Từ những bài thi điểm 10: Điểm nào cho chất lượng đào tạo?

Sau khi kết quả kỳ thi THPT Quốc gia được công bố, dư luận cả nước xôn xao vì sự xuất hiện của 4000 điểm mười trên cả nước. Nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh sung sướng với kết quả đó trong khi có nhiều người khác lại đặt ra những nghi vấn về tính khách quan, trung thực của kỳ thi, về chất lượng của đề thi. Chúng ta nên nhìn nhận hiện tượng này thế nào?

Nhiều điểm 10 là bình thường

Rất nhiều báo đưa tin, tôn vinh những học sinh đạt điểm 10 trong kỳ thi. Tuy nhiên, với tôi thì điểm 10 trong một kỳ thi “hai trong một” khi các nhà làm đề phải tính toán đến tiêu chuẩn xét tốt nghiệp cho một lượng đông đảo thí sinh trên cả nước và đa số được thiết kế dưới dạng trắc nghiệm là rất bình thường. Cơ hội để học sinh giành được điểm tối đa trong các bài thi trắc nghiệm lớn hơn bài thi tự luận đặc biệt là đối với môn xã hội.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay cả nước có 4000 điểm 10 trên tổng số 866.000 thí sinh. Đây không phải là một tỉ lệ lớn nếu tư duy nó là kết quả của một kỳ thi “hai trong một”-mà yêu cầu đặt ra là đề thi phải bám sát sách giáo khoa với kiến thức phần lớn ở mức độ phổ thông.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay cả nước có 4000 điểm 10 trên tổng số 866.000 thí sinh. Ảnh minh hoạ: Tiến Tuấn/Zing

Tất nhiên, với tất cả những gì đã chứng kiến trong “lịch sử”, dư luận cũng sẽ lo lắng với chuyện công bằng trong kỳ thi. Họ có lý do lo lắng chuyện chỗ này làm nghiêm trong khi có thể các nơi khác không làm được như thế. Những gian lận theo kiểu nhắc bài, truyền tin cho nhau trong phòng thi sẽ dễ dàng thực hiện hơn so với thi tự luận. Nếu giám thị lơ là hay giả vờ nghiêm túc, chỉ cần 10 phút một thí sinh có thể sao chép được toàn bộ kết quả bài thi trắc nghiệm của thí sinh khác.

Kết quả điểm thi cao cũng sẽ làm khó cho khâu xét tuyển vào đại học. Tình trạng đạt điểm cao nhưng không thể vào được đại học mình thích vì còn có nhiều bạn có điểm số cao hơn sẽ gây ra tâm lý bất mãn ở học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, tuyển sinh vào đại học là công việc có tính chất khác với thi hoặc xét tốt nghiệp phổ thông. Khi thi và xét tốt nghiệp phổ thông người ta sẽ phải đặt ra một ngưỡng nào đó gọi là điểm chuẩn và coi tất cả những người đạt hoặc vượt chuẩn đó đủ điều kiện tốt nghiệp. Trong khi đó, khi tuyển sinh vào đại học, người ta phải căn cứ vào chỉ tiêu định lấy bao nhiêu sinh viên để lấy từ trên cao xuống. Điểm chuẩn đặt ra khi tuyển sinh vì thế chỉ có ý nghĩa “thông báo” . Như vậy, điểm chuẩn là thứ được xác định khi người ta đã tiến hành xác định được số lượng thí sinh trúng tuyển chứ không như khi xét tốt nghiệp người ta đặt ra điểm chuẩn từ trước.

Vì vậy, trong cuộc cạnh tranh này thí sinh cho dù đạt điểm cao nhưng vẫn trượt cũng là chuyện thường tình của thi cử.

Nhưng những điểm 10 đó không có nhiều ý nghĩa…

Xét ở góc độ cá nhân học sinh hay gia đình các em thì những điểm mười đó là niềm vui có tính động viên nhưng xét ở bình diện Quốc gia hay trường học những điểm mười đó không có ý nghĩa lớn. Nó không đáng để chúng ta vui mừng và coi đó như chỉ dấu tiến bộ của một nền giáo dục.

Như đã phân tích ở trên, do đề thi được thiết kế để phục vụ “hai trong một” và hầu hết các môn được tiến hành dưới hình thức thi trắc nghiệm cho nên khả năng đạt điểm tối đa sẽ lớn hơn rất nhiều khi thi tự luận kể cả ở môn xã hội. Các kiến thức được đặt ra thử thách học sinh cũng chủ yếu là lấy từ sách giáo khoa với mức độ phổ thông, những vấn đề khó đòi hỏi tư duy chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ. Thậm chí nhìn vào đề thi môn lịch sử sẽ khó tìm ra câu nào là câu thử thách tư duy lịch sử thật sự của học sinh.

Chính vì vậy việc có 4000 điểm 10 trên tổng số 866.000 thí sinh là điều không có gì đáng tự hào. Cần phải có thông số về số lượng các bài thi dưới trung bình và tỉ lệ của nó trên tổng số thí sinh để so sánh. Nếu tỉ lệ số bài thi có điểm dưới trung bình lớn thì nó nói lên rằng giáo dục của ta là “tốt lỏi” và sự phân hóa trong học sinh là rất lớn. Ở đó có rất nhiều học sinh không theo kịp với bạn bè và bị bỏ lại phía sau.

