Từ làng Phù Đổng tới chín tầng mây Kon Tum

Năm 2009, trên một chiếc xe Ford Everest đổ đầy xăng, chúng tôi khởi hành từ Hà Nội lúc trời còn tranh tối tranh sáng, theo đường Hồ Chí Minh thẳng tới miền đất đỏ Tây Nguyên. Để tìm mộ tập thể hơn 200 người lính Hà Nội do Mỹ chôn cất tại chiến trường.

Hai CCB Việt - Mỹ (Hồ Đại Đồng - trái và Ronald J. Reddy - phải) cùng ngồi viết sổ lưu niệm tại bậc thềm gian thờ đài tưởng niệm Chư tan Kra. Phía trước mặt là thung lũng Sa Thầy mênh mông (ảnh Trương Đức Bình).

1. Năm ấy chúng tôi vào lại Trường Sơn núi thẳm sông dài để tìm chiến lệ trận đánh Chư tan Kra chấn động nước Mỹ một thời. Chiến lệ là các trận đánh, có thể thành hay bại, được tổng kết và biên soạn lại thành bài giảng cho các sĩ quan học, minh họa cho một chiến thuật hay một vấn đề nào đó trong trong thực hành chỉ huy chiến đấu, với đầy đủ sa bàn, lực lượng hai bên, diễn biến trong trận cũng như thương vong và dư luận sau đó. Nhưng trận Chư tan Kra (Sa Thầy, Kon Tum) không có chiến lệ. Nó chỉ có trong ký ức mãi mãi không thể nào quên của chừng một trăm CCB lính mũ sắt còn sống của tiểu đoàn 7, trung đoàn 209, sư 312 ngày ấy. “Lính mũ sắt” là một trong những đơn vị được tuyển chọn đặc biệt, sức khỏe A2 trở lên, lý lịch ít nhất phải là Đoàn viên, và đều là người Hà Nội gốc. Sau khi luyện quân kỹ lưỡng ở Thái Nguyên như cõng đá ngay cả lúc nghe điều lệnh để rèn sức bền thể lực, đánh trận giả ở Hòa Bình... đơn vị bộ binh này được trang bị tối đa các quân trang, khí tài hiện đại nhất thời đó, như mũ sắt của Liên Xô, là đơn vị đầu tiên được sử dụng B41, và chuyển quân bằng xe Giải phóng vào thẳng chiến trường. Tất cả họ đều nhập ngũ cùng ngày 27.3.1967, cùng đánh trận đầu tiên trong đời ở Chư tan Kra ngày 26.3.1968 và rất nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại tại dải núi này.

Đài tưởng niệm Chư tan Kra nhìn từ trên cao (ảnh Trương Đức Bình).

