Từ những phát hiện di tích thời kỳ đá cũ ở Việt Nam

Một điểm di tích được các nhà khảo cổ tìm thấy ở khu vực thượng du sông Ba.

(Cadn.com.vn) - Sau phát hiện chấn động về những công cụ bằng đá trong giai đoạn cổ xưa nhất của loài người ở vùng thượng du sông Ba (TX An Khê, Gia Lai) với niên đại 77-80 vạn năm, ngày 30-11, UBND tỉnh Gia Lai và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Thời đại đá cũ ở Việt Nam trong bối cảnh khu vực". Hội thảo có sự tham dự của các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học từ nhiều nước trên thế giới như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Lào, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Myanmar.

Trước đó, một chương trình nghiên cứu ở thượng du sông Ba giữa Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện Hàn lâm khoa học Nga thực hiện trong 2 năm 2015-2016 đã có những phát hiện chấn động. Sau khi các nhà khảo cổ thuộc Viện Khảo cổ Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá thực tế hệ thống các di tích khảo cổ học vùng thượng du sông Ba, nằm trên địa bàn TX An Khê, phát hiện gần 30 di chỉ khảo cổ học tại các địa điểm Gò Đá, Rộc Tưng và tìm thấy nhiều công cụ ghè đẽo thô sơ, đặc biệt với các rìu tay điển hình trong tầng văn hóa ổn định được xác định có niên đại 77-80 vạn năm. Đây được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của con người thời tối cổ, người vượn đứng thẳng, tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Từ nghiên cứu này, sẽ mở ra những tiềm năng to lớn về khảo cổ học ở Tây Nguyên khi vùng thượng du sông Ba là nơi kết tinh thành tựu vĩ đại của nhân loại ở giai đoạn cổ xưa nhất, giai đoạn vượn người đứng thẳng (Homo Erectus). Bởi các phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ ở khu vực trên là bằng chứng khẳng định, thượng lưu sông Ba là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng trên dưới 80 vạn năm. Theo đánh giá của Tiến sĩ A. Tsybankov, Trưởng đoàn Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk Viện Hàn lâm khoa học Nga: Đây là phát hiện dấu tích cổ xưa nhất sự xuất hiện của loài người trong khu vực Đông Nam Á đến thời điểm này, bằng chứng tồn tại văn hóa tối cổ nhân loại ở Việt Nam. Bổ sung vào bản đồ Thế giới quê hương loài người.

Cũng theo đánh giá của Giáo sư, Viện sĩ Anatoly Derevianko, đoàn Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk thì những di tích Đá cũ ở An Khê đã minh chứng cho sự tiến bộ về nghề ghè đá của người sinh sống ở Đông và Đông Nam Á sớm hơn Châu Âu từ 300.000-400.000 năm. Bổ sung những tư liệu mới vào bản đồ sự xuất hiện và tiến hóa của loài người trên thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối, Viện phó Viện Khảo cổ học khẳng định: "Công cuộc khai quật nghiên cứu còn đang tiến hành nhưng những tài liệu thu được bước đầu có giá trị quan trọng cho việc biên soạn lịch sử quốc gia, làm cơ sở cho việc trưng bày tại các bảo tàng, hướng tới xây dựng vùng An Khê thành trung tâm nghiên cứu lịch sử văn hóa nhân loại ở tầm quốc gia và quốc tế. Góp phần thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế xã hội ở Tây Nguyên nói chung và vùng đất An Khê nói riêng.

Tại hội thảo, nhiều tham luận của các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu đến từ nhiều quốc gia đã góp phần làm phong phú thêm những phát hiện quan trọng trong quá trình hình thành và xuất hiện của con người thời tối cổ, người vượn đứng thẳng, tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

Minh Tân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_156978_tu-nhu-ng-pha-t-hie-n-di-ti-ch-tho-i-ky-da-cu-o-vi.aspx