Quan trọng nhất ở đây là việc chúng ta đừng nhìn vào điểm 10 mà quên rằng mục đích cuối cùng của giáo dục phổ thông là gì? Mục đích của nó là tạo ra những học sinh giành được nhiều điểm 10 hay tạo ra những con người phát triển toàn diện? Về vấn đề này, Điều 27 Luật giáo dục hiện hành ghi rõ: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc”. Như vậy mục tiêu của giáo dục phổ thông không phải đơn giản là việc học sinh nắm được bao nhiêu kiến thức giáo khoa. Vậy thì một kỳ thi với 5 bài thi trên giấy trong vài tiếng đồng hồ liệu đã đánh giá chính xác sự trưởng thành của học sinh trong suốt 12 năm học hay chưa?

Cái yếu nhất của giáo dục phổ thông Việt Nam là chưa tạo ra được những người công dân đúng nghĩa. Bỏ thi trung học phổ thông là góp phần điều chỉnh sự lệch lạc đó, giúp trường học từ bỏ việc lấy các môn học giáo khoa làm trung tâm duy nhất và tuyệt đối trong chương trình giáo dục.

Sự phát triển về thể chất, những kinh nghiệm về đời sống, những phẩm chất thuộc về nền tảng của con người như tính nhẫn nại, lòng bao dung, tinh thần hợp tác…ở học sinh được đánh giá ở đâu? Có người sẽ nói rằng ngoài điểm thi tốt nghiệp, hạnh kiểm sẽ là thước đo những thứ còn lại. Đấy là tư duy sai lầm vì hạnh kiểm trên thực tế chủ yếu được giáo viên quyết định rất cảm tính dựa vào việc học sinh vi phạm hay không vi phạm nội quy của trường học. Nó không đánh giá được sự phát triển thực sự của học sinh ở phương diện những phẩm chất, năng lực thuộc về con người.

Chính vì vậy mà ở nhiều nước trong đó có Nhật Bản đã từ bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ rất sớm. Việc xét tốt nghiệp được giao cho các trường và các giáo viên. Việc xét tốt nghiệp ở đây sẽ không chỉ dựa vào điểm số của các bài kiểm tra hay kết quả học tập. Giáo viên sẽ xem xét và quan tâm tới cả sự trưởng thành của học sinh trong các hoạt động khác ở trường như hoạt động câu lạc bộ, tình nguyện và chính đời sống trường học của học sinh. Học sinh khi tốt nghiệp sẽ viết một bài luận tổng kết 12 năm học. Bài luận vừa là lời chia tay, lời hứa vừa là sự thể hiện khát vọng, chí hướng của học sinh trước ngã rẽ của cuộc đời. Vì vậy, việc tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa nghiêm túc, trang nghiêm vừa không có gì căng thẳng.

Ở Việt Nam cách làm thi “hai trong một” như hiện tại gây ra nhiều điểm bất lợi. Thứ nhất là làm cho việc học và tốt nghiệp trung học phổ thông trở nên nặng nề quá mức cần thiết. Đã có thi thì về lý thuyết sẽ có trượt có đỗ. Điều đó gây ra tâm lý căng thẳng ở cả giáo viên, phụ huynh, học sinh. Sự căng thẳng này còn nặng nề hơn nữa nếu như học sinh học lệch các môn hay các giáo viên phải dạy những học sinh bị mất căn bản về kiến thức hoặc các học sinh “cá biệt”.

Khi thực lực không có mà bị sức ép về thành tích, người ta bằng mọi giá, mọi cách sẽ phải gian dối. Quay cóp, ném bài, chỉ bài, làm ngơ cho học sinh gian lận trong phòng thi cũng nảy sinh từ đó. Nhiều giáo viên bị kẹt giữa một bên là sức ép thành tích, tỉ lệ học sinh phải đỗ tốt nghiệp với một bên là lương tâm nghề nghiệp và đạo đức làm người. Nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông như đang làm sẽ giải thoát cho giáo viên và học sinh khỏi áp lực không đáng có đó. Nhà trường, giáo viên sẽ có sự thoải mái trong tinh thần để quan tâm, giúp đỡ các học sinh học lệch, mất căn bản về kiến thức và tập trung giáo dục toàn diện học sinh.

Cái yếu nhất của giáo dục phổ thông Việt Nam là chưa tạo ra được những người công dân đúng nghĩa. Bỏ thi trung học phổ thông là góp phần điều chỉnh sự lệch lạc đó, giúp trường học từ bỏ việc lấy các môn học giáo khoa làm trung tâm duy nhất và tuyệt đối trong chương trình giáo dục.

Mặt khác, các trường đại học cũng sẽ không yên tâm khi họ phải sử dụng kết quả của kỳ thi “của người khác” để xét tuyển. Xét tuyển đại học có đặc thù riêng vì mỗi trường sẽ có yêu cầu riêng đối với sinh viên của mình. Vì vậy, cần phải trả kỳ thi đại học về các trường để các trường tự chủ trong khâu tuyển sinh. Sức ép để có được một “suất” vào đại học đối với học sinh đang ngày một giảm dần. Vấn đề đặt ra sẽ là lựa chọn học trường nào để thực hiện mơ ước của bản thân. Việc trả kỳ thi về các trường sẽ tạo thuận lợi cho học sinh trong việc lựa chọn ấy.

Nguyễn Quốc Vương 

Nguồn Người Đô Thị: http://www.nguoidothi.net.vn/vn/news/giao-duc-du-hoc/chuyen-hoc-hanh/8924/tu-nhung-bai-thi-diem-10-diem-nao-cho-chat-luong-dao-tao-.ndt