TTCK tháng 11, những lực cản không mới

(ĐTCK-online) Lạm phát, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu của các NHTM… đang là những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý NĐT. Nếu các bài toán này từng bước được giải quyết thì TTCK Việt Nam mới có cơ hội tăng giá dài hạn trở lại.

Trong tháng 10, TTCK Việt Nam chủ yếu là điều chỉnh giảm cả về điểm số và thanh khoản. Suốt tháng này, cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index không có một đợt tăng giá nào đủ T+4. Điều này cho thấy khuynh hướng né tránh rủi ro của các NĐT, khi trên các phương tiện truyền thông hầu hết đều đưa các tin tức tiêu cực về tình hình kinh tế vĩ mô.

Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 11, chúng tôi nhận định thị trường dựa trên hai hướng chính: phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật.

Phân tích cơ bản

Xu hướng lạm phát: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2011 tăng 0,36% so với tháng trước và tiếp tục là tháng tăng thấp nhất kể từ đầu năm. Chúng tôi cho rằng, lạm phát trong tháng 11 sẽ vẫn tiếp tục duy trì mức tăng thấp hơn 0,6%, vì giá lương thực, thực phẩm vẫn đang khá ổn định do nguồn cung khá dồi dào. Đồng thời, giá dầu thô thế giới trong nửa cuối tháng 10 tuy tăng mạnh nhưng giá xăng thành phẩm không tăng tương ứng, nên Bộ Tài chính có thể sẽ không tăng giá xăng ngay.

Biểu đồ lạm phát tại Việt Nam

Như đã chia sẻ trong báo cáo tháng 10, Việt Nam muốn thành công trong việc chống lạm phát thì cần có 6 tháng liên tục lạm phát duy trì ở mức thấp để ký ức lạm phát của người dân bị phai mờ. Do vậy, lạm phát cần tiếp tục duy trì mức tăng dưới 0,5 - 0,6% trong vài tháng tới, đặc biệt là các tháng trong dịp Tết Nguyên đán. Hiện tại, có ba điểm có thể kỳ vọng vào điều này:

- Thu nhập thực tế của người dân bị bào mòn do lạm phát tăng cao kéo dài khiến sức mua giảm;

- Giá bất động sản giảm mạnh và mất thanh khoản, cùng với đó là sự khó khăn của nền kinh tế sẽ khiến NĐT có khuynh hướng tiết kiệm chi tiêu để phòng bị cho tương lai;

- Quan sát TTCK Mỹ, chúng tôi thấy mẫu hình đồ thị chỉ số S&P 500 đang lặp lại những hình ảnh của năm 2008 và điều này làm dấy lên lo ngại khả năng thị trường sẽ có đợt sụt giảm sâu trong thời gian sắp tới, mặc dù trong ngắn hạn thị trường vẫn đang ủng hộ cho đợt tăng giá. Sự sụt giảm của TTCK Mỹ sẽ khiến hàng hóa thế giới giảm theo. Điều này có thể khiến kinh tế thế giới bước vào giảm phát và Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng do nền kinh tế có độ mở lớn. Giảm phát không phải là nhân tố tích cực, nhưng trong trường hợp này có thể giúp Việt Nam dập tắt hiện tượng lạm phát kỳ vọng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là nếu Fed sử dụng gói nới lỏng định lượng QE3 để giải cứu nền kinh tế thì khả năng TTCK Mỹ và thị trường hàng hóa sẽ tăng giá trở lại.

Biều đồ chỉ số S&P 500 và nguy cơ điều chỉnh giảm sâu

Thị trường ngân hàng: Ngày 30/11/2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư 34/2011/TT-NHNN hướng dẫn trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép và thanh lý tài sản đối với tổ chức tín dụng và ngân hàng tại Việt Nam. Đây là một khung pháp lý quan trọng để thiết lập và hỗ trợ quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM, cũng như bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán. Một phần trong quá trình tái cơ cấu hệ thống NHTM chính là việc thu hồi các khoản nợ trên thị trường bất động sản từ nay tới cuối năm. Chúng tôi thấy các NHTM và tổ chức tín dụng đã ngừng giải ngân các khoản vay này và tích cực thu hồi nợ. Việc này đã khiến nhiều DN phải hạ giá bán bất động sản để có tiền trả nợ, sau khi không thể đàm phán gia hạn nợ hay thực hiện kỹ thuật đảo nợ. Việc một số DN bất động sản giảm giá sản phẩm tới 30 - 50% để thu hồi vốn có thể tạo ra hai hiệu ứng xấu:

- Kéo các DN khác hạ giá để cạnh tranh bán hàng và qua đó khiến NĐT trông chờ thị trường giảm giá tiếp;

- Do giá giảm nên các NHTM sẽ phải cân nhắc lại rủi ro và đẩy nhanh quá trình thu hồi nợ. Điều này gây sức ép DN phải bán hàng. Vòng luẩn quẩn giảm giá tiếp tục lặp lại.