Năm 2009 tôi đã viết: “Đó là đêm 25.3.1968. Các đơn vị của tiểu đoàn 7 im lìm nằm phục trên các triền đồi của đỉnh Chư tan Kra, hướng lên phía cứ điểm Mỹ trên cao. Trong tay là súng, trước ngực là cơ số đạn cá nhân, thắt lưng là lựu đạn, buộc chéo trên vai là mảnh võng dù bất ly thân, chiếc “áo quan di động” sẽ được quấn quanh người nếu chẳng may chủ nhân nằm xuống. Thời gian như dài cả trăm năm. Cỏ Chư tan Kra mọc trên đất đỏ thật sắc, nhưng đọt cỏ vẫn ngọt và mềm. Chỉ có tiếng súng bắn cầm canh hú họa từ lô cốt và vài quả đạn pháo từ hướng sân bay Kleng vu vơ bay tới. Khoảng 3h sáng ngày 26.3.1968, một phát pháo hiệu của chỉ huy trận đánh bay vụt lên bầu trời đêm, ngay sau đó vang lên tiếng kèn xung phong, đúng như bài tập. Lập tức tiếng mìn DH10 dựng chếch để thổi tung hàng rào dây thép gai liên tục nổ. Cửa mở. Đồng loạt những tiếng thét xung phong vang lên bốn phía. Tiếng cối 60 cấp tập rót vào cao điểm, tiểu liên AK nổ đanh gọn từng loạt ngắn, tiếng đại liên bắn lên như xé vải, tiếng lựu đạn, rồi tiếng thủ pháo chuyên dùng để diệt hầm ngầm thi nhau nổ. Đạn B41 bắt trượt lô cốt phụt thẳng lên trời; súng phun lửa tạo nên các quầng sáng chói mắt, chạy loằng ngoằng trong công sự. Xung phong, lớp nọ đến lớp kia. Tiểu đoàn Mỹ trên Chư tan Kra hỗn loạn. Tiếng hét, tiếng tiểu liên cực nhanh AR15, tiếng các ụ đại liên khai hỏa. Pháo dù bắn tứ tung bốn phía sáng như ban ngày, mìn định hướng Claymore thổi ngược xuống chân núi. Chỉ ít phút sau pháo bầy ùa đến dập xuống khắp bốn phía chân cao điểm, rồi máy bay tiêm kích Mỹ lao tới cắt bom. Một chiếc máy bay vận tải C130 chở súng máy có tốc độ bắn 6.000 phát/phút được điều tới, điên cuồng vãi đạn xuống xung quanh Chư tan Kra theo hình xoáy trôn ốc, càng lúc càng thu dần lên đỉnh. Ai đó ở tiểu đoàn 7 đã chĩa đại liên lên trời để bắn C130 mà không biết rằng không bắn tới. Ròng rã tới khi trời hửng sáng, cả tiểu đoàn Mỹ giờ chỉ còn co cụm lại duy nhất trong chiếc lô cốt mẹ trên đỉnh Chư tan Kra. Trực thăng Mỹ bắt đầu ùa tới đổ thêm quân, tái chiếm cao điểm. Pháo bầy vẫn không ngừng bắn, thêm cả bom B52 rải rung chuyển các hẻm núi xung quanh... Buổi sáng ngày 26.3 năm ấy, mấy người lính anh nuôi bầy cơm nắm ra la liệt mà chẳng thấy mấy người về ăn, hu hu khóc: “Chúng mày ơi, đi đâu hết cả rồi?”. 70% lính mũ sắt Hà Nội tham gia trận đánh đầu đời đã không trở về nơi dấu quân, một số người đã chết trong bệnh xá tiền phương, còn tuyệt đại đa số họ, hơn 200 người đã nằm lại đỉnh Chư tan Kra trước lúc bình minh lên”.

Trang trọng bàn thờ những người lính mũ sắt Hà Nội tại đài tưởng niệm Chư tan Kra với đôi câu đối của GS Vũ Khiêu (ảnh Trương Đức Bình).

