Từ cú 'chao đảo' của thị trường phiên 9/8 đến sản phẩm mới phái sinh

Tình cờ nhưng đầy ý nghĩa, thị trường chứng khoán phái sinh đã chính thức ra đời vào ngày 10/8, sau ngày rực lửa của thị trường cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của một công cụ bảo vệ mới.

Chứng khoán phái sinh: Thêm công cụ mới để hạn chế thua lỗ

Ngày 10/08/2017 đánh dấu một bước phát triển mới của thị trường chứng khoán Việt Nam khi lần đầu tiên Việt Nam có thị trường chứng khoán phái sinh. Sự ra đời này vừa mang lại cơ hội đầu tư và cũng mang lại công cụ phòng ngừa rủi ro khi thị trường cơ sở có diễn biến không thuận lợi.

Như một điều tình cờ, phiên giao dịch liền trước – ngày 9/8, thị trường chứng khoán đã trải qua một phiên giao dịch chao đảo với lực bán ra tăng mạnh sau khi có tin tức tiêu cực lan truyền. Với tin đồn xuất phát từ ngành ngân hàng, tất cả các cổ phiếu ngân hàng đồng loạt lao dốc. BID giảm sàn và không còn lệnh mua, CTG, MBB và STB giảm trên 3%. Các cổ phiếu còn lại đều giảm trên 1%, ngoại trừ EIB -0,8%. Khối ngoại cũng mất kiên nhẫn và bán ròng -23,23 tỷ sau chuỗi 9 phiên mua ròng liên tiếp, trong đó VNM lại là cố phiếu bị bán ròng nhiều nhất, -59,6 tỷ đồng.

>> Phiên “rực lửa” 09/8, vốn hóa thị trường bay gần 2 tỷ USD

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), đợt điều chỉnh này dù diễn ra như thế nào, các nhà đầu tư cũng đã có một công cụ bảo vệ hoàn toàn mới nhằm hạn chế thua lỗ. Nhờ đó tâm lý thị trường sẽ ổn định hơn.

Thị trường chứng khoán phái sinh ra đời cũng sẽ mang đến cho nhóm các công ty chứng khoán lớn cơ hội để gia tăng lợi nhuận và góp phần thúc đẩy lợi nhuận chung của toàn thị trường.

Vì những lẽ này, khai trương TTPS vào ngày 10/8/2017 là một sự tình cờ đầy ý nghĩa để cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của TTPS tại Việt Nam”, ông Linh nhận định. Sự ra đời này cũng đánh dấu cho bước phát triển mới của TTCK Việt Nam nói chung, có tác động tốt đến cách nhìn nhận của NĐTNN và các tổ chức xếp hạng.

Ở những khía cạnh đó, đợt điều chỉnh lần này rõ ràng mang đến cơ hội hơn là rủi ro cho thị trường.

Lặp lại đợt hồi phục mạnh trong tháng 8 này?

Nhận định về thị trường phiên chao đảo ngày hôm qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi Lễ khai trương Thị trường Chứng khoán phái sinh Việt Nam cho biết đã rất băn khoăn khi các cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc rất mạnh, chỉ vì tin đồn thất thiệt mà TTCK đã mất 2 tỷ USD. “Tôi mong rằng các nhà đầu tư và doanh nghiệp tin vào chúng tôi”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, trong lúc số đông còn hoài nghi, nhà đầu tư khôn ngoan nên nhìn vào những điểm mấu chốt ảnh hưởng đến xu hướng. Đó là nền tảng cơ bản.

Tại sự kiện lần này, sự thận trọng xen lẫn hoài nghi của toàn thị trường rất khác so với trường hợp xảy ra ở Sacombank cách đây không lâu bởi xét về quy mô và mức độ ảnh hưởng tới nền kinh tế, BID rõ ràng lớn hơn STB rất nhiều.

Khi tập trung vào điểm này, thị trường đã không còn tính đến yếu tố “quá khứ” của những sự kiện đã xảy ra và cũng quên đi hàng loạt những câu chuyện vốn đã hâm nóng cho ngành ngân hàng suốt từ đầu năm, ông Linh cho hay.

