Từ kỳ họp thứ 3, Quốc hội dự kiến nâng thời gian chất vấn lên 3 ngày

Chiều 19/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 2 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ 2 đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành khối lượng công việc lớn trong chương trình nghị sự, bao gồm công tác lập pháp, thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tối cao.

Đây cũng là kỳ họp tạo dấu ấn mạnh mẽ với cử tri bởi tính tranh luận, góp phần giúp các phiên họp sôi nổi và tập trung hơn. Kết quả kỳ họp đã thể hiện sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng đoàn Quốc hội và sự phối hợp chặt chẽ của toàn hệ thống chính trị; sự tham gia tích cực, chủ động, đóng góp ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, đặc biệt là sự bắt nhịp nhanh, hăng hái, thẳng thắn của đại biểu Quốc hội mới tham gia Quốc hội lần đầu trong các hoạt động của Quốc hội.

Bên cạnh đó, ông Phúc cũng nêu lên những hạn chế. Đó là, tiến độ và chất lượng chuẩn bị một số dự án luật, nghị quyết chưa được như mong muốn, còn thể hiện sự chủ quan của cơ quan soạn thảo.

Những vấn đề mới, nhạy cảm chưa có đánh giá toàn diện, khó thuyết phục đại biểu Quốc hội trong quá trình thảo luận, cho ý kiến. Việc tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của một số nội dung còn chậm, có nội dung không tiếp thu nhưng không được giải trình.

Nội dung trả lời chất vấn có lúc thiếu tập trung, né tránh, thiếu tính đối thoại, không xác định trách nhiệm cụ thể, chưa thỏa đáng và chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân và cử tri cả nước.

Thông tin về bước đầu chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, ông Phúc cho biết: Dự kiến kỳ họp thứ 3, Quốc hội làm việc 22,5 ngày, khai mạc vào ngày 22/5/2017.

“Qua tổng hợp ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội về đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn lên 3 đến 3,5 ngày để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép từ kỳ họp thứ 3 trở đi bố trí 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp”-ông Phúc cho hay.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Nguyễn Khắc Định, qua tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri nhận định Quốc hội đã chuyển từ thảo luận sang tranh luận, các ý kiến tranh luận rất thẳng thắn.

Việc Bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp giải trình Luật trước Quốc hội được cử tri đánh giá cao, nâng cao được trách nhiệm của các Bộ trưởng, trưởng ngành trong việc xây dựng Luật, do đó cần được tiếp tục phát huy tại các kỳ họp sau.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, Quốc hội đã đoàn kết đổi mới, dân chủ hành động, chuyển từ tham luận sang tranh luận, tạo được sự lan tỏa.

Tuy nhiên cử tri mong muốn cần có thời gian chất vấn cho thỏa đáng. Cho nên dự kiến tại kỳ họp thứ 3, thời gian chất vấn nâng từ 3-3,5 ngày là hợp lý vì đây là nội dung cử tri và nhân dân quan tâm. “Qua chất vấn và trả lời chất vấn có tác động rất lớn. Từ lời hứa của Thủ tướng, Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng, Quốc hội và nhân dân sẽ giám sát lời hứa”- ông Chiến bày tỏ.

Trong khi đó bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, trả lời chất vấn là trước toàn dân chứ không phải giữa đại biểu Quốc hội và Bộ trưởng. Cho nên vì yếu tố thời gian, những câu hỏi được trả lời bằng văn bản thì phải công khai phần trả lời để mọi người biết.

Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, từ kỳ họp thứ 3 nên tăng thời gian chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày. Vì 2,5 ngày là chưa thỏa mãn đại biểu Quốc hội. Những câu hỏi chất vấn được trả lời bằng văn bản thì phải công khai.

H.Vũ

Từ khóa

Quốc hội khóa XIV Nguyễn Hạnh Phúc Chất vấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/tu-ky-hop-thu-3-quoc-hoi-du-kien-nang-thoi-gian-chat-van-len-3-ngay/142216