Tủ sách Lam Sơn mang tri thức về lớp học nông thôn

Vun đắp cho tri thức của thế hệ tương lai với chung một bầu nhiệt huyết xây dựng quê hương, Tủ sách Lam Sơn gồng gánh mang sách về làng.

Sân trường tiểu học Hải Nhân (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) rộn rã chào mừng Tủ sách Lam Sơn.

Sáng 18/11, sân trường trường tiểu học Hải Nhân huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa như rộn ràng hơn khi những chiếc tủ và những thùng sách được chuyển từ xe tới từng lớp học. Em Lê Mai Hương, học sinh lớp 5A trường tiểu học Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa như các bạn khác vô cùng phấn khởi vì từ nay em tha hồ đọc sách trong giờ ra chơi, ngay tại lớp hoặc ccó thể mượn về nhà.

Theo tâm sự của cô Lê Thị Tình, giáo viên chủ nhiệm lớp 4B trường tiểu học Hải Nhân, nhiều học sinh có sở thích đọc sách nhưng ở nhà trường bấy lâu nay, cung không đủ cầu. Cô Đỗ Thị Thao, phó hiệu trưởng cho hay, thực trạng này xuất phát từ việc số đầu sách của thư viện nhà trường chưa phong phú, còn chủ yếu là sách tham khảo và phần lớn thời gian sách thư viện chỉ nằm ở thư viện.

Trong khi đó, mỗi tuần một lớp chỉ có một buổi chiều để luân phiên đọc tại phòng tập trung. Từ năm 2013-2014, mặc dù nhà trường đã xây dựng góc thư viện lớp học và kêu gọi phụ huynh đóng góp 2 lần/năm song số sách huy động không đáng kể. "Có nhiều lý do, nhưng chủ yếu là vì dân trí và điều kiện kinh tế còn hạn chế"- cô Thao phân tích.

Phất cờ Tủ sách Lam Sơn

Tủ sách Lam Sơn (TSLS) là chương trình hỗ trợ tủ và sách cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ cựu học sinh xứ Thanh và sự đồng hành của nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức với nòng cốt là cựu học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn - cái nôi đào tạo nhiều thế hệ học sinh đoạt các giải thưởng học sinh giỏi cao trên nhiều lĩnh vực, trong nước và quốc tế.

Học sinh trường tiểu học Hải Nhân khám phá những quyển sách vừa được tặng.

Chương trình ra đời sau ý tưởng khởi xướng của PGS Nguyễn Văn Tâm, nguyên cựu học sinh trường THPT chuyên Lam Sơn, với cái tên chương trình lấy cảm hứng chính từ cái nôi đào tạo nhân tài tỉnh Thanh Hóa.

Ý tưởng vun đắp cho thế hệ tương lai này giúp anh Tâm nhanh chóng “bắt được sóng” của hai người bạn là giáo sư Đỗ Ngọc Minh và tiến sĩ Trần Thanh Nam. Đúng như kỳ vọng về một lời hiệu triệu của TSLS, rất nhanh chóng, con số thành viên cốt cán và hưởng ứng chương trình không ngừng mở rộng.

“Lý do chúng tôi tham gia chương trình là vì sứ mệnh của TSLS rất phù hợp với triết lý giáo dục học để chung sống, học chủ động của chúng tôi. Tôi rất tự tin phong trào này sẽ hoạt động hiệu quả, giúp thay đổi cách đọc bị động, dạy gì học nấy của học sinh lâu nay, giúp các em tự đọc, tự học để sau này tự lập, tự sống”- anh Đỗ Trung Hiếu, chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống giáo dục Học Mãi – đơn vị đồng hành cùng TSLS.

“ ‘Tủ sách Lam Sơn’ mong muốn rằng, với sự chung tay của nhiều thế hệ cựu học sinh lớn lên từ các làng quê tỉnh Thanh, nhiều ngàn tủ sách – thư viện mini sẽ được đưa đến từng lớp học, giúp các em học sinh từ các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa cho đến các học sinh thành phố được tiếp cận với tri thức nhân loại – thông qua việc đọc sách một cách thuận tiện và hiệu quả nhất"- Phó Giáo sư Nguyễn Văn Tâm, một trong các thành viên sáng lập của chương trình, trao đổi về ý tưởng xây dựng tủ sách.

Dù không phải là ý tưởng mới ở Việt Nam song xây dựng tủ sách cho trẻ em nói riêng và văn hóa đọc nói chung chưa bao giờ là việc dễ thực hiện trước nhiều thách thức: sự cạnh tranh mạnh mẽ của văn hóa nghe nhìn, tâm lý chưa chú trọng và quan tâm chuyện đọc sách của nhiều phía, kinh tế gia đình học sinh, nhà trường…

"Thư viện mini"

TSLS bắt đầu “nổ máy” từ ngày 17/10, ban liên lạc thành lập với nhiệm vụ vừa tham khảo và khảo sát một số mô hình xây dựng tủ sách thành công ở trong nước, học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, lại vừa gây quỹ xây dựng thư viện mini.

Với niềm tin sự hiện diện của các tủ sách trong lớp học sẽ kích thích và xây dựng niềm đam mê đọc sách của trẻ, TSLC đã có một tháng làm việc khẩn trương và nghiêm túc, cho ra đời 67 tủ sách trị giá hơn 200 triệu đồng, trao tặng 4 trường tiểu học và THCS tại các xã Hải Nhân, Xuân Lâm, Định Hải trong giai đoạn 1. Sách được lựa chọn kỹ, phù hợp với từng khối lớp, gồm sách khoa học, tiếng Anh, văn học, lịch sử, danh nhân, kỹ năng sống...

