Từ chiến lược cách mạng tư sản dân quyền đến chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc

ND - Lịch sử của quốc gia, dân tộc Việt Nam đã tạo ra một nguồn giá trị văn hóa tư tưởng vô cùng quý báu, trong đó dòng chủ lưu là ý chí độc lập và khát vọng tự do. Đó là động lực vĩ đại của sự trường tồn và phát triển của dân tộc ta.

Tháng 9-1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ và nước Pháp tham chiến. Ở Việt Nam, quân Nhật đánh chiếm Lạng Sơn (23-9-1940), ném bom Hải Phòng, đưa quân đổ bộ lên Đồ Sơn. Thực dân Pháp đã đầu hàng, rước quân Nhật vào. Chính quyền thuộc địa của Pháp ở Việt Nam trở thành công cụ phục vụ phát-xít Nhật. Nhân dân Việt Nam bị hai tròng áp bức, bóc lột tàn bạo của Nhật - Pháp. Lúc bấy giờ, mọi người dân Việt Nam ai cũng căm ghét ách nô lệ của Nhật, Pháp, ai cũng mong muốn sớm được độc lập, tự do và đang ở trong tư thế một người lên tiếng vạn người ủng hộ. Vì vậy, Hội nghị lần thứ VI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tháng 11-1939, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã nêu rõ: Chiến lược cách mạng tư sản dân quyền kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ phản đế và điền địa không được chính xác nên cần phải thay đổi. Ngày 28-1-1941, sau một thời gian khá dài hoạt động ở nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Việt Nam. Hội nghị lần thứ VIII của Ban Chấp hành T.Ư Đảng tháng 5-1941, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã xác định: Cuộc cách mạng của nhân dân ba nước ở Đông Dương không thể đồng thời phải thực hiện cả hai nhiệm vụ chống đế quốc và địa chủ phong kiến - một cuộc cách mạng có tính chất phản đế và điền địa mà là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chỉ giải quyết một nhiệm vụ cần kíp là đánh đổ đế quốc và tay sai, giành lại độc lập tự do cho toàn dân tộc. Sau khi hoàn thành cách mạng giải phóng, Đảng sẽ lãnh đạo toàn dân tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng tư sản dân quyền (tức là cách mạng dân chủ nhân dân) và tiến lên thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của ba nước trên bán đảo Đông Dương có quan hệ chặt chẽ với nhau song phải được giải quyết phù hợp với truyền thống lịch sử, đất nước, con người của từng nước và phải thực hiện đúng tính chất "dân tộc tự quyết". Đối với cách mạng Việt Nam, sau khi đánh đuổi được Nhật - Pháp sẽ thành lập một nhà nước dân chủ mới. Chính quyền cách mạng của nước Việt Nam dân chủ mới đó "không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp nào mà là của chung cả toàn thể dân tộc" (1). Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc dân đại hội cử ra và lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Tổ quốc. Sự thay đổi chiến lược cách mạng là một bước phát triển mới về tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh. Dựa trên sự thay đổi này, Đảng đã chuyển hướng về tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong một tổ chức Mặt trận rộng lớn là Việt Minh, một tên gọi có sức mạnh hiệu triệu đồng bào toàn quốc và có thể thực hiện được trong tình thế lúc bấy giờ. Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức công bố Tuyên ngôn, kính cáo với đồng bào toàn quốc rằng: Việt Nam độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh đã ra đời. Chương trình cứu nước của Việt Minh cốt đáp ứng hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước là: 1- Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập. 2- Làm cho dân Việt Nam được sung sướng tự do. Với chương trình hành động vì ích quốc và lợi dân bằng phương pháp vận động, tổ chức phù hợp tình hình, đặc điểm của các giai cấp, tầng lớp xã hội nên ngay sau khi ra đời, Việt Minh đã tập hợp ngày càng rộng rãi, hình thành một lực lượng chính trị hùng hậu của toàn dân tộc. Lực lượng vũ trang và các căn cứ địa cách mạng cũng được xây dựng. Phong trào đấu tranh của quần chúng đã diễn ra ở cả nông thôn và đô thị, đi từ khởi nghĩa từng phần, lập chính quyền bộ phận và khi thời cơ khởi nghĩa chín muồi trong cả nước, Đảng đã kịp thời chỉ đạo khởi nghĩa đồng loạt ở cả nông thôn và đô thị, mà đòn quyết định là khởi nghĩa đô thị, đặc biệt là khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám huy động sức mạnh của đội quân chính trị quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho lực lượng chính trị tạo thành sức mạnh tổng hợp để tiến công mau lẹ và dũng cảm xóa bỏ bộ máy thống trị của Nhật, thành lập chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương để tước vũ khí của Nhật. Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã giành thắng lợi nhanh chóng trong cả nước bằng phương thức khởi nghĩa dân tộc, thể hiện sức mạnh vĩ đại của ý chí độc lập và khát vọng tự do của toàn dân tộc Việt Nam. Đây là một điển hình thành công về cách mạng giải phóng dân tộc và khởi nghĩa dân tộc vô cùng sáng tạo thể hiện một chủ nghĩa dân tộc trong sáng. Cách mạng Tháng Tám có sự sáng tạo lớn so với các cuộc cách mạng ở các nước trên thế giới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Cách mạng ở đâu thành công cũng phải đổ máu nhiều. Có nước phải chặt đầu Vua. Có nước đồng bào chia đảng phái, chém giết nhau liên tiếp trong bao nhiêu năm. Nước ta, Vua tự thoái vị, các đảng phái không có mấy. Trong một thời gian ngắn, các giai cấp đoàn kết thành một khối, muôn dân đoàn kết để mưu hạnh phúc chung là nước được hoàn toàn độc lập và chống được giặc xâm lăng, đuổi bọn thực dân tham ác ra ngoài bờ cõi" (2). Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn độc lập trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy" (3). Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Đây là một điển hình thành công và sáng tạo của cuộc đấu tranh tự giải phóng dân tộc bằng sức mạnh của đoàn kết dân tộc và trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. PGS LÊ MẬU HÃN ........................................................ (1) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB CTQG,H 2000, tập 7, tr.114. (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG,H 1996, tập 4, tr.43. (3) Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Báo Cứu quốc, số 36, ngày 5-9-1945.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=154861&sub=50&top=37