Tự chủ - Xu thế tất yếu trong giáo dục đại học

GD&TĐ - Khởi đầu từ năm 2003 với 4 trường ĐH đầu tiên trên cả nước được giao thực hiện tự chủ về tài chính, đến nay đã có 15 trường được giao thí điểm cách làm này.

Tự chủ, đổi mới cơ chế tài chính được giao cho các trường nhằm mục đích để các trường thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Việc thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ về tài chính được giao cho 14 trường công lập và mới đây có thêm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã cho thấy những kết quả ban đầu, tuy vẫn cần có những đổi mới mạnh mẽ để đạt được hiệu quả hơn nữa.

Lợi và thế khi tự chủ

Giáo dục đại học (GD ĐH) Việt Nam đang trong giai đoạn cần có sự bứt phá mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước, hội nhập khu vực và thế giới.

Để thực hiện điều đó, vấn đề tài chính là một trong những điều kiện rất quan trọng, có nguồn lực tài chính thì các trường mới có cơ sở vật chất tốt hơn để đáp ứng các yêu cầu đào tạo.

Thêm nữa, có được nguồn lực tài chính thì các trường mới có thêm năng lực tự chủ như sử dụng nhân lực, đổi mới chương trình, mở ngành, liên kết đào tạo... cũng như các hoạt động chuyên môn khác để trường phát triển tốt hơn.

Thực tế cho thấy ở Việt Nam hiện nay, các trường ĐH công lập đang hoạt động phụ thuộc vào 3 nguồn thu chính là từ ngân sách Nhà nước, học phí, nghiên cứu khoa học và số ít tài trợ.

Để tạo điều kiện cho các trường phát triển, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều đổi mới cơ chế quản lý tài chính để phù hợp với yêu cầu phát triển của các nhà trường.

Như Nghị quyết số 35/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội khóa XII; Nghị định số 49/2009/NĐ-CP… Đặc biệt, là Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14/2/2015 về cơ chế tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập ban hành được đánh giá là có những bước đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập cũng như các đơn vị GD ĐH công lập.

Có thể nói, việc ban hành nhiều chính sách tài chính liên quan tới đổi mới cơ chế tài chính trong GD ĐH đã và đang đã tạo cơ hội cho các nhà trường nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong quản lý tài chính và tài sản, sử dụng ngân sách Nhà nước hợp lý và hiệu quả hơn.

Cùng với đó, tự chủ tài chính cũng là động lực thúc đẩy để các trường đa dạng hóa các hoạt động sự nghiệp và nâng cao chất lượng dịch vụ để tăng thêm nguồn thu, huy động tối đa và hiệu quả nguồn vốn để đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị từ các hoạt động hợp tác liên doanh, liên kết.

Tự chủ tài chính giúp các trường từng bước giảm dần sự bao cấp của Nhà nước, nhưng lại nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu hội nhập ngày càng cao.

Hướng đến phát triển mạnh mẽ

Trong Hội nghị mới đây về Tự chủ ĐH được tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã cho biết: Chính phủ đã nhìn thấy vấn đề này từ rất lâu, khi đó phải có một quyết tâm rất lớn để đưa ra quyết định cấp cho Đại học Quốc gia Hà Nội con dấu với Quốc huy (cơ quan trực thuộc Chính phủ – NV), để trường này thực hiện quyền tự chủ toàn diện.

Và thực tế đã minh chứng, mô hình tự chủ của ĐH Quốc gia Hà Nội những năm qua đã đem lại những giá trị to lớn. Đại học Quốc gia Hà Nội đã thực hiện tốt từ việc quản trị nguồn nhân lực đến khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động học thuật và chương trình GD; tự chủ trong các vấn đề liên quan đến quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của trường, các hoạt động tuyển sinh và quản lý sinh viên… đã phát huy tốt các nguồn lực cho phát triển.

Việc ngày 14/2/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ-CP với những quy định về cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng cải tiến mạnh mẽ, trong đó các đơn vị GD ĐH công lập cũng được hưởng những chính sách đổi mới này.

Theo đánh giá của nhiều nhà trường và các nhà giáo dục, Nghị quyết đã góp phần động viên, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp vươn lên tự chủ tài chính mức cao hơn.

Đặc biệt trong đó, Nghị định quy định theo nguyên tắc: Đơn vị tự chủ cao về nguồn tài chính thì được tự chủ cao về quản lý, sử dụng các kết quả tài chính và ngược lại (đi kèm theo đó là tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự).

Tự chủ ĐH là một xu thế của phát triển, là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị ĐH tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo.

Trong số 15 trường đại học được giao thí điểm về tự chủ tài chính, nhìn vào hoạt động tự chủ của các nhà trường cho thấy sự hồ hởi và quyết tâm rất lớn.

Chắc chắn tới đây từ mô hình hoạt thí điểm hiệu quả của các trường này, sẽ có thêm các trường ĐH công lập được giao tự chủ.

Tuy nhiên để hoạt động tự chủ đạt được đích đến như mong muốn, bên cạnh việc Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước giao cho các trường được nhiều quyền hơn thì chính các nhà trường cũng cần chủ động vươn lên, chuẩn bị đủ nguồn lực để sẵn sàng “tự chủ”.

Để khuyến khích các đơn vị tự chủ toàn diện về chi thường xuyên và chi đầu tư, Nhà nước cho phép các trường được tự chủ căn cứ nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối tài chính, các đơn vị chủ động xây dựng danh mục các dự án đầu tư, báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trên cơ sở danh mục dự án đầu tư đã được phê duyệt, đơn vị quyết định dự án đầu tư, bao gồm các nội dung về quy mô, phương án xây dựng, tổng mức vốn, nguồn vốn, phân kỳ thời gian triển khai theo quy định của pháp luật về đầu tư. Đặc biệt, các đơn vị sự nghiệp công được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước hoặc được hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư sử dụng vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định. Căn cứ yêu cầu phát triển của đơn vị, Nhà nước xem xét bố trí vốn cho các dự án đầu tư đang triển khai, các dự án đầu tư khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tu-chu-xu-the-tat-yeu-trong-giao-duc-dai-hoc-2500197-b.html