Hình ảnh tại buổi lễ kí kết thực hiện chương trình Tủ sách Lam Sơn giữa phó giáo sư Nguyễn Văn Tâm (hàng trên) và trưởng phòng giáo dục huyện Tĩnh Gia cô Vũ Thị Thanh Vân.

Đi kèm với tủ và sách, mỗi lớp học sẽ có 3 cuốn sổ ghi chép: Sổ ghi danh mục sách (ghi tên và mã số của tất cả sách có trong tủ sách của lớp. Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn các em học sinh đánh mã số và dán vào bìa các cuốn sách để tiện cho việc quản lý. Hàng năm, những cuốn sách được bổ sung thêm sẽ được ghi vào sổ danh mục); Sổ ghi chép mượn - trả (Sau mỗi học kỳ, dựa vào cuốn sổ này, nhà trường và phụ huynh đo lường học sinh đã đọc được bao nhiêu cuốn sách, mỗi em thích đọc những loại sách nào) để có hướng giúp đỡ và phát huy khả năng riêng của mỗi em.

Trong cuốn sổ ghi cảm nhận, bài học, các em học sinh sẽ lần lượt ghi lại những bài cảm nhận về những cuốn sách mình đã đọc. Bài cảm nhận có thể dài ngắn tùy ý, được cô giáo khuyến khích các em phát biểu một cách chân thật, rõ ràng, sáng sủa những gì mình nghĩ, cảm nhận. Nhờ đó, giáo viên và phụ huynh hiểu hơn về tâm tư, tình cảm, thiên hướng của mỗi em.

Niềm vui có sách của học sinh lớp 4B trường Tiểu học Hải Nhân, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Còn các em học sinh nhờ việc viết cảm nhận thường xuyên mà khắc sâu kiến thức, trau dồi khả năng diễn đạt, tư duy rõ ràng, sáng sủa, làm giàu thêm vốn từ cho mình. Hàng tuần GV chủ nhiệm chọn từ sổ cảm nhận những bài viết hay, có giá trị để giới thiệu trước lớp, trường và có hình thức khen thưởng bằng những món quà nhỏ để động viên các em. Các giải pháp khuyến đọc khác cũng được đưa ra với các thầy cô và phụ huynh, như tổ chức các buổi trao đổi, thi đố...

Đánh giá cao mục đích của TSLS và giá trị truyền cảm hứng, truyền lửa giữa nhiều thế hệ, cô Vũ Thị Thanh Vân, trưởng phòng giáo dục huyện Tĩnh Gia khẳng định ngành giáo dục huyện Tĩnh Gia sẽ phải rất cố gắng để sử dụng tủ sách hiệu quả và phát triển nó một cách sâu rộng. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo sát sao ở các nhà trường để ý tưởng của chương trình, ban tổ chức được chuyển tải đến giáo viên và học sinh. Chỉ thời gian mới có thể trả lời tương lai sẽ thế nào nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình”, cô Vân cho biết.

Tủ sách, sau mỗi học kỳ, lại được các lớp trong khối luân chuyển cho nhau. Cuối năm, các em được tiếp nhận tủ sách với anh chị lớp trên và giao tủ của lớp mình cho các em lớp dưới.

TS. Lương Thị Hiền.

Bàn về tác động tích cực của việc đọc sách, TS. Lương Thị Hiền, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, những kiến thức, kinh nghiệm… trẻ tiếp thu thông qua đọc sách sẽ in dấu và có những tác động mạnh mẽ, lâu dài. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa đọc cho trẻ em từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành một cách liên tục được coi là một hình thức giáo dục hiệu quả, bền vững. Xét riêng từ góc độ ngôn ngữ học, đọc sách là một cách hiệu quả để phát triển ngôn ngữ nói và viết. Vì ngôn ngữ gắn liền với tư duy nên phát triển ngôn ngữ cũng là phát triển tư duy của trẻ.

Trước mắt, Tủ sách Lam Sơn được hỗ trợ về tủ và toàn bộ sách theo dự án. Tuy nhiên, yêu cầu về bổ sung, cập nhật sách mới là đòi hỏi tất yếu của bất kì hệ thống thư viện nào. Dự án sẽ tính toán để có một phần kinh phí cho việc bổ sung các đầu sách theo giai đoạn 2 – 3 năm/bổ sung một đợt. Tuy nhiên, hàng năm, nhà trường và giáo viên cần khuyến khích phụ huynh học sinh ủng hộ sách cho thư viện bằng cách góp sách hoặc góp tiền (rất ít) để bổ sung sách.

"Nếu như mỗi cuốn sách được gửi gắm cho các em học sinh mang trong đó tình cảm và chứa đựng tinh thần "sẻ chia trách nhiệm xã hội" của thế hệ đi trước, thì chắc chắn rằng tinh thần ấy sẽ được các em mang theo và khi lớn lên các em lại tiếp tục giúp đỡ các thế hệ kế tiếp"

(Ban điều hành Tủ sách Lam Sơn)

TTXVN/Tin Tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/tu-sach-lam-son-mang-tri-thuc-ve-lop-hoc-nong-thon-20161119165511119.htm