Ngoài ra, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến chỉ số là tâm lý chốt lời. “Chỉ mới đầu tuần, VNIndex đã tạo đỉnh cao mới trên 790 điểm và đương nhiên ở mức điểm này áp lực chốt lời cũng rất cao”, ông Linh nhận định.

Khi các vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng chưa thực sự rõ ràng, tâm lý thị trường sẽ vẫn còn nhiều hoài nghi. Nhưng bù lại, có thể thấy rõ hai nền tảng cơ bản.

Đầu tiên, tăng trưởng thật của kinh tế Việt nam (nếu loại trừ ngành khai khoáng) 2017 là 7%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây dù số liệu tăng trưởng GDP tổng thể có thể gây thất vọng. Nhiều ngành tăng trưởng cao có đại diện trên sàn chứng khoán như sản xuất kim loại, hóa chất, logistic và đặc biệt là ngành ngân hàng. Tăng trưởng của nhóm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm trong 6 tháng đầu năm là 7,7%, cũng là mức cao nhất nhiều năm.

Tăng trưởng GDP Dịch vụ 6 tháng các năm

Nguồn: TCTK

Cùng đó, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy kết quả khả quan với 612/678 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh 6T2017. Trong nhóm VN30 đã có tới 29 doanh nghiệp báo lãi và tổng lợi nhuận của nhóm tăng 23,4%, mức cao nhất 3 năm.

Ngoài hai yếu tố cơ bản này, theo ông Linh, một yếu tố quan trọng khác vốn có ảnh hưởng tích cực tới xu hướng của TTCK kể từ năm 2016 đó là lãi suất vẫn đang ở trạng thái tốt, mức thấp nhất nhiều năm. Lãi suất thấp một mặt giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, một mặt giúp TTCK thu hút được luồng tiền lớn từ tiết kiệm trong dân cư.

Hiện tại, tỷ lệ vốn hóa TTCK so với tổng tiết kiệm của Việt Nam mới gần 30%, trong khi con số của các nước trong khu vực đều trên 100% cho thấy dư địa để thu hút vốn cho TTCK vẫn còn rất lớn.

Nguồn vốn còn có thể chảy đến từ khối ngoại và theo ông Linh xu hướng chung của NĐTNN trong nửa cuối năm vẫn sẽ là mua ròng.

Nguyên nhân là bởi giới đầu tư quốc tế có xu hướng tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các tài sản rủi ro hơn, trong đó có cổ phiếu ở các thị trường mới nổi do NHTW các nước phát triển đang đẩy xa khả năng nâng lãi suất. Cùng đó, hàng hóa trên sàn sắp tới cũng sẽ bổ sung thêm doanh nghiệp lớn như PV Power, VEAM.

7 tháng đầu năm, đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt nam đã đạt 3,1 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2016. Chính nhờ dòng vốn FII lớn mà thị trường tiền tệ bao gồm lãi suất và tỷ giá đã được giữ ổn định và sự ổn định này chắc chắn sẽ còn kéo dài cho đến ít nhất cuối quý 3.

“Khi những biến động ngắn hạn bởi yếu tố tâm lý qua đi, phần đông NĐT sẽ bình tĩnh hơn và bắt đầu nhìn thấy rõ hơn những tín hiệu tích cực này”.

Ông Linh cũng nhận định nếu so với những biến cố vào năm 2012, 2014 hay 2015, sự kiện lần này xảy ra khi sức khỏe nội tại của nền kinh tế và doanh nghiệp đã vững hơn nhiều. Và nếu như những đợt điều chỉnh sâu trong các năm đó đều đi liền theo là những đợt hồi phục mạnh thì rất có thể điều này sẽ lặp lại trong tháng 8 năm nay.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/tu-cu-chao-dao-cua-thi-truong-phien-9-8-den-san-pham-moi-phai-sinh-20170810114037962p4c146.news