phái chính trị, các tổ chức công đoàn và các tổ chức làm công tác về phát triển. Gắn liền với khái niệm này, một thời là xu hướng coi sự phát triển về cơ bản là có tính chất kinh tế. Sự nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển được hiểu chủ yếu với cái nghĩa là nghèo kinh tế. Xu hướng tư duy này, trong hình thái cực đoan nhất của nó, thể hiện ở chỗ nhiều lý thuyết về phát triển lại thể hiện trước hết thành lý thuyết về tăng trưởng kinh tế. Các chiến lược phát triển hiện đại, dựa căn bản trên lý thuyết kinh tế thị trường tự do, một thời gian dài cũng không ra ngoài “hệ quy chiếu” này, nó xem nhẹ vai trò của các yếu tố chính trị và văn hóa đối với phát triển kinh tế. Hệ quả của lối tư duy này trong thực tiễn chính sách là có nguy cơ biến các chiến lược phát triển trở thành chiến lược tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Với quan niệm như thế, nhiều quốc gia đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, song lại phải đối mặt với nhiều vấn đề xã hội. Nhiều bằng chứng cho thấy tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển châu Phi, châu Á đi đôi với tình trạng bất bình đẳng gia tăng (giữa các giai tầng, vùng địa lý và thành phần kinh tế). Trong Dự thảo Cương lĩnh, T.Ư Đảng đã nhấn mạnh yêu cầu nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ, trong đó có quan hệ giữa “tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”. Theo ông, “bài toán” tăng trưởng – phát triển cần được xem xét như thế nào để có thể cho đáp án đúng? Tôi cho rằng, càng về sau này, người ta càng có xu hướng quay trở lại với truyền thống kinh tế học phát triển với sự đổi mới trong cách tư duy, đặc biệt liên quan tới khái niệm tăng trưởng. Theo đó, nét nổi bật của tư duy phát triển hiện nay là ở chỗ, nó nhấn mạnh tới tăng trưởng kinh tế bên cạnh việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Từ khái niệm về tăng trưởng, người ta đi đến thảo luận về một khái niệm có giá trị phân tích cao hơn: Khái niệm phát triển (kinh tế). Giới làm chính sách và các nhà nghiên cứu đồng tình với nhau rằng, phát triển là một quá trình, trong đó, thu nhập bình quân đầu người thực tế tăng lên, trong khi mức độ nghèo khổ và bất bình đẳng xã hội giảm xuống. Phát triển là nâng cao phúc lợi của nhân dân. Nâng cao tiêu chuẩn sống và cải tiến giáo dục, sức khỏe và bình đẳng về cơ hội là tất cả những thành phần cơ bản của phát triển kinh tế. Tiếp đó, bảo đảm các quyền chính trị và công dân là một mục tiêu phát triển rộng hơn... Ông vừa nhắc tới cụm từ “bình đẳng về cơ hội”, ông có thể nói rõ hơn ý này? Đó là phải tạo ra cơ hội tiếp cận nguồn lực cho tất cả các khu vực, các nhóm xã hội, gắn với phát triển bền vững. Trước kia, đôi lúc chúng ta thực hiện “bình đẳng” theo kiểu bình quân chủ nghĩa. Đổi mới đã thể hiện ra như là một giai đoạn quá độ của phát triển kinh tế và nó khiến bộc lộ ra nhiều vấn đề hóc búa của phát triển. Lợi ích kinh tế của các tác nhân phát triển tham gia vào hệ thống kinh tế - xã hội ngày càng trở nên khác biệt, thậm chí trở thành xung đột với nhau. Sự bất bình đẳng tăng lên nhanh và có nguy cơ dẫn tới những bất ổn xã hội, nếu không có những cam kết chính trị thực sự hữu hiệu. Hệ thống phúc lợi xã hội hiện nay là ví dụ tốt, minh họa cho khả năng tái diễn tình trạng “đứt đoạn” giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở Việt Nam hiện nay. Theo ông, có phải cứ duy trì phát triển kinh tế đều đặn, với tốc độ cao là chúng ta sẽ có điều kiện để thực hiện tốt vấn đề an sinh xã hội. “Chính sách xã hội đúng đắn” mà Dự thảo Cương lĩnh đề cập, phải chăng là một định hướng mang tính ưu tiên? An sinh xã hội, thực chất là sự đảm bảo. Trong suốt những năm vừa rồi, nhờ thành tựu của công cuộc Đổi mới, chúng ta đã đạt được tiến bộ một bước. Gần đây, khi tổng kết 20 năm, hay tiến tới 25 năm Đổi mới thì các vấn đề an sinh xã hội càng nổi lên bức thiết. Đó là những vấn đề chủ yếu gắn với đời sống xã hội hằng ngày, cụ thể là các thiết chế và hệ thống dịch vụ xã hội cơ bản phải chăm lo cho thật tốt: Giáo dục, y tế, lao động - việc làm... Tăng trưởng kinh tế đương nhiên tạo ra nguồn lực lớn hơn, là điều kiện để làm tốt an sinh xã hội. Nhưng đó là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Dự thảo Cương lĩnh đã đặt vấn đề rất “trúng”, đó là phải coi con người là nhân tố trung tâm, phát triển con người là động lực mạnh mẽ. Cái khó là chúng ta cần tạo dựng được cơ chế hữu hiệu để kích thích được nhóm “tinh hoa”, đưa nhóm này trở thành “đầu tàu” trong “đội hình hành tiến” nhưng vẫn không bỏ quên các nhóm yếu thế, thiệt thòi trong xã hội. Xin cảm ơn ông! Kiều Hải (thực hiện)

Nguồn SVVN: http://www.svvn.vn/vn/news/thoisu/2571.svvn