“Từ chiến trường đến nhà trường”- cuốn hồi ký sâu sắc

Gần đây, khi hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia lùi xa, nhiều tướng lĩnh đã lần lượt cho ra mắt hồi ký, hồi ức, ghi lại những sự kiện họ từng trải nghiệm. Còn gì thú vị bằng, sau những tháng năm đánh giặc, đất nước hòa bình, ngồi chép lại những việc chính mình tham dự. Được đọc những cuốn sách ấy, tôi thấy mình được sống lại trong những năm tháng gian khổ và hào hùng, với tình đồng đội, đồng chí keo sơn. Một trong những cuốn sách gây ấn tượng tốt đẹp cho tôi là hồi ký Từ chiến trường đến nhà trường của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão.

Tuy khác thế hệ, nhưng tôi và Nguyễn Hữu Mão sống cùng đơn vị nhiều năm. Nguyễn Hữu Mão vốn là chiến sĩ xuất thân từ nông thôn, đã từng chiến đấu trên khắp các chiến trường trọng điểm, từ Tây Nguyên đến chiến dịch Hồ Chí Minh, biên giới Tây Nam, giúp nhân dân đất nước Chùa Tháp thoát khỏi họa diệt chủng. Có thể nói, anh là người lính tiêu biểu cho thế hệ chiến sĩ của quân đội ta sinh ra và lớn lên trong chế độ mới ở miền Bắc, được trang bị chu đáo không chỉ về học vấn mà cả tình yêu Tổ quốc, nhân dân. Viết hồi ký, anh không chỉ ghi lại những sự kiện có tính chất báo chí, thông tấn mà qua đó rút ra được bài học rất bổ ích không chỉ cho hôm nay mà cả thế hệ mai sau. Hồi ký của ta thường được kể theo tuần tự thời gian, sự kiện diễn ra mạch lạc. Đấy cũng là tư duy thường thấy của chúng ta, mọi việc phải rạch ròi, tiện cho người đọc, đa số là bình dân tiếp cận. Nguyễn Hữu Mão nắm rõ điều ấy, anh chia cuốn sách ra nhiều chương, mỗi chương bao gồm một giai đoạn chiến đấu hay công tác. Có thể nói, chương Trưởng thành từ Tây Nguyên, được viết khá sinh động về Sư đoàn 320, lúc ấy anh là một chiến sĩ, chiến đấu trên mặt trận cao nguyên. Tây Nguyên, như người ta thường gọi là nóc nhà của phía Nam đất nước ta, làm chủ được Tây Nguyên nghĩa là làm chủ được toàn mặt trận. Buổi đầu từ miền Bắc vào Tây Nguyên, Sư đoàn 320 đã có những trận đánh không thắng nổi quân địch vốn rất mạnh về quân số và trang bị, trong đó có quân viễn chinh Mỹ, cấp trên tính rút sư đoàn ra củng cố. Nhưng rồi, cán bộ chiến sĩ toàn sư đoàn đã xung phong ở lại, bằng cách tìm hiểu kỹ đối tượng tác chiến, địa hình, thời tiết, huấn luyện cho bộ đội cách đánh ở rừng núi, sư đoàn đã làm nên những chiến thắng giòn giã. Tuy không nói nhiều về mình, nhưng người đọc vẫn thấy, qua những thử thách ấy, anh chiến sĩ dần trưởng thành, được giữ chức cán bộ đại đội, tiểu đoàn. Sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta vẫn nghĩ, chẳng bao giờ có chiến tranh xảy ra, nhưng rồi bè lũ Pôn Pốt xâm lấn đất nước ta ở biên giới Tây Nam. Đơn vị của anh lại ra trận, Nguyễn Hữu Mão viết rất sinh động cảnh sư đoàn di chuyển từ cao nguyên về biên giới Tây Nam bằng máy bay. Người đọc thấy, dù trong hoàn cảnh nào, người chiến sĩ của chúng ta cũng ra trận với một khí thế hào hùng và lòng người thanh thản vì với họ Tổ quốc là trên hết. Suốt 3 năm chiến đấu trên biên giới rồi sang Campuchia giúp bạn thoát khỏi họa diệt chủng, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Rồi Nguyễn Hữu Mão được cử đi học, trở về được bổ nhiệm làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, qua một thời gian, anh được giữ chức Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh đoàn Cửu Long. Ở góc độ nào đó, cuốn hồi ký này đã thể hiện, ghi lại được chặng đường phát triển của quân đội ta, qua một số đơn vị cấp chiến dịch. Hồi ký của Nguyễn Hữu Mão được bố cục chặt chẽ, ngắn gọn, qua sự kiện, khái quát ý nghĩa, rút ra bài học sâu sắc. Phải nói rằng, Từ chiến trường đến nhà trường của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão đã góp vào mảng sách hồi ký, hồi ức của tướng lĩnh, sĩ quan quân đội ta một tài liệu phong phú với một tư duy sâu sắc. Trung tướng LÊ NAM PHONG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/sachvacuocsong/2010/6/229439/