2. Tờ tin “Lập công” của các lực lượng vũ trang giải phóng Tây Nguyên số ra ngày 28.3.1968 viết: “Đêm 25 rạng sáng ngày 26.3.1968, K4 (mật danh của tiểu đoàn 7, trung đoàn 209) đã đánh một trận tập kích tốt, tiêu diệt gần hết một đại đội bộ binh, một đại đội pháo binh và một tiểu đoàn bộ Mỹ. Giặc Mỹ đã phải thừa nhận: “Đây là một trận đánh rất táo bạo, phía Mỹ đã bị thiệt hại vừa”. (Thiệt hại nặng phía Mỹ mới thừa nhận như vậy). Để đánh thắng, các chiến sĩ K4 đã nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên cường vượt qua hy sinh ác liệt, quyết tâm xốc tới tiêu diệt quân thù. Đó là xung phong chớp nhoáng, mãnh liệt và đồng loạt của bộ binh C1 và C2 ngày từ phút đầu nổ súng, đã vượt qua cửa mở xông thẳng vào đánh chiếm các ụ súng, rồi nhanh chóng phát triển vào trung tâm đánh phá các trận địa pháo và chỉ huy sở địch, với lối đánh táo bạo bằng thủ pháo, lựu đạn, tiểu liên bắn gần, bất chấp sự chống trả điên cuồng của địch trong cơn tuyệt vọng đã oanh tạc bừa bãi bằng mọi thứ bom phá, bom bi, bom lân tinh. Đó là sự hiệp đồng rất đẹp của các phân đội trợ chiến chi viện đắc lực cho bộ binh xông lên diệt địch. Đại liên bắn điểm dừng từng đoạn ngắn vào hỏa lực địch. Xạ thủ Phạm Ngọc Thái bị thương lùi về phía sau băng bó xong lại băng lên chiến đấu. B40, B41 lần lượt hạ hết các ụ súng này đến các ụ súng khác và luôn có mặt ở bất cứ chỗ nào cần có mặt. Xạ thủ Trần Đức Chính luôn luôn động viên thương binh “các đồng chí cứ bình tĩnh, chúng tôi sẽ trả thù cho các đồng chí”. Xạ thủ Trực sau khi đã hạ được 3 ụ súng đã ngồi hẳn lên trên xác Mỹ tiếp tục dùng tiểu liên diệt địch. Đó là hành động cụ thể, dũng cảm và tiên phong của những cán bộ đảng viên như đội trưởng Ân, chính trị viên Bắc, như phân đội trưởng Ngô Xuân Lâm, phân đội phó Nhạc; như Lê Sĩ Nhật luôn xông xáo chỉ huy đơn vị xốc tới, như Nguyễn Văn Kháng một mình đánh địch bảo vệ thương binh diệt hàng chục Mỹ bằng tiểu liên, lựu đạn. Đó là tình yêu thương đồng đội và quyết tâm tiêu diệt địch của các đồng chí phục vụ như y tá Bắc, văn thư Tứ, đưa hết thương binh ra ngoài an toàn rồi quay lại dùng tiểu liên, lựu đạn diệt địch. Tinh thần dũng cảm của cả một tập thể dũng cảm kết hợp với lối đánh gần, đánh nhanh, đánh thọc sâu đã đem lại cho K4 một trận thắng lớn mở ra nhiều triển vọng cho đơn vị và cho toàn đoàn. Hoan hô K4! Hoan hô các binh chủng phối thuộc, chắc chắn trong những ngày tới các đồng chí sẽ lập nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa”.

Thân nhân liệt sĩ Hà Nội trước danh sách những người đã hy sinh tại Bắc Tây Nguyên (ảnh Huy Minh).

