Tự hào nhưng không ngạc nhiên

(PL&XH) - Được tin Nguyễn Ly Hương đoạt giải nhất cuộc thi sáo flute quốc tế tổ chức ở Trung Quốc tháng 10 vừa qua, các giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội tự hào về cô sinh viên tài năng, nhưng không mấy ngạc nhiên.

Năng khiếu, niềm đam mê tập luyện của Ly Hương đã nổi tiếng trong khoa từ nhiều năm nay. Những người thầy, đặc biệt là giảng viên Nguyễn Trung Thành tỏ ra không ngạc nhiên trước thành tích của cô học trò. Nhưng nhìn vào chiến thắng trong cuộc thi vừa diễn ra của Ly Hương, công chúng vừa nể phục vừa tự hào về cô gái trẻ Việt Nam của mình.

17 thành viên trong BGK là giáo sư, nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc. Ly Hương cùng 78 thí sinh tài năng nước ngoài bước vào hai vòng thi. Sau tiếng sáo vòng đầu, thí sinh của Việt Nam đã được BGK đánh giá là xuất sắc. Ngoài việc nắm vững kỹ thuật, tiếng sáo của Ly Hương đẹp, xử lý tác phẩm phong phú, có bản sắc, đặc biệt truyền cảm. Ly Hương là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải nhất cuộc thi sáo quốc tế.

Đứng trước các đối thủ thi tài, thoạt đầu Ly Hương bối rối, bởi họ là những nghệ sĩ danh tiếng, là giảng viên, nghệ sĩ độc tấu, những cây sáo đầu bè của dàn nhạc lớn. Họ sử dụng những cây sáo đắt giá. Thông thường các thí sinh được báo trước một năm, ít là 4, 5 tháng để chuẩn bị. Ly Hương chỉ được tin trước đó đúng… 3 tuần lễ. Nhớ lại những ngày miệt mài luyện sáo cho cuộc thi, Ly Hương kể chuyện thật vui:

-Trong 3 tuần lễ, mỗi ngày Ly Hương tập không dưới 10 tiếng. Gian nan nhất trong các tác phẩm tham gia dự thi là 3 chương concerto của Mozart. Chỉ nghĩ đến số lượng đồ sộ những tác phẩm phải luyện tập, cũng đủ ngợp. Để luyện tập 1 chương của Mozart thôi, cũng mất trọn một học kỳ. Vậy mà 3 tuần em phải trình bày 3 chương cùng những tác phẩm khác. Em chưa nghĩ nhiều đến giải, mà đây là dịp tốt để em nhận biết mình, được những người giàu kinh nghiệm thẩm định và để học hỏi tài nghệ của những bạn thí sinh khác.

Tuần đầu Ly Hương tập đến nỗi những ngón tay sưng tấy, phải ngâm nước ấm. Bố mẹ chăm cho Ly Hương chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hàng ngày. Có những đêm mẹ Ly Hương còn rón rén ở ngoài cửa để nhắc nhở cô con gái ngủ đúng giờ. Không chỉ học thổi sáo, Ly Hương còn nghiên cứu kỹ tác giả của bản nhạc. Lịch sử, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, cảm xúc riêng tư… Ly Hương hiểu tác giả, hiểu tác phẩm và giúp tiếng sáo tinh tế, truyền cảm. Có lẽ yếu tố này đã khiến Ly Hương vượt lên trên 78 thí sinh nổi tiếng, giàu kinh nghiệm hơn rất nhiều để về nhất. Nói về thành công trong cuộc thi, Ly Hương tâm sự:

- Được đứng đầu trong một cuộc thi diễn ra chưa đầy một tuần, mừng lắm chứ. Nhưng đoạt giải nhất không đồng nghĩa với giỏi nhất, hay nhất, có tài nhất. Em thực sự thấy nhiều thí sinh Trung Quốc tài năng và kinh nghiệm. Nhưng sau cuộc thi em cảm thấy tự tin hơn, càng đam mê hơn với âm thanh tiếng sáo của mình.

Ly Hương hiện là sinh viên năm thứ 4 Học viện Âm nhạc quốc gia, chuyên sáo flute, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên Nguyễn Trung Thành. Cô đã nhận được lời mời của các Học viện Âm nhạc Bắc Kinh, Thượng Hải, nhưng cô sinh viên trẻ Việt Nam muốn tốt nghiệp ĐH trong nước. Và sau đó, có thể cô sẽ học thêm để có bằng thạc sĩ. Còn xa hơn nữa, Ly Hương chưa nghĩ tới.

Nguyên Phước

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2013122811095371p1043c1055/tu-hao-nhung-khong-ngac-nhien.htm