Tự 'đày mình', đưa sách về nông thôn

Một mình đi bộ xuyên Việt hơn 2.700km, anh Nguyễn Quang Thạch (quê ở Hà Tĩnh) vẫn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc vì mỗi bước chân luôn có sự đồng hành của những người đồng cảm, chung sức xây dựng tủ sách cho các em nhỏ ở làng quê xa xôi.

Cuộc “hành xác xin sách” vì chương trình “Sách hóa nông thôn” của anh đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.

“Sách hóa nông thôn” là phong trào do anh Nguyễn Quang Thạch ấp ủ 20 năm trời nhằm xây dựng văn hóa đọc ở nông thôn Việt Nam, giúp trẻ em nơi đây có cơ hội đọc sách như trẻ em ở đô thị lớn. Bởi sách hoặc thư viện với hầu hết trẻ em nông thôn vẫn là một điều gì đó xa xỉ.

Anh Nguyễn Quang Thạch (ngoài cùng, bên trái) tại buổi bán đấu giá bộ lịch “Gà dạ xướng” gây quỹ cho chương trình “Sách hóa nông thôn”.

Anh Nguyễn Quang Thạch (ngoài cùng, bên trái) tại buổi bán đấu giá bộ lịch “Gà dạ xướng” gây quỹ cho chương trình “Sách hóa nông thôn”.

Năm 2015, anh Thạch thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt nhằm cổ vũ cộng đồng chung tay góp sức làm nên “cuộc cách mạng thư viện” ở các làng quê, xóm chài…

“Tính đến tháng 7-2016, đã có hơn 100 nghìn thành viên trong và ngoài nước đồng hành cùng chương trình. Chúng tôi xây dựng được hơn 10 nghìn tủ sách ở 27 tỉnh, thành...” – anh hồ hởi cho biết.

Sách về làng, nhiều em học sinh nhờ đó mà bước đến những chân trời mới mẻ, thu thập thêm kiến thức bổ ích giúp việc học tập thêm tiến bộ. Bác nông dân hiểu về kỹ thuật nuôi trồng, thuộc thêm áng thơ, câu văn, biết chuyện Đông chuyện Tây… mà răn dạy con cháu.

Chính đóng góp thiết thực trên, đầu tháng 9-2016, Nguyễn Quang Thạch vinh dự trở thành người Việt Nam đầu tiên nhận giải “Vua Sejong” về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 – một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.

Có mặt tại TP Hồ Chí Minh vào chiều 1-10 để tham dự buổi công bố dự án “Lịch khuyến đọc” của Công ty Lịch xuân Phương Nam đồng hành cùng chương trình “Sách hóa nông thôn”, Nguyễn Quang Thạch không giấu được niềm vui.

Vì như anh chia sẻ, có sách là một chuyện nhưng trẻ có chịu đọc không lại là chuyện khác. Do đó, việc gợi cảm hứng để các em thích thú cầm cuốn sách, say mê với con chữ là điều rất quan trọng.

Dự án “Lịch khuyến đọc” là hành động ý nghĩa khuyến khích thiếu nhi ham mê đọc sách bằng những hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu trên lịch. Dự án này ra đời còn nhằm gây quỹ xây dựng thêm nhiều tủ sách cho chương trình “Sách hóa nông thôn”.

Đi bộ nhiều, dầm mưa dãi nắng ngày này qua tháng khác nên sức khỏe của anh Nguyễn Quang Thạch phần nào giảm sút, cơn đau cột sống nặng dần.

Thế nhưng anh vẫn mỉm cười khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Nếu phải ngồi xe lăn để đi vận động mọi người thì tôi cũng sẵn sàng. Miễn sao ngày càng có nhiều tủ sách và nhiều trẻ em, người dân nông thôn được đọc sách, tiếp cận tri thức”.

Quỳnh Nga

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/tu-day-minh-dua-sach-ve-nong-thon-410789/