Tư lệnh ngành phát biểu nóng, thừa nhận còn 'những con sâu'

Sáng 28/7, Quốc hội đã phê chuẩn danh sách 26 thành viên Chính phủ, trong đó có 17 bộ trưởng.

Bộ trưởng Tài chính: Ngành thuế vẫn còn "sâu"

Sau một nhiệm kỳ nắm Bộ Tài chính và tiếp tục tái cử, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói cảm thấy tự tin hơn vì đã nắm hiểu rõ hơn công việc của mình trong nhiệm kỳ tiếp theo.

Trước sự bức xúc của dư luận với tình trạng tham nhũng trong ngành thuế, hải quan, người đứng đầu Bộ Tài chính xác nhận trong ngành thuế vẫn còn "những con sâu".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Tuổi trẻ

"Những con sâu đó đã bị xử lý rất nghiêm minh. Mấy năm vừa qua, bằng các giải pháp, luân phiên cán bộ thì chúng tôi đã luân chuyển hơn 10.000 cán bộ và quá trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ đã xử lý trên dưới 300 cán bộ, công chức, đặc biệt cán bộ, công chức trong thuế, hải quan vi phạm về hành chính", Bộ trưởng Dũng nói.

Thừa nhận trong nhiệm kỳ này, thách thức về mặt tài chính ngân sách rất nhiều, rất quan trọng gắn với an ninh, an toàn tài chính quốc gia, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết phải có đề án tái cơ cấu lại ngân sách nhà nước.

"Nhưng không có nghĩa là chúng ta giảm chi tiêu một cách đột ngột mà giảm chi tiêu thường xuyên phải gắn với hiệu quả sử dụng, tiết kiệm chi tiêu, gắn với cải cách đồng bộ tổ chức bộ máy, triển khai đồng bộ đề án, Nghị định của Chính phủ về đẩy mạnh sự nghiệp công, kể cả phải rà soát lại toàn bộ tổng thể chính sách về an sinh xã hội để đảm bảo sử dụng hiệu quả hơn.

Về nợ công chúng ta đã từng bước công khai. Công khai này rất quan trọng để đề ra các giải pháp, khả năng trả nợ, bố trí nguồn lực trả nợ, quản lý sử dụng nợ công hiệu quả hơn", Bộ trưởng Dũng cho biết.

Bộ trưởng NN&PTNT: Tập trung vào an toàn thực phẩm

Trong số 26 thành viên Chính phủ khóa 14 được phê chuẩn sáng 28/7, chỉ có một vị trí thay đổi so với nhiệm kỳ XIII (kiện toàn từ tháng 4/2016) là Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).

Trao đổi với báo chí về kế hoạch hành động cho nhiệm kỳ mới, tân Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết ông sẽ tập trung vào an toàn thực phẩm, một vấn đề nóng hổi, đang là đòi hỏi của người dân.

Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: VnExpress

"Chúng tôi sẽ bằng tất cả các giải pháp tổng hợp, giải quyết cho được vấn đề an toàn thực phẩm", Bộ trưởng cam kết.

Đồng thời với đó là tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng từng bước khắc phục được 3 vấn đề nêu trên, gồm: sản xuất nhỏ manh mún, biến đổi khí hậu và hội nhập. Việc tái cơ cấu nông nghiệp sẽ được làm theo hướng sản xuất chuỗi, bền vững, hiệu quả.

Một vấn đề rất lớn, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng phải tập trung vào là xây dựng nông thôn mới.

"Trong 5 năm qua, chúng ta đã có kết quả tốt trong xây dựng nông thôn mới, có 22% số xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Nhưng đây mới là kết quả bước đầu, vẫn còn 78% số xã hết sức khó khăn về nguồn lực, chủ yếu nằm ở vùng sâu vùng xa, miền núi. Đây chính là khu vực mà chúng ta cần tăng cường đầu tư phát triển nông nghiệp, cải thiện đời sống nông dân, để làm sao rút ngắn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa với vùng phát triển, vùng đồng bằng", Bộ trưởng Cường cho biết.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao: Hội nghị ASEAN khẳng định sự đồng thuận của khối

Được Quốc hội bầu làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh đã có trả lời báo chí xung quanh liên quan đến vấn đề Biển Đông và Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Thường trực (PCA).

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, từ trước đến nay, nhiều nhà quan sát vẫn cho rằng trong ASEAN không đạt được đồng thuận; nhưng hội nghị AMM-49 tại Lào đã đạt được Tuyên bố chung - khẳng định sự đồng thuận trong ASEAN. Trong Tuyên bố, các vấn đề liên quan đến Biển Đông đã đạt được tất cả các yếu tố mà từ trước đến nay đã đạt được.

"Thậm chí còn hơn thế nữa, đó là sự khẳng định lại việc các nước ASEAN tiếp tục quan tâm, lo ngại về tình hình Biển Đông. Mà tình hình đó là các hoạt động gây căng thẳng, trong đó có vấn đề cải tạo các đảo", ông khẳng định.

Vấn đề thứ hai là khẳng định các bên phải kiềm chế, trong đó có cả kiềm chế các hoạt động gây ra căng thẳng. Thứ ba là nhắc lại phải giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng điều mà dư luận quan tâm là tại sao không đề cập đến vấn đề PCA phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc và các biện pháp ngoại giao pháp lý.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/tu-lenh-nganh-phat-bieu-nong-thua-nhan-con-nhung-con-sau-3315168/