TTGD TX Hà Tây bị sáp nhập: Nguyện vọng của những người trong cuộc

Hiện nay, rất nhiều giáo viên tại trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) Hà Tây -TP. Hà Nội đang thấy đau đớn, xót xa trước việc trung tâm mình bị sáp nhập và họ cũng không giấu nổi sự nuối tiếc cùng giọt nước mắt đắng cay .

Cụ thể, sáng 24/11, khi trao đổi với PV báo Infonet về việc trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ phải bàn giao lại toàn bộ cho UBND TP. Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội, Sở Nội vụ trong ngày 25/11, chị Khuất Thị Hoa Oanh – Giám đốc trung tâm không giấu nổi xúc động, nghẹn ngào trong nước mắt: “Từ khi nhận quyết định trung tâm chúng tôi bị sáp nhập, anh chị em cán bộ công nhân viên rất hoang mang, lo lắng, đa phần mọi người đều mong muốn giữ nguyên hiện trạng trung tâm như bây giờ (tức là trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội).

Ngày 25/11 chúng tôi phải bàn giao lại trung tâm, dù không mong muốn điều này nhưng chúng tôi vẫn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn UNND.TP Hà Nội xem xét lại quyết định này để cán bộ nhà trường yên tâm công tác”.

Cán bộ trung tâm giáo dục thường xuyên Hà Tây trao đổi với PV

Chị Nguyễn Thị Hà – Phó Bí thư chi bộ Trung tâm chia sẻ: “Hiện Trung tâm của chúng tôi đang hoạt động có hiệu quả và đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Chúng tôi có nhiều lớp liên kết đào tạo với các trường ĐH và các lớp dạy nghề cho học sinh và mỗi năm cung cấp hàng trăm nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

Ngày 25/11 chúng tôi phải thực hiện đúng chỉ đạo của UNND TP. Hà Nội về việc bàn giao lại số lượng học sinh cũng như các lớp học. Không biết khi Trung tâm sáp nhập các lớp đang học sẽ thế nào. Việc sáp nhập chưa thực sự cần thiết và chúng tôi chưa thấy thỏa đáng và mong muốn các cơ quan chức năng xem xét lại việc này”.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng ông Nguyễn Hữu Độ - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội. Ông Nguyễn Hữu Độ cho hay: “Về sự việc của trung tâm GDTX Hà Tây, trước đó UBND TP. Hà Nội đã có quyết định 39 về việc sáp nhập. Ngay sau đó, chúng tôi cũng đã có công văn đề nghị UBND TP.Hà Nội xem lại quyết định này.

Hiện nay UBND.TP Hà Nội đã có công văn trả lời vì hiện nay trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh và cấp huyện nhiệm vụ thì khá giống nhau đều đào tạo thường xuyên, chỉ khác là trung tâm cấp tỉnh được liên kết đào tạo ĐH.

UBND TP. Hà Nội nhận thấy trên địa bàn hiện nay có rất nhiều trường ĐH nên thấy hoạt động của trung tâm GDTX Hà Tây cũng tốt nhưng không thực sự cần thiết. Vì một thành phố quá nhiều chính sách, chủ trương trước kia là trung tâm giáo dục thường xuyên độc lập thì cấp quận/thành phố đều có chỉ khác chức năng khác nhau.

Tuy nhiên, hiện nay, thành phố còn 2 trung tâm giáo dục thường xuyên Đông Anh và Hà Tây cấp tỉnh (không có cấp huyện) nên muốn sáp nhập thành trung tâm giáo dục thường xuyên – nghề nghiệp, điều này căn cứ vào thực tiễn”.

Khi PV đặt câu hỏi, theo Luật giáo dục quy định mỗi TP đều có trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh nếu giờ sáp nhập Trung tâm GDTX Hà Tây về cấp huyện có vi phạm quy định không thì ông Nguyễn Hữu Độ cho hay: “Thực ra, Nghị định 75 hướng dẫn thực hiện Luật giáo dục yêu cầu trong quy hoạch mỗi tỉnh có một trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh. Tuy nhiên, Nghị định này ra sau quyết định 39 về sáp nhập trung tâm cấp huyện. Vậy nên đây là mô hình riêng của UBND TP. Hà Nội.

Còn về vấn đề sáp nhập, sẽ có báo cáo, nếu năng lực trung tâm vẫn đáp ứng được thì cho phép tổ chức hết các khóa đang theo học đảm bảo không bị gián đoạn”.

Trước đó, Infonet đã đưa tin Trung tâm GDTX Hà Tây nhận được quyết định số 5399/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 28 tháng 9 năm 2016 (Quyết định về việc thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã), có nêu danh sách 30 Trung tâm được thành lập ở cấp quận, huyện, thị xã.

Trong đó cóTrung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông(trên cơ sở sáp nhập Trung tâm GDTX Hà Tây-TP Hà Nội với Trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây).

Điều đáng nói, nếu đưa Trung tâm GDTX Hà Tây là Trung tâm cấp tỉnh, thành phố sáp nhập về cấp Quận thì trên địa bàn thành phố Hà Nội không còn Trung tâm cấp tỉnh, thành phố (xóa bỏ đi ngành học Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh). Điều này không đúng với luật giáo dục và nghị định của chính phủ.

Hơn nữa, phạm vi hoạt động của Trung tâm GDTX cấp tỉnh, thành phố khác với Trung tâm GDTX cấp quận, huyện là trên địa bàn toàn tỉnh, với mọi đối tương theo nhu cầu của người học; trong và ngoài ngành; nhằm góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ các mục tiêu kinh tế - xã hội ở đia phương... chứ không phải chỉ bó hẹp ở địa phương TT đóng; nhiều nhiệm vụ Trung tâm cấp tỉnh mới được phép làm, Trung tâm cấp huyện không được phép làm.

Hoàng Thanh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ttgd-tx-ha-tay-bi-sap-nhap-nguyen-vong-cua-nhung-nguoi-trong-cuoc-post214544.info