Cuốn “Lực lượng vũ trang Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, NXB QĐND năm 1980, trang 135 viết: “Nổi bật trong đợt này là trận Chư tan Kra ngày 26.3.1968, diệt gọn 2 đại đội và một trận địa pháo Mỹ. Tại đây diễn ra nhiều cuộc giáp chiến giữa ta và địch. Chiến sĩ ta dùng lựu đạn, thủ pháo giành giật với địch từng khẩu pháo, từng mỏm đồi dưới tầm bom đạn ác liệt để giữ vững các điểm cao”. Cuốn “Lịch sử trung đoàn 209, sư đoàn 7”, NXB QĐND 2004, trang 94 - 95 viết: “Trong trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc núi Chư tan Kra), 204 lính Mỹ đã bị tiêu diệt, ta bị thương và hy sinh hơn 200 đồng chí. Trận đánh Mỹ đầu tiên tại cao điểm 995, trung đoàn không dứt điểm nhưng là trận đánh mở màn của trung đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và Nam Bộ. Trận đánh đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu gan dạ, không sợ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 209, đó chính là truyền thống của một trung đoàn đã được xây dựng từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Hôm nay, truyền thống đó lại tiếp tục phát huy trên chiến trường chống Mỹ. Nhiều gương chiến đấu anh dũng đáng được nêu gương học tập như đồng chí Nhạc (đại đội phó đại đội 1) bị thương lòi ruột, tự tay mình nhét ruột vào để tiếp tục chỉ huy bộ đội chiến đấu; như đại đội trưởng Ngô Xuân Lâm một mình ôm bộc phá xông lên diệt lô cốt địch cho bộ đội xung phong, rồi sau đó chỉ huy bộ đội chiến đấu liên tục cho đến lúc hy sinh”. Cũng trong cuốn sách trên, trang 99 viết: “Ngày 28.3.1968, trung đoàn được lệnh cơ động về vị trí tập kết ở dọc sông Sa Thầy để củng cố, bổ sung quân, rút kinh nghiệm và nhận thêm súng đạn, lương thực, thuốc men... Trong khi trung đoàn đang tập trung rút kinh nghiệm thì trên thông báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Thường trực Quân ủy Trung ương “nhiệt liệt khen ngợi những thành tích vừa qua của quân dân Tây Nguyên”, đồng thời chỉ thị “hãy thừa thắng xông lên, đánh mạnh, đánh trúng, đánh giòn giã hơn nữa”.

Chư tan Kra là trận đánh đầu đời của lính mũ sắt Hà Nội. Nhiều người còn sống sau đó đã đi sâu mãi vào chiến trường miền Nam, rồi sang Campuchia, lên biên giới phía Bắc đánh tiếp cả trăm trận. Người thì khi ra quân lao vào kinh doanh trở thành Tổng giám đốc, có người chỉ đơn giản làm nghề lái xe ôm. Họ giản dị, lẫn vào đám đông, lẫn vào dòng đời vĩ đại. Nhìn bề ngoài không thể nào đoán được họ đã một thời hào hùng, máu lửa. Và cũng lại có người để yên tất cả kỷ niệm đời lính trong hộp sắt, chưa một lần mở ra xem lại.

Tại làng Phù Đổng, Ronald khoe với các CCB lính mũ sắt kỷ niệm chương của tiểu đoàn 7, trung đoàn 209 mà ông được tặng (ảnh Huy Minh).

3. Đó là chuyện của năm 2009. Sau chuyến đi trở lại chiến trường xưa làm giỗ, thắp hương cho đồng đội, tìm thấy chiến hào công sự, nghe các CCB báo cáo tình hình và đề nghị, thượng tướng Nguyễn Thế Trị đã đồng ý thành lập ban liên lạc tìm đồng đội trung đoàn 209 do ông làm trưởng ban. Bộ phận tìm kiếm đồng đội do các CCB Hồ Đại Đồng, Phạm Văn Chúc, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Minh Ngọc, Nguyễn Xuân Tứ là cốt cán, sau bổ sung thêm Đặng Ngọc Linh và Đào Duy Tỉnh. Các thành viên đã tự nguyện góp tiền túi của mình, tổ chức hơn hai mươi chuyến vào Kon Tum tìm đồng đội. Kết quả của 8 năm trời (2009 - 2017), với sự giúp đỡ tận tình, tận nghĩa của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Kon Tum, huyện Sa Thầy, ban liên lạc đã tiến hành tìm kiếm, tổ chức khai quật với kết quả: Đưa được 29 liệt sĩ về quê mẹ miền Bắc, người đầu tiên là liệt sĩ Tạ Ngọc Giao, nhà ở 63 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, ngay trước cửa đền Ngọc Sơn; Góp phần khai quật mộ chí tập thể lớn 77 liệt sĩ, mộ chí nhỏ 20 liệt sĩ tại Chư tan Kra, ký hiệu M2 và 14 liệt sĩ tại M4, đưa anh em về an nghỉ ngàn thu tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Sa Thầy; Tổ chức trang trọng lễ trao kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Quang Lợi cho thân nhân tại phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh; Kiến nghị Thành ủy, HĐND, UBND đầu tư xây dựng đài tưởng niệm ghi công hy sinh của con em Hà Nội tại chân cao điểm Chư Tan An. Công trình hoàn thành cơ bản năm 2012.

