“Tủ sách cho em” và những lớp học đêm

GD&TĐ - Những quyển sách giáo khoa, sách bài tập… được quyên góp từ dưới xuôi để lập nên những tủ sách nhỏ; từ đấy, các em học sinh Cơ Tu biên giới được tiếp cận con chữ trong dịp hè.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình “Tủ sách cho em” được Hội Khuyến học xã Lăng (Tây Giang, Quảng Nam) triển khai, một chương trình nhỏ nhưng rất hiệu quả trong việc giảm thiểu học sinh bỏ học.

Những lớp học đêm

Bắt đầu triển khai từ hè năm học 2013 - 2014, chương trình “Tủ sách cho em” khởi xuất từ ý tưởng của anh Nguyễn Bá Hiển, Phó Chủ tịch xã - kiêm Chủ tịch Hội Khuyến học xã Lăng.

“Do đặc trưng của giáo dục miền núi, hè về, các em phải trả sách vở đã mượn cho nhà trường. Nên, trong thời gian này, các em không có quyển sách nào để đọc, quyển vở nào để ghi, dẫn đến việc các em quên mặt chữ. Từ đó, tôi nảy ra ý tưởng lập nên những tủ sách này” – Anh Hiển nói.

Khó khăn lớn nhất là vận động đầu sách. Anh Hiển đèo xe máy xuống đồng bằng, tìm đến các hội từ thiện. Vận động khắp nơi, để vào hè năm ngoái, anh vận động được đến gần 1.000 đầu sách, bao gồm sách giáo khoa, sách bài tập từ lớp 1 - 9, cùng 350 quyển vở… Hè năm nay, anh vận động thêm 800 cuốn sách bài tập, 250 cuốn vở cùng bút viết.

Từ số sách vở vận động được, mỗi em học sinh được cấp miễn phí một quyển vở, một cuốn bài tập và hai cây viết. Sách giáo khoa thiếu nên các em dùng chung. Những lớp học đêm được triển khai từ đấy.

Hai năm trước, Hội Khuyến học xã Lăng cũng đã thành lập một Ban liên lạc học sinh sinh viên xã với 66 sinh viên, nhằm mục đích hỗ trợ lẫn nhau khi học tập xa nhà.

Hè đến, những sinh viên này về quê, được Hội Khuyến học phân công đứng lớp giảng dạy cho các em nhỏ từ lớp 1 - 9. Cứ đến 19 giờ tối, học sinh làng nào tập trung tại gươl làng đó, các anh chị sinh viên bày các em viết mỗi con chữ, giải từng bài toán, làm bài kiểm tra, chấm điểm tại chỗ.

Đến hè năm này, xã Lăng đã triển khai được 7 tủ sách với 7 lớp học đêm như vậy trên toàn bộ 7 thôn của xã.

Một mô hình hay

Từ khi triển khai chương trình “Tủ sách cho em” cùng với việc mở ra những lớp học, mỗi đêm, anh Hiển cùng các bạn trong Ban liên lạc học sinh sinh viên thay phiên nhau đến tại mỗi gươl, đốc thúc các em học bài.

Vì chương trình chưa vận động được bàn ghế, nên các em nằm dài trên nền, trong ánh điện tờ mờ, bi bô đọc từng con chữ. Những đôi mắt hau háu nhìn các anh chị sinh viên giảng bài. Những tiếng cười vui khi bài kiểm tra của mình chấm được điểm 10…

Ông Cơ Lâu Nướch - Bí thư Chi bộ thôn Tary (xã Lăng) - nói: “Chẳng qua vì thiếu sách, thiếu vở nên các cháu nhỏ làng mình mới xao lãng việc học, chứ tụi nó ham học lắm. Những quyển sách, quyển vở mà cán bộ cấp cho tụi nó toàn là sách vở mới, nên tụi nó học rất có hứng thú”.

Bạn Pa Lăng Thị Hải Yến - Sinh viên Đại học Luật Huế, Chủ nhiệm Ban liên lạc Hội Học sinh - sinh viên xã Lăng - bộc bạch: “Mình hướng dẫn cho các em học mà không đặt nặng về thành tích.

Các em học một cách thoải mái. Bài kiểm tra được chấm điểm tại chỗ nên các em rất vui. Mình nghĩ cần có thêm những tủ sách cùng những lớp học như thế này trên địa bàn huyện mình”.

Theo anh Hiển, những lớp học đêm như thế này sẽ giúp các em chủ động trong việc củng cố kiến thức trong năm học qua, tạo thêm sự tự tin cho các em khi bước vào năm học mới, mà Hội Khuyến học cũng quản lý được các em trong những ngày nghỉ hè, không để các em chơi bời lêu lổng.

Anh Hiển vui mừng nói: “Hai năm trước, xã Lăng có 12 học sinh bỏ học. Năm này, nhờ triển khai chương trình này, nên số học sinh bỏ học giảm xuống chỉ còn 3”.

Cũng theo anh Hiển, đến nay, dù đã đi vào hoạt động bài bản, tuy nhiên, chương trình vẫn còn thiếu rất nhiều đầu sách, cùng bàn ghế để học sinh ngồi học.

Cụ thể, vì sách bài tập các em ghi trực tiếp vào đó nên sách này chỉ sử dụng được một lần, mỗi năm phải vận động thường xuyên. Vì mục đích của chương trình là lập lên những tủ sách với đầy đủ thể loại để học sinh đến đọc mọi lúc, giúp các em mở mang kiến thức, nên chương trình cũng thiếu sách giáo khoa, truyện tranh, truyện thiếu nhi, báo chí thiếu nhi...

“Chúng tôi rất mong sự ủng hộ của các nhà hảo tâm. Một quyển sách của nhà hảo tâm tuy cũ, nhưng cũng rất mới và rất quý với các em học sinh Cơ Tu trên này” – Anh Hiển nói.

Xã Lăng là một xã nghèo vùng biên giới. Sự học nơi đây đầy rẫy khó khăn. Hè về, học sinh Cơ Tu phải theo cha mẹ lên con rẫy cháy nắng trên đồi. Không được tiếp cận sách vở, nên những kiến thức từ lớp trước không đủ sức giúp các em theo kịp chương trình mới, nhiều em còn quên mặt chữ. Đây là một trong hàng trăm nguyên nhân dẫn đến học sinh bỏ học, ngồi nhầm lớp…

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-sach-cho-em-va-nhung-lop-hoc-dem-1112038-b.html