Tự giác và giám sát tặng quà Tết

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Ngay trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, tôi đề nghị tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao phong bì. Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng đồng chí thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nhân dân hết sức hoan nghênh chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến nghi ngại rằng, nạn quà cáp, biếu xén quan chức về bản chất là sự hối lộ sẽ được ngụy trang hoặc đi vào “hoạt động bí mật”, đi Tết sớm để tránh sự soi mói.

Để chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt được kết quả, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu giải pháp: “Chúng tôi cũng mong muốn báo chí, nhân dân giám sát và phản ánh việc thực hiện chỉ đạo trên ở tất cả các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương. Những đơn vị, cá nhân nào không thực hiện sẽ bị nhắc nhở, xử lý”.

Tiên phong thực hiện chỉ đạo này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, Văn phòng Chính phủ sẽ không mở cửa, không tiếp lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp đến chúc Tết bởi lý do: Mọi việc bây giờ đều giải quyết qua thủ tục hành chính, qua hệ thống điện tử, thông tin liên lạc thì không có cớ gì để đến gặp gỡ, trao đổi… Không được lợi dụng gặp gỡ trao đổi để chúc Tết, biếu xén. Thời gian đó hãy để chăm lo, chúc Tết nhân dân.

Rất mừng là chỉ đạo của Thủ tướng sẽ được cụ thể hóa bằng văn bản và đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, sẽ gửi cho tất cả các địa phương để làm căn cứ thực hiện. Toàn dân tham gia giám sát, đặc biệt là báo giới sẽ tích cực vào cuộc. Những giải pháp trên là một trong nhiều bước theo lộ trình Đảng, Chính phủ và nhân dân đang gắng sức xây dựng bộ máy liêm chính.

Vậy nhưng, suy cho cùng, để có được bộ máy liêm chính thì mỗi con người phải đạt được sự liêm khiết để vận hành bộ máy. Các ý kiến chỉ đạo, giải pháp từ Thủ tướng đến Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu trên đang tập trung vào vai trò của giám sát. Có điều, yếu tố quyết định cuối cùng để đạt được mục tiêu liêm chính trong bộ máy lại là yếu tố tự giác của mỗi thành viên.

Nhiều năm nay, cộng đồng doanh nghiệp với bộ máy hành chính vẫn thường diễn ra tình trạng chọn thời điểm Tết để “phân phối lại những thứ phi lợi nhuận”… Đó là lý do nhiều người dân ở xung quanh khu nhà riêng của các lãnh đạo cảm thấy chạnh lòng hoặc bức xúc vì kể từ sau rằm tháng Chạp đủ các loại xe từ nhiều nơi đến xếp hàng chờ đến lượt được… “vào chầu”.

Sẽ là một hành vi hối lộ được hoàn thành khi bên tặng quà, biếu quà được đối tác đón nhận món quà có giá trị nhằm trả ơn, hoặc thực chất đó là sự chia chác phi vụ làm ăn, “mua bán”… Để hành vi hối lộ không xảy ra, thì cả hai đối tượng trên phải tự giác. Nếu một trong hai không tự giác, thì đối tượng còn lại sẽ tiếp tục “tấn công” bằng mọi cách và nguy cơ “sa ngã” cũng là điều không khó. Do vậy, để đạt được mục tiêu Thủ tướng và Chính phủ đang quyết tâm thực hiện dẹp nạn quà cáp biếu xén quan chức trong dịp Tết thì từ mỗi người dân đến cán bộ các cấp phải thấm nhuần chủ trương, phải hoàn toàn tự giác thực hiện với những điều suy nghĩ rất cụ thể nhưng sẽ là rất hiệu quả: Mình sẽ không chúc Tết các sếp bằng quà cáp. Các sếp sẽ không có lý do gì để trách mình bởi cả đôi bên đang thực hiện chung công việc chống tham nhũng trong dịp Tết.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/tu-giac-va-giam-sat-tang-qua-tet_t114c67n112705