Năm 2017 tôi mới có dịp trở lại Sa Thầy. Đài tưởng niệm các chiến sĩ Hà Nội hy sinh tại chiến trường Tây Nguyên đã và đang tiếp tục được hoàn thành, đẹp và trang nghiêm ngoài mong đợi. Trang trọng tại ban thờ chính đài tưởng niệm là đôi câu đối của GS Vũ Khiêu: “Hà Nội ra đi lửa giận thiêu tan ngàn kẻ địch/ Kon Tum nằm lại hồn thiêng cao vút chín tầng mây”. Trên bia tưởng niệm, GS viết:

“Đây Kon Tum, mảnh đất anh hùng! Dưới bom đạn mịt mùng lửa khói!

Đây lớp lớp những người con Hà Nội thề hiến mình cho nghĩa cả non sông.

Vạn con em ào ạt xung phong, sáu mươi đợt bừng bừng khí thế.

Đẹp đẽ thay! Tuổi trẻ Thăng Long! Những chàng trai hào hoa, phong nhã.

Đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ. Xông vào trận với bom rơi đạn nổ.

Vào sinh ra tử chẳng sờn lòng. Cứu nước diệt thù thêm vững chí.

Sa Thầy, 209 ra quân. Trận Đăk Tô, xuất quỷ nhập thần.

Chư tan Kra ào ào bão tố. Địch tan xác cùng bốt đồn đổ vỡ.

Thanh niên ta ngang dọc tây đông, giữa chiến trường lồng lộng uy phong.

Chiến sĩ Thủ Đô dũng cảm phi thường. Một chọi mười vẫn chiến đấu hiên ngang.

Ôm bộc phá mở đường cho đồng đội. Dẫu bị thương vẫn kiên cường xốc tới.

Ầm ầm sấm sét đất Kon Tum! Rực rỡ tinh anh người Hà Nội!

Cuộc chiến tranh có được có thua. Trăm trận thắng cũng có lần thất bại.

Trước bom đạn quân thù hiểm hại. Tại nơi đây đã ngã biết bao người.

Hồn thiêng cao vút tận mây trời. Thể xác dãi dầu trong cỏ đất.

Chúng tôi nay nhặt những nắm xương! Nhìn vết máu còn hoen dưới cỏ.

Ruột đau xót khôn cầm lệ rỏ. Xin xây cao vùng mộ khang trang.

Dựng ngôi đền khuya sớm khói hương. Tạc bia đá ghi công vạn thuở!”.

