Từ phim 'Last Tango In Paris' đến bất bình đẳng về giới

Câu chuyện nữ diễn viên Maria Schneider bị đạo diễn Bernardo Bertolucci và nam diễn viên gạo cội Marlon Brando “lừa dối” trong một cảnh quay “thân xác” của bộ phim Last Tango In Paris mà báo Thể thao & Văn hóa đề cập trong những ngày gần đây, một lần nữa, cho thấy những bất bình đẳng về giới vẫn đang tồn tại dai dẳng và nặng nề.

Hầu hết các phim có những cảnh quay giường chiếu, dường như đều được sản xuất trong tâm thế chú trọng đến người xem là nam giới. Tức là hoặc ý thức, hoặc vô thức, trong quá trình thực hiện bộ phim, cả đạo diễn và diễn viên đều hướng suy nghĩ của mình đến người xem dự tính là nam giới.

Cảnh quay này đã đủ sức quyến rũ các anh chàng chưa? Diễn xuất cháy bỏng như vậy đã thu hút sự chú ý của cánh mày râu chưa? Và tất nhiên, các góc quay có phần ưu ái hơn trong việc truyền tải những đường cong thẩm mỹ trên cơ thể của nữ nhân vật (chính xác là của nữ diễn viên!).

Đạo diễn Bernardo Bertoclucci trao đổi về một cảnh quay trong “Last Tango in Paris” với diễn viên Marlon Brando và Maria Schneider

Các nhà làm phim cho rằng họ đang góp sức tôn vinh vẻ đẹp tuyệt tác của phái nữ về mặt hình thể nhưng thực tế, như những gì chúng ta thấy, rất rõ ràng, chỉ là sự phân biệt và những bất công về giới khi họ mặc nhiên đối tượng người xem được chú trọng là nam giới (nhưng không phải nam giới nào cũng hài lòng). Mọi cảm xúc của nữ khán giả có vẻ như đã bị gạt sang một bên không thương tiếc.

Không chỉ trong phim ảnh, ngay cả các đoạn quảng cáo, dù thời lượng trình chiếu ngắn ngủi - chỉ đôi ba phút, khán giả cũng thấy rõ dấu vết nặng nề của tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Trong khi xã hội ngày càng ra sức hô hào khuyến khích các đấng mày râu tham gia công việc gia đình như đi chợ, vào bếp nấu ăn, giặt giũ quần áo, chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa… như một cách để dung hòa đời sống gia đình trong thế công bằng sẻ chia thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay hình ảnh nam giới xuất hiện trong các quảng cáo về những sản phẩm tiêu dùng phục vụ cho các hoạt động này.

Quảng cáo bột giặt, nước xả vải, nước rửa chén, nước lau sàn… hầu như là cảnh các mẹ, các chị lao tâm khổ tứ vì những chiếc áo quần vấy bẩn đến kinh hoàng của chồng của con, vì mớ chén bát tô dĩa dính đầy dầu mỡ chất cao như núi. Quảng cáo bột nêm, dầu ăn… cũng thường là bối cảnh người vợ, người mẹ đảm đang miệt mài đứng bếp, trong khi người bố và người con (thường là con trai) ngồi ở bàn ăn và… chờ đợi món ăn được đưa ra!

Nếu xem liên tục những quảng cáo này suốt thời thơ bé, trẻ sẽ dần hình thành một mặc định trong tư duy về giới khi cho rằng những công việc trong gia đình hiển nhiên là của người mẹ, người vợ, còn người cha, người chồng thì phụ trách những công việc ngoài xã hội.

Không chỉ có phim ảnh, phim quảng cáo mà trong nhiều trường hợp khác, những yếu tố phân biệt giới tính, bất bình đẳng nam nữ vẫn “ngang nhiên” xuất hiện. Và đáng tiếc thay, được mọi người chấp nhận, trong đó có cả phụ nữ!

Thiết nghĩ, đã đến lúc, chúng ta nhận diện một cách rõ ràng hơn bản chất của vấn đề để phong trào đòi công bình cho giới nữ - nữ quyền - không dừng lại ở hình thức chỉ là những bó hoa, những lời chúc tụng vào những dịp lễ 8/3 hay 20/10.

Trần Xuân Tiến (Đại học Văn Hiến)
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/dien-dan-van-hoa/tu-phim-last-tango-in-paris-den-bat-binh-dang-ve-gioi-n20161209065012270.htm