Từ chuyện nữ giáo viên bị điều động, đến nỗi băn khoăn của Phó Thủ tướng

Câu chuyện các nữ giáo viên bị điều động làm tiếp tân ở một cuộc thi cuộc thi liên hoan tiếng hát ví dặm, đã được đưa đến Hội trường Diên Hồng để chất vấn người đứng đầu ngành Giáo dục. Câu chuyện nóng đến mức Phó Thủ tướng cũng đã phải lên tiếng.

Thời gian gần đây, dư luận đã rất bức xúc khi một tờ báo mạng đưa tin một số cô giáo ở thị xã Hà Tĩnh bị điều động đến làm tiếp tân cho một cuộc thi liên hoan tiếng hát ví dặm, sau đó phải đi tiếp khách trong các buổi tiệc tùng ở các nhà hàng, karaoke. Khi rượu vào, nhiều vị khách đã có hành vi không đúng mực với các cô giáo. Câu chuyện này đã khiến nhiều giáo viên bức xúc vì danh dự nhân phẩm bị xúc phạm, giá trị đạo đức nghề nghiệp bị tổn thương.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, ĐB Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội) hỏi: Nhiệm vụ của thầy cô là đứng trên bục giảng, việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh huy động hàng chục giáo viên nữ đi tiếp khách trong các hoạt động không liên quan đến trách nhiệm của họ và đã bị dư luận lên án mạnh mẽ trong những ngày qua. Nhưng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh cho rằng Sở không có thẩm quyền quản lý, xử lý. Vậy vin vào sự phân cấp quản lý như vậy của ngành Giáo dục địa phương đã làm hết trách nhiệm đối với giáo viên chưa, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên ban hành chỉ thị để giúp chấm dứt hiện tượng phi giáo dục, giáo viên phải đi làm tiếp viên như thế này hay không ?

Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đây là vấn đề có thật. Ông nói: “Tôi cũng đã có ý kiến và khi nhận được thông tin này thì tôi trao đổi với đồng chí Chủ tịch và chúng tôi cũng có công văn với trách nhiệm của Bộ, đánh giá cao đồng chí Chủ tịch kịp thời có công văn yêu cầu thị xã Hồng Lĩnh. Các ông Chủ tịch thị xã và Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phải báo cáo. Bởi vì ở đây không phải chỉ là một trường hợp của thị xã Hồng Lĩnh mà trong thực tế cũng có nhiều nơi mà cán bộ địa phương cũng vì vui vẻ đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo. Cho nên, đây là một chuẩn chung cho tất cả mọi người các vùng miền với nhau.’

Bộ trưởng cũng cho biết còn nhiều vấn đề Bộ đang khảo sát để khi đưa ra một chính sách thận trọng tránh trường hợp quy kết nóng vội làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo.

“Đây là một hoạt động rất đáng tiếc. Chúng tôi nghĩ rằng cần rút kinh nghiệm vì để xã hội phải nóng lên về vấn đề này thì rõ ràng là không được. Linh hoạt nhưng phải trong chừng mực chứ còn linh hoạt mà để xã hội nóng lên như thế là không được và trong trường hợp này tôi cũng nhận trách nhiệm, là người đứng đầu ngành bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các thầy cô, chúng tôi rút kinh nghiệm để chủ động chứ không phải bị động khi có hiện tượng báo chí phản ảnh thì mới có ý kiến. Chúng tôi sẽ chủ động làm việc với các đồng chí lãnh địa phương và các sở để có những biện pháp nhẹ nhàng, nhưng hiệu quả.” – Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm.

Sau câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐB Phạm Thị Minh Hiền - Phú Yên, đã tỏ ý đồng tình với sự nhận trách nhiệm của Bộ trưởng. Tuy nhiên, bà cho rằng không đồng thuận lắm với cách dùng từ của một đại biểu ở Hà Nội là điều động các cô giáo làm tiếp viên.

“Như vậy là rất nặng và rất tổn thương đối với các cô” – bà nói.

Tranh luận lại với việc dùng từ “vui vẻ thôi” của Bộ trưởng, ĐB hỏi “Với góc độ cùng giới, đặc biệt tôi là một nữ đại biểu, tôi không biết Bộ trưởng có đau lòng hay không nhưng sau những sự việc như vậy tôi thấy thực sự đau lòng. Tôi tin rằng, với đặc thù của ngành giáo dục và Bộ trưởng sẽ là một nhân sự có vai trò về chỉ đạo, định hướng vì sự tiến bộ của phụ nữ của ngành, tôi chắc chắn rằng Bộ trưởng sẽ đứng ở một vị thế khác, một tâm thế khác để Bộ trưởng nhận định, từ đó Bộ trưởng sẽ có những giải pháp tiếp theo để bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành giáo, bảo vệ danh dự, bảo vệ uy tín của đội ngũ giáo viên.”

Kết thúc phần trả lời chất vấn liên quan đến công tác giáo dục, thay mặc Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có ký kiến. Theo ông Vũ Đức Đam, gần đây, tình trạng một vài cơ quan khi đến dịp lễ hay có sự kiện thì có hiện tượng yêu cầu cán bộ nữ đứng ra tiếp tân, tiếp khách, chứ không chỉ là uống rượu. Theo Phó Thủ tướng: "Điều này là không cần thiết và nên chấn chỉnh, có thái độ cương quyết để không có những biểu hiện tương tự",.

Trước đó, sau giờ nghỉ trưa, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã trở lại vụ việc này để mong được các đại biểu thông cảm với lý do "diễn đạt chưa rõ ý". Vị trưởng ngành Giáo dục nói: "Khi trao đổi với địa phương thì họ viện dẫn lý do việc điều giáo viên nữ đi tiếp khách cho vui vẻ chứ không có ý nói việc này là vui vẻ. Quan điểm của tôi là việc này không được, không phù hợp", Bộ trưởng nhắc lại.

Nhật Thanh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/tu-chuyen-nu-giao-vien-bi-dieu-dong-den-noi-ban-khoan-cua-pho-thu-tuong-305545.html