Từ chuyện xe buýt nhanh ở Bangkok sắp khai tử, thấy mà lo cho Hà Nội

​Có lẽ còn sớm và hơi "lo xa" khi nói về chuyện xe buýt nhanh (BRT) của Hà Nội. Chúng ta cũng mới chính thức thu tiền vé khách đi xe chưa được bao lâu sau cả tháng thử nghiệm không bán vé nhằm động viên, khuyến khích người dân sử dụng BRT lâu dài. Song, trước thực tế mà báo chí hôm 20.2 vừa đưa có liên quan đến chuyện xe buýt nhanh tương tự ở Bangkok, tôi thấy không yên tâm, thậm chí là hơi lo lắng cho số phận của BRT đang hiện diện tại Hà Nội.

Theo báo điện tử Dân Việt: Vào năm 2011, chính quyền thành phố Bangkok triển khai một tuyến xe buýt BRT trên đường Sathorn, một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất ở thành phố có tới hơn 10 triệu dân này. Giá vé trên cả tuyến chỉ có 5 baht (khoảng 4.000 đồng). Đây là một mức giá rất rẻ so với các phương tiện giao thông công cộng ở Bangkok. Thế nhưng việc đầu tư BRT tại Bangkok đã không mang lại hiệu quả như chính quyền thành phố mong muốn, dù tuyến này chỉ dài có 3,5km.

Mục đích chính của tuyến BRT này là để phục vụ người dân đi lại giữa các điểm của tàu điện trên cao. Người già, trẻ em và người tàn tật lại còn được hỗ trợ giá vé, nhưng không mấy ai sử dụng dịch vụ này. BRT ở Bangkok không thuận lợi trong sử dụng và hiện dùng riêng một làn đường (có dải phân cách như Hà Nội ta vừa thêm) khiến người dân có ác cảm với tuyến xe này. Chính những người lập ra dự án BRT cách đây vài năm cũng đã thừa nhận sai lầm của dự án này. Được biết, họ sẽ chấm dứt việc hoạt động của nó trong tháng 6 tới.

Với chặng đường chỉ có 3,5km, được biết Bangkok đã đầu tư và chi tới trên 57 triệu USD trong suốt thời gian hoạt động của BRT. Theo họ thì việc này gây ra lãng phí vì nó chỉ phục vụ có 25.000 lượt khách/ngày, một con số rất nhỏ so với tàu điện trên cao và xe buýt truyền thống ở Bangkok. Dự án đang chịu thua lỗ, khiến ngân quỹ mỗi năm phải gánh tới 200 triệu baht (130 tỉ đồng). Người dân cũng không mấy hứng thú với BRT vì nó chiếm quá nhiều không gian di chuyển của phương tiện khác...

Tôi không rõ Hà Nội chúng ta đã chi bao nhiêu cho 1km đường và sau này, kinh phí hỗ trợ mỗi năm mang tính công ích là thế nào và 1 tháng sẽ có bao nhiêu người đi? Nhưng có lẽ cũng không lớn bằng họ cho dù mỗi nhà chờ ở Hà Nội cũng từng ngốn số tiền không hề nhỏ. Và điều này từng tốn nhiều giấy mực của báo chí...

Tôi cho rằng, không thể có một giải pháp nào có lợi và ưu việt cho tất cả mọi người tham gia giao thông ở Hà Nội nói riêng, các thành phố khác nói chung khi nạn tắc đường đang ở mức báo động nghiêm trọng. Thời gian để kiểm chứng, đánh giá tính hiệu quả của phương tiện công cộng này cũng đang có những quan điểm trái chiều. Người tham gia sử dụng thì hầu như là khen nhiều, đặc biệt với những ai đi làm, đi học... lại thuận lợi cả chỗ lên xe lẫn nơi xuống xe.

Trước áp lực của dư luận cho rằng thành phố Hà Nội đã dành 1/3 làn đường hiện có ở một số tuyến đường cho xe BRT là hơi "hào phóng" khi mà lượng người còn lại không đi xe buýt sẽ bị dồn và ùn ứ bởi vì chỉ còn 2/3 diện tích còn lại cho ô tô, xe máy. Trong khi đó, số lượng xe buýt đi trên tuyến chưa dày nên có vẻ phí phạm (!?). Điều này theo tôi là có cơ sở và việc gây nên ùn tắc vào giờ cao điểm cũng không có gì ngạc nhiên. Nó không khác gì chuyện 1 tuyến đường đang có 3 triệu người đi trên 3 làn đường, nay lượng người cũng gần như vậy mà lại chỉ được phép đi trên 2 làn đường, làm sao mà không tắc thêm!

Để tạo được sự hấp dẫn cho người chưa sử dụng BRT, tôi nghĩ chúng ta cần dứt khoát dành làn đường này cho BRT, ai chen vào đường này đều phải chịu hình phạt bằng tiền thật nặng. Phải làm sao ưu tiên tuyệt đối cho BRT để giúp nó chạy nhanh nhất có thể. Chất lượng xe phải bảo đảm và cần cả việc rút ngắn khoảng cách giữa các chuyến hơn nữa. Từ đó, lượng người đi BRT sẽ dần dần tăng lên vì thấy sự tiện lợi khi đi BRT so với xe máy, ô tô.

Đành rằng hiện tượng tắc đường vì BRT sẽ tiếp tục là chuyện hiện hữu, không thể tránh. Song, vì việc này còn đang là giai đoạn mới, không lẽ chúng ta đầu hàng sớm dù rất khó khăn! Bên cạnh đó, nếu Hà Nội có lộ trình hạn chế xe máy, ô tô vào một số tuyến đường tiến tới xóa dần mà được HĐND thành phố thông qua sắp tới đây, thì có thể đó cũng là một hình thức buộc người tham gia giao thông phải tính toán, cân nhắc hình thức thay thế trong đó có BRT hoặc cuối năm sẽ có thêm đường sắt trên cao. Tuy nhiên, về phía chính quyền, cần tính toán, đi trước một bước để tăng tần suất xe BRT dày đặc hơn nữa thì mới đáp ứng được nhu cầu của người dân và cũng là tăng hiệu suất sử dụng đường riêng nói trên, nếu không sẽ hết sức lãng phí. Chỉ có vậy, hệ thống xe buýt nhanh ở Hà Nội mới hy vọng tránh được sự "khai tử" sớm như ở Bangkok.

Quốc Phong

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/tu-chuyen-xe-buyt-nhanh-o-bangkok-sap-khai-tu-thay-ma-lo-cho-ha-noi-57081.html