Từ năm 2014 không để thiếu điện

Từ năm 2014 trở đi, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không được để thiếu điện - đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Thông báo số 22/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.

CôngThương - Ngoài mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân năm 2014, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu EVN phải thực hiện tốt các giải pháp có thể đáp ứng cho nhu cầu điện tăng cao hơn khi tình hình kinh tế phát triển cao hơn dự kiến, không được để xảy ra tình trạng thiếu điện như một số năm trước đây.

Tổng giám đốc EVN Phạm Lê Thanh khẳng định: năm 2013, EVN đã hoàn thành nhiệm vụ cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội với chất lượng ngày càng tốt, hệ thống điện luôn có công suất dự phòng. Cũng trong năm 2013, hệ thống điện đã được bổ sung thêm gần 2.500MW. Nhiều công trình lưới truyền tải và phân phối điện được đưa vào vận hành. Cuối năm 2013, mức nước tích ở các hồ thủy điện đều đạt xấp xỉ mức nước dâng bình thường... Đây là những điều kiện cơ bản để EVN hoàn thành nhiệm vụ sản xuất và cung ứng điện trong năm 2014.

Tổng giám đốc

Phạm Lê Thanh:

Nhằm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội, năm 2014, EVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị phát điện ngoài EVN đảm bảo điện sản xuất và mua đạt 140,5 tỷ kWh, tăng gần 10% so với năm 2013. Duy trì mua điện từ Trung Quốc với sản lượng cả năm 2,46 tỷ kWh và giữ mức bán điện cho Campuchia ở công suất cao nhất 170MW.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ vốn và tài sản, củng cố các ban quản lý dự án nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện. Đặc biệt, tập trung vốn cho các dự án điện cấp bách, nhất là các dự án bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam. Bám sát tiến độ các dự án trong Quy hoạch điện VII, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng. Đẩy nhanh thanh quyết toán các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu các nhà máy điện trực thuộc EVN và các tổng công ty phát điện đảm bảo chất lượng vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các tổ máy, nâng cao độ sẵn sàng, hạn chế tối đa việc bảo dưỡng, sửa chữa các tổ máy nhiệt điện trong 6 tháng mùa khô; các nhà máy thủy điện phối hợp với địa phương điều hành tốt việc phát điện, chống lũ, cấp nước, phát huy các hiệu ích tổng hợp của công trình. Chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng lưới điện, công nghệ thông tin, viễn thông, đào tạo nguồn nhân lực, cơ cấu lại tổ chức các tổng công ty/công ty điện lực để thực hiện tốt việc tham gia thị trường điện, trước mắt là thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ được thực hiện thí điểm từ năm 2015. Thực hiện tái cơ cấu tập đoàn và quản trị doanh nghiệp, sắp xếp lại tổ chức bộ máy điều hành, hoàn thiện quy chế cán bộ và tăng cường kiểm soát nội bộ, từng bước phát triển tập đoàn, các tổng công ty thành các doanh nghiệp mạnh, có thể tự huy động vốn trên thị trường tài chính trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: phải tập trung vốn đầu tư cho truyền tải và coi đó là bước đột phá trong đầu tư lưới điện truyền tải. Rà soát phương án vận hành lưới điện truyền tải 500-220 kV hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là hệ thống điện miền Nam.

Tổng giám đốc Phạm Lê Thanh cho biết, để thực hiện. “Tối ưu hóa chi phí và Điện cho miền Nam”, EVN quyết tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm giá thành sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Đẩy nhanh tiến độ một số dự án đầu tư quan trọng cấp điện cho miền Nam; các công trình lưới điện truyền tải đấu nối với các trung tâm nhiệt điện này; các dự án truyền tải và phân phối cấp bách khác ở miền Nam. Thực hiện khép mạch vòng truyền tải vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam để đảm bảo ổn định hệ thống truyền tải cả nước.

Khánh Chi

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/nang-luong/49543/tu-nam-2014-khong-de-thieu-dien.htm