Từ người lính thành doanh nhân thành đạt

Trong kháng chiến chống Mỹ, cựu chiến binh Đinh Văn Lời nức tiếng là một chiến sĩ dũng cảm. Sau ngày giải phóng, ông trở thành một doanh nhân thành đạt của thành phố Hội An, Quảng Nam.

Cựu chiến binh Đinh Văn Lời. Ảnh: VGP/Thế Phong

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, chúng tôi đã đến thành phố Hội An tìm gặp ông Đinh Văn Lời và được nghe câu chuyện về ông - người có biệt danh “báo đen”, khắc tinh của binh lính đối phương thời kháng chiến chống Mỹ.

Trong căn nhà khang trang tại phường Cẩm Nam (Hội An), ông Lời cho biết ký ức về những ngày tham gia kháng chiến chống Mỹ luôn sống động trong tâm trí ông.

Sinh năm 1951 và đến khi 14 tuổi (1964), ông được tổ chức đưa vào làm việc tại trại mộc Nguyễn Một ở nội thị Hội An để xây dựng cơ sở cách mạng. Tại đây, ông đã kêu gọi công nhân, thợ thuyền, người làm thuê tham gia lực lượng vũ trang chống địch và thành lập “Đội biệt động thành Hội An”.

Theo hồi ký của các chiến sĩ biệt động thành Hội An còn sống ghi lại, đội đã tham gia 21 trận đánh vào cơ sở quang trọng của địch. Trong đó, đội trưởng Đinh Văn Lời trực tiếp chỉ huy đánh 15 trận, diệt nhiều tên địch…

Sau những trận đánh ấy, đối phương ráo riết truy tìm tung tích của Đội biệt động và người chỉ huy có biệt danh là “Báo đen” (đội trưởng Đinh Văn Lời). Đêm ngày 4 đến rạng sáng 5/5/1968, sau một trận giao chiến ác liệt với địch tại chùa Lễ Nghĩa thuộc nội thị Hội An, ông Lời cùng một số đồng chí bị bắt giam cầm ở nhà lao Hội An, đến tháng 10/1968 bị đày ra Côn Đảo.

Tháng 2/1974, ông được đối phương trao trả, sau đó được tuyển chọn vào lực lượng an ninh khu V. Tháng 3/1976, ông xin chuyển công tác về địa phương.

Trở về với đời thường, ông Đinh Văn Lời quyết định quay lại với nghề mộc mà ông đã từng làm trong thời gian kháng chiến.

Để có thêm vốn sản xuất, ông thế chấp ngôi nhà của gia đình để vay tiền mở cơ sở đóng đồ mộc dân dụng. Quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, ông từng bước xây dựng thương hiệu “Gỗ Kim Bồng” nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với Hội An.

Khi các mặt hàng gỗ gia dụng có chỗ đứng trên thị trường, ông Lời sản xuất thêm sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ và mở thêm ba cửa hàng trưng bày tại phố cổ Hội An. Du khách đến tham qua, du lịch tại Hội An rất thích thú và bắt đầu đặt mua, trong đó có nhiều du khách phương Tây rất thích sản phẩm của ông.

Nắm bắt cơ hội và nhu cầu thị trường, ông tiếp tục đi nhiều nơi học hỏi thêm kinh nghiệm, sau đó về tổ chức sản xuất thêm nhiều sản phẩm gỗ mẫu mã vừa phong phú lại vừa bắt mắt hơn. Nhờ vậy, đồ mộc Kim Bồng dần dần được xuất khẩu sang thị trường Pháp.

Năm 2001, ông thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại và Dịch vụ Kim Bồng, chuyên sản xuất các mặt hàng gỗ mỹ nghệ. Cũng từ đó, doanh nghiệp Kim Bồng đã tạo được việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Không chỉ dừng ở đó, cựu chiến binh-doanh nhân Đinh Văn Lời còn mở trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề miễn phí cho gần 200 người, là con em gia đình chính sách, đồng chí đồng đội và người tàn tật.

Ông còn xây 3 ngôi nhà tình nghĩa cho bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/nguoi-totviec-tot/tu-nguoi-linh-thanh-doanh-nhan-thanh-dat/312424.vgp