Từ cái thìa thủng đến những thanh sắt chắn ngang vỉa hè

“Tôi dám chắc sẽ chẳng có "giải pháp kỹ thuật" nào có thể ngăn chặn một cách hữu hiệu, căn cốt nhất khi không lay chuyển được cái tư duy tranh giành, tùy tiện, sợ mất phần của số đông...” - KTS Tạ Mỹ Dương.

Khoảng thập nhiên 60 thế kỷ trước, tại các cửa hàng "điểm tâm giải khát" mậu dịch quốc doanh ở Hà Nội, khách thường khuấy cà phê, nước chanh bằng chiếc thìa nhỏ đã được đục thủng. Ý tưởng này nhằm hạn chế việc thất thoát thìa do một số vị khách luôn cầm nhầm.

Cũng thập niên đó, các hàng bia hơi, trong cái nắng hầm hập như dội lửa, hàng dài người kiên nhẫn chờ đến lượt để mua "mỗi người một vại". Nhà tôi gần hàng bia góc Hàng Bài-Trần Hưng Đạo, từ đấy đến giữa phố Nguyễn Chế Nghĩa quãng gần 300m, mà có hôm cái dãy hàng chờ mua bia gần chạm cổng nhà.

Tôi thường nghe kể về những cái ly thủy tinh xấu xí màu sắc nhợt nhạt, lốm đốm bọt thủy tinh được sản xuất vội cho kịp nhu cầu đời sống, nhưng khi bia được rót vào có cái mầu vàng óng và lớp bọt sủi trắng phau trở nên lung linh hơn bất cứ cốc pha lê nào, mùa hè như dịu hẳn với vại bia ấy trong tay.

Thế cho nên người ta cố xếp hàng, cố tìm mọi cách chen ngang, cãi, đánh, mắng mỏ nhau để có được một cái chỗ. Ưu tiên nhất là "thẻ thương binh" nhưng cũng chỉ "một vại", nhiều ông quay vòng, rồi cho mượn thẻ. Cô bán hàng túi bụi rót thời gian đâu mà soi xét. Bọt sủi, tràn ra ngoài, nhiều ông hí hửng bê được vại bia ra, tan bọt thấy còn được 2/3, vẫn coi như một chiến công!

Có nhiều chuyện gian lận, chen lấn, cãi vã… Khó ló khôn. Không rõ ai đó đã nghĩ ra một cách, gần chỗ quầy thu tiền họ làm một dải dây thép, trên đó gắn những đồng xèng đục thủng luồn vào, đến khúc đấy mỗi người mua bia nắm một đồng chờ tới lượt trả tiền, lấy bia. Mỗi người một xèng tương đương một vại, có chen vào hàng mà không xèng cũng vô ích. Từ đấy mấy hàng bia trật tự hẳn. Mẹo vặt vậy mà hiệu quả nhìn thấy ngay, cần gì mưu cao.

Nhìn dòng người nắm sợi dây thép chầm chậm bước dưới cái nắng 40 độ của mùa hè khiến tôi liên tưởng tới những đoàn người bị dẫn ra đảo lưu đầy. Nghiền bia thời ấy có khác gì bị đi đầy thật.

***

Vài năm trước rồi tôi ghé qua Đồng Tháp xem chim, ở hotel nhà tầng, máy lạnh, nước nóng đàng hoàng, khăn lau trắng tinh. Lúc xỏ vào đôi dép dưới chân, mỗi chiếc đã bị vạt một đường ngọt lịm ở đầu.

Việc lắp barie trên vỉa hè đã gây ra nhiều tranh cãi

***

Và mới đây, trên vỉa hè Quân 1, trung tâm "hòn ngọc viễn đông", nơi chính quyền đang ấp ủ kế hoạch xây dựng đô thị thông minh, một "Singapore giữa lòng thành phố" người ta cho lắp đặt những chiếc barie chắn ngang vỉa hè để ngăn những người đi xe máy chồm lên mỗi lúc thành phố tắc đường.

***

Nhìn lại câu chuyện những cái thìa đục lỗ, những dãy người nắm đồng xu chờ mua bia, những đôi dép cắt vạt mũi… mới thấy cái “tư duy mẹo vặt" là điều đáng bàn tới.

Cái "tư duy mẹo vặt" kiểu ấy sinh ra có nhẽ từ những nền kinh tế "tiểu nông", trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên dẫn đến sự nghiệt ngã của con người.

Trong dân gian vẫn lưu truyền những câu chuyện được kể như một sự "hãnh diện" về mẹo, từ ông "Trạng" quẹt phát năm ngón tay trong 2 giây vẽ năm con vật loằng ngoằng giun dế. Rồi đến chuyện một anh nông dân lừa trói con hổ vào cọc rồi bảo "trí khôn của ta đây", nếu ngẫm thật kỹ sẽ thấy giật mình. "Trí khôn" hay chỉ là "mẹo lừa" nhau?

Từ những câu chuyện dân gian lưu truyền cho tới những mẹo trong đời sống thật có gì đó cứ na ná giống nhau.

Những năm kinh tế khó khăn thời thập niên 60 của thế kỷ trước thì không nói làm gì, nhưng giờ là thế kỷ 21 rồi, thời của khoa học công nghệ, thời của thành phố thông minh mà vẫn có những đại gia sẵn sàng bỏ bạc tỷ xây khách sạn mà lại sợ khách cầm nhầm đôi dép giá mươi ngàn. Không tin thì rõ rồi, nhưng sự phòng xa đấy có phần "sỉ nhục”. Chả hiểu có bao nhiêu vị khách nào bỏ 300 ngàn thuê chỗ ngủ rồi tiện tay thó đôi dép chục ngàn? Nếu có chắc cũng chỉ một vài, họ có cần sỉ nhục số đông như vậy không?

Rồi cái vỉa hè sạch sẽ, có vườn hoa cỏ cũng vậy. Thật đáng trách những người phóng xe lên đó những lúc tắc đường. Cái tâm lý nóng vội lúc nào cũng sợ mất phần, từ một xuất mua nhà dự án, trèo rào dành một chỗ học trường điểm cho con…. dường như hiển hiện ở khắp nơi.

Tôi dám chắc sẽ chẳng có "giải pháp kỹ thuật" nào có thể ngăn chặn một cách hữu hiệu, căn cốt nhất những trong khi không lay chuyển được cái tư duy tranh giành, tùy tiện, sợ mất phần của số đông?

Hành động hai thanh niên bê cái xe máy qua lan can đường cao tốc khi nhìn thấy công an, hay chuyện ở nhiều nơi bà con tự ý phá bỏ dải phân cách để về nhà cho gần là những minh chứng rõ ràng nhất.

Để có một thành phố thông minh thì chắc chắn cần những con người thông minh. Để duy trì kỷ luật, trật tự trong các thành phố đô thị thông minh, người ta cần tư duy hơn cần mưu.

Nếu chỉ đầu tắt mặt tối, bươn chải mải lo giành giật từng tí trong những xóm trọ nghèo nàn; ngày đi sáng về hì hụi với cái bếp tạm, tô mì cho xong thì cũng chỉ loanh quanh "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Mải lo bữa ăn rồi thì có muốn tư duy cũng khó.

Kiến trúc sư Tạ Mỹ Dương

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/barie-chan-ngang-via-he-va-cai-thia-thung-tai-quan-giai-khat-357375.html