Các NHTM cho vay chủ yếu lấy bất động sản làm tài sản cầm cố. Do vậy, nợ xấu trong hệ thống NHTM tăng lên trong thời gian vừa qua là điều dễ hiểu. Nợ xấu làm dòng tiền về của các NHTM bị nghẽn, điều này khiến các NHTM phải tăng cường vay nợ để trả nợ (trò chơi Ponzi). Tuy nhiên, quan sát những diễn biến thị trường ngân hàng gần đây, chúng tôi cũng thấy có vài tín hiệu tích cực:

- Các NHTM lớn đã không tham gia vào trò chơi Ponzi mà chuyển sang xu hướng phòng thủ, mặc dù vẫn tranh thủ kiếm lợi nhuận trên thị trường liên ngân hàng khi có cơ hội;

- Việc NHNN ban hành Thông tư 34 cho thấy, cơ quan này sẵn sàng để các tổ chức tín dụng, NHTM phá sản khi cần thiết. Điều này theo chúng tôi là hoàn toàn hợp lý, bởi nó sẽ giúp thị trường, NĐT, ngân hàng đánh giá lại rủi ro và phải tự kiểm soát mình;

- NHNN cũng đã tăng số phiên giao dịch trên thị trường mở và thực hiện đúng chức năng cho vay cuối cùng, chẳng hạn đã có những điều kiện kiểm soát chặt chẽ cho đối tượng nhận tiền khi tái cấp vốn.

Hiện tại, có hai vấn đề chưa được hiểu rõ gây tâm lý hoang mang là:

- Việt Nam không phải có quá nhiều NHTM (mặc dù chúng tôi ủng hộ việc giảm bớt số lượng NHTM) hay các NHTM quá nhỏ, mà chủ yếu là chất lượng tài sản quá thấp. Chính vì vậy, NHNN cần tăng cường giám sát các NHTM với quy định chặt chẽ hơn, nhằm giúp các ngân hàng định hướng được phân khúc hoạt động và nâng cao tính minh bạch trong quản trị rủi ro;

- Nợ xấu là tiêu cực, nhưng không có nghĩa là mất trắng. Phần lớn nợ xấu là có tài sản đảm bảo và được định giá thấp hơn giá thị trường. Ngay cả trường hợp tài sản được định giá cao hơn giá trị thị trường thì bán đi vẫn thu hồi được một phần. Bởi vậy, nếu quản lý tốt, các NHTM thậm chí còn được lợi thế dòng tiền thuế và lãi phạt cao. Ngoài ra, nếu có thêm các công ty mua bán nợ thì sẽ giải quyết được vấn đề thanh khoản của NHTM trong ngắn hạn.

Chúng tôi cho rằng, NHNN đã làm tốt công việc của mình. Nhưng trong môi trường rủi ro cao với khẩu hiệu “Tiền là vua” như hiện nay thì NĐT thường có tâm lý chờ đợi những gì sẽ xảy ra trên thực tế rồi mới có những hành động kế tiếp. Thêm vào đó, việc TTCK Việt Nam thường có mức sinh lợi kém vào cuối năm đã và đang tạo ra một rào cản lớn kích thích vốn nhàn rỗi quay trở lại TTCK.

Về vấn đề tỷ giá, bên cạnh những nguyên nhân do lãi suất tiền đồng hạ, chênh lệch giữa huy động và cho vay ngoại tệ thì việc giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới trong thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá liên tục tăng, mặc dù NHNN đã cho phép một nhóm NHTM (G7+1) bán vàng huy động bình ổn thị trường, cũng như can thiệp bằng cách bán USD ra ngoài thị trường. Tiền đồng không ổn định khiến TTCK Việt Nam dù bị định giá thấp, cũng không kích thích NĐT nước ngoài quay trở lại mua vào cổ phiếu do lo ngại khả năng thua lỗ tỷ giá. Vì vậy, thị trường đã thiếu lực cầu mạnh tại các ngưỡng kháng cự quan trọng khi NĐT nội có xu hướng bán mạnh.

Biều đồ chỉ số VN-Index

Phân tích kỹ thuật

Sau đợt tăng giá mạnh hồi tháng 8/2011, chỉ số VN-Index đã có đợt “Throw back” trở lại và kiểm tra thành công ngưỡng hỗ trợ số 1 (trước là ngưỡng kháng cự). Hỗ trợ ngắn hạn là mốc 400 điểm và kháng cự ngắn hạn là mốc 427 điểm. Hiện tại, có thể thấy rằng, VN-Index có một kênh giá Parallel như hình vẽ với ngưỡng hỗ trợ là mốc 390 điểm và kháng cự 481 điểm. Trước mắt, có lẽ đây vẫn là vùng biến động chính của chỉ số này.

Trong hơn 5 tháng qua, HNX-Index vận động theo mẫu hình Falling Wedge như hình vẽ, với vùng giá hỗ trợ là 64,5 điểm và kháng cự là 78 điểm. Trong ngắn hạn, HNX-Index có mốc hỗ trợ là 67 điểm và kháng cự là 71 điểm.

Biều đổ chỉ số HNX-Index

Tóm lại, lạm phát, thị trường bất động sản đóng băng và nợ xấu của các NHTM… đang là những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý NĐT. Nếu các bài toán này từng bước được giải quyết thì TTCK Việt Nam mới có cơ hội tăng giá dài hạn trở lại. Nếu không, trong ngắn hạn, chúng ta vẫn chỉ chứng kiến những sóng hồi tạm thời. Nếu có những “Whipsaw” trong quá trình giảm điểm thì theo quan điểm của chúng tôi, giá cũng sẽ sớm quay trở lại trong vùng biến động như trên đồ thị kỹ thuật.

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/RC/N/CHAJCI/ttck-thang-11-nhung-luc-can-khong-moi.html