4. Năm 2017 này, tôi cũng mới có dịp về làng Phù Đổng, quê hương Thánh Gióng, nơi tròn 50 năm trước các chàng trai lính mũ sắt thủa mười tám đôi mươi nhập ngũ, phân chia đại đội, học những bài học đầu tiên về điều lệnh, nội quy quân đội. CCB Nguyễn Xuân Lành, Trưởng ban liên lạc đồng ngũ D7 - E209 - F312 không giấu được xúc động: “Chúng tôi là những người CCB lính mũ sắt Hà Nội năm xưa may mắn còn sống trở về, tuy còn lại không nhiều nhưng có quyền tự hào bởi nửa thế kỷ trước chúng tôi đều là những chàng trai trẻ dũng cảm gác lại tình yêu đôi lứa, gác lại việc bút nghiên, tự nguyện hưởng ứng lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình nguyện gia nhập quân đội. Tự hào vì đã vượt qua gian khổ với tinh thần luyện tập “thao trường có đổi mồ hôi/ thì khi chiến đấu đỡ rơi máu đào”, thi đua đạt danh hiệu “chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”. Sau một năm huấn luyện các kỹ thuật đánh công kiên, đánh vận động, đổ bộ đường không, đánh tập kích... ngày 5.2.1968, bằng xe cơ giới, cả trung đoàn 209, mệnh danh là quả đấm thép của Bộ hành quân thần tốc từ núi rừng Hòa Bình thẳng tiến vào nam. Ngày 20.2.1968 cả trung đoàn đã có mặt tại Kon Tum chuẩn bị trận đầu đánh Mỹ, trong trận Chư Tan Kra 204 lính Mỹ bị tiêu diệt, 2 trận địa pháo bị phá hủy hoàn toàn. Chúng tôi, những người may mắn được trở về trong thâm tâm cũng đan xen nhiều suy tư trăn trở về những đồng đội hy sinh, về cuộc sống mưu sinh hàng ngày của riêng mình. Tại các cuộc gặp mặt, ngoài niềm vui được gặp nhau tay bắt mặt mừng, các CCB chúng tôi đều có nỗi niềm chung đau đáu xót thương về nhiều đồng đội hy sinh còn chưa được quy tập. Thấm thoắt 50 năm đã trôi qua, chúng tôi nay đã là lớp người xưa nay hiếm, phần đông đã trên dưới tuổi 70, cộng với thương tật sức khỏe suy giảm, đi lại khó khăn, đặc biệt là một số đồng đội không có chế độ hoặc hưởng chế độ thấp. Nhưng trong mình vẫn luôn giữ vững bản chất anh bộ đội cụ Hồ, đặc biệt là chất thép của quân mũ sắt Hà Nội, luôn tìm tòi kinh nghiệm vươn lên làm kinh tế, làm giầu cho mình và giúp đỡ bạn đồng ngũ hoặc tham gia công tác xã hội phù hợp. Chúng tôi cũng đồng lòng với nhau rằng sẽ duy trì gặp mặt hàng năm, làm tốt công tác thăm hỏi động viên nhau lúc ốm đau, chia sẻ khi có chiến hữu không may quy tiên trước. Đồng thời tiếp tục thu thập, cung cấp thông tin góp phần quy tập đồng đội, bởi vì: “Tây Nguyên mưa nắng hai mùa/ Mưa rơi thành thác nắng lùa vàng cây/ Mậu Thân chiến đấu nơi này/ Còn bao đồng đội nằm đây chưa về/ Ngày nào chung một lời thề/ Chốn quê mong mỏi bộn bề tâm ai”.

Năm nay, đi cùng các CCB 209 về làng Phù Đổng có một nhân vật đặc biệt: Một CCB - thương binh Mỹ. Đó là Ronald J. Reddy, người từng sử dụng tiểu liên XM 16 - EL, súng phóng lựu M79 và cối 81mm Mortar trong cuộc chiến. Ronald là người - của - phía - bên - kia, kẻ tử thù một thời của những người lính mũ sắt Hà Nội. Đã bốn năm nay, Ronald nhiều lần quay trở lại Việt Nam, cũng lần hồi trở lại các chiến trường xưa như các CCB 209. Thậm chí, ông còn cùng các CCB 209 đi tìm hài cốt liệt sĩ lính mũ sắt Hà Nội tại Trường Sơn. Khi thấy Ronald, một thân nhân liệt sĩ hỏi tôi rằng: “Ông người Mỹ này gan nhỉ? Dám về tận làng Phù Đổng này cơ à?”. Tôi nghĩ, không hẳn vậy. Một cuộc chiến tranh có lẽ chỉ qua đi khi cả hai bên đều đồng tình rằng, nó đã qua đi, và một trong những biểu tượng cao cả là khi những người lính từng trực tiếp cầm súng chống lại nhau ngày nào giờ đây coi nhau như bằng hữu.

Nguyễn Huy Minh

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/tu-lang-phu-dong-toi-chin-tang-may-kon-tum-542588.ldo