Từ hương độc đến “hương xanh”

Khói nhang (hương) có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe do sử dụng các loại hóa chất để tạo mùi thơm. Trước tình hình đó, một nhóm sinh viên thuộc Trường đại học Tôn Đức Thắng đã có ý tưởng táo bạo về việc sản xuất một loại nhang ít độc hại hơn...

Theo chị Hiền, chủ cơ sở sản xuất và bán lẻ nhang (huyện Bình Chánh, HCM), mỗi ngày, cơ sở của chị tiêu thụ trung bình khoảng 20.000 cây nhang đủ loại từ trầm, nhang Bắc, nhang có mùi nước hoa cho đến nhang không mùi...

Khói nhang dễ gây độc

Nếu làm loại nhang có mùi nước hoa mà người miền Nam vẫn dùng thì lợi nhuận sẽ gấp 4 lần nhang trầm. Ngoài ra, chủ cơ sở này còn cho biết thêm thành phần để làm nhang bao gồm: bột mùn cưa, hoặc vỏ trấu, bột đá, hóa chất tạo mùi.Và để sản xuất loại nhang cuốn vòng thì chỉ cần nhúng tăm nhang vào axit lỏng.

Khói nhang dễ gây độc (Ảnh: Nguyễn Hữu)

Các chủ sạp nhang tại chợ Bình Tây, chợ Thiếc (TP. HCM) cho hay hầu hết nhang được lấy từ các cơ sở sản xuất trong nước và mỗi sạp đều lấy hàng từ các “mối ruột”. Khi được hỏi về nhang trầm là hương liệu tự nhiên hay từ hóa chất thì các chủ sạp này đều cam đoan là hương liệu tự nhiên.

Tuy nhiên, theo anh Lâm, thợ làm nhang ở Q8, TP.HCM, hầu hết các loại nhang trầm trên thị trường không phải sử dụng từ trầm thật, mà hương trầm cũng được sản xuất từ hóa chất với mỗi nồng độ khác nhau thì sẽ cho nhũng mùi trầm khác nhau. Các cơ sở làm nhang chỉ sản xuất nhang trầm từ tự nhiên khi có người đặt hàng bởi hương trầm thật có giá rất cao. Mỗi cơ sở sản xuất đến vài chục loại nhang khác nhau, tuy nhiên mùi thơm của nhang thì không có loại nào giống loại nào bởi bí quyết pha chế riêng và tạo ra các mùi khác biệt, phụ thuộc vào nồng độ hóa chất. Khi được hỏi về hiện tượng cay mắt khi đốt nhang thì anh Lâm cho rằng “Có thể người mới vào nghề chưa có kinh nghiệm pha chế hóa chất sẽ gây ra tình trạng trên”.

Theo PGS Hồ Sơn Lâm - Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Khó có thể biết được những loại hóa chất sử dụng trong nhang là loại nào, tên gì. Nhưng theo nguyên tắc hóa học, hóa chất trong nhang gặp nhiệt độ cao sẽ tạo khói có chứa độc và hít vào sẽ gây ung thư. Tuy nhiên, với liều lượng nào gây ra ung thư thì vẫn chưa được nghiên cứu ở Việt Nam. Vì vậy, người dân nên hạn chế thắp hương và chỉ nên thắp vào những ngày tuần tiết, giỗ chạp, và những dịp lễ tết.

...Đến ý tưởng sản xuất “nhang xanh”

Với mức sử dụng như hiện nay, ước tính trong năm 2020 ở TP.HCM sẽ đốt khoảng 5,54 tỷ cây nhang, khối lượng vàng mã sử dụng khoảng 637,7 tấn, số tiền phải chi trả cho việc mua vàng mã là gần 369 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, nhóm sinh viên năm Tư, Khoa Môi trường và Lao động, trường Đại học Tôn Đức Thắng đã chế tạo ra loại nhang thân thiện hơn với môi trường, không gây hại tới sức khỏe con người. Nhóm đã chọn ra một số nguyên liệu thay thế bột áo (thường làm từ mạt cưa, gỗ cây lồng mức) bằng vỏ trấu, xơ dừa, vỏ quả óc chó.

Đặc biệt là quả óc chó, bởi hiện vỏ quả này được thải bỏ sau khi lấy hạt sản xuất thức ăn khô tương tự như hạt điều; phần vỏ còn lại được sử dụng làm chất đốt cho các lò đốt như lò hơi, lò sấy. Các công ty thuộc Tổng công ty DONAFOOD ở Đồng Nai mỗi năm đang thải bỏ lượng vỏ quả này rất lớn. Vì vậy việc lấy vỏ quả này làm nguyên liệu cho làm nhang sẽ làm giảm lượng chất thải rắn cho môi trường. Thêm vào đó, giá vỏ quả óc chó chỉ có 1.500đ/kg, rẻ hơn nhiều so với vỏ bột áo dùng để làm nhang như hiện nay (7.000đ/kg).

” Nếu cùng đem đốt 10g thì loại nhang làm từ vỏ quả óc chó thải ra lượng chất thải là 0,168g, còn loại nhang thường sẽ thải ra 0,253g”, Nguyễn Hàn Dũng - trưởng nhóm nghiên cứu cho biết. Hơn nữa, loại nhang xanh này không có mùi, và có kích thước chỉ bằng một nửa cây nhang thường. Như vậy, sẽ giảm 11,8% luợng khí CO2, 66% lượng khí benzen và 40% lượng khí toluen so với nhang thường (benzen và toluen những chất có thể gây ung thư khi đốt nhang). Các thông số về khí thải đã được Viện Môi trường đo đạc.

Loại nhang này được nhóm nghiên cứu đặt tên là “Hương Xanh”. “Hương Xanh” đang trong quá trình được nhóm nghiên cứu cải tiến, hoàn thiện để đưa vào thực tế.

Nguồn Đất Việt: http://khoahoc.baodatviet.vn/home/khcn/kh24/tu-huong-doc-den-huong-xanh/201112/182082.datviet