TT rau quả tuần đến 4/11: Giá rau quả tăng gấp 2-3 lần

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, trong tháng 10, giá rau tăng đột biến, gấp 2-3 lần so với ngày thường tại Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam và Tây Nguyên.

Cụ thể, xà lách búp Đà Lạt tăng lên mức 80.000 đ/kg, cà chua 30.000 đ/kg, mồng tơi 17.000 – 18.000 đ/kg; súp lơ xanh 45.000 đ/kg.

Nguyên nhân giá tăng là do ảnh hưởng mưa bão nên rau bị hư hỏng nhiều, sản lượng giảm đến 50% so với trước đây. Ngoài ra, tại một số vùng trồng cà chua của tỉnh Lâm Đồng, phần lớn diện tích đều bị ảnh hưởng bởi bệnh xoăn lá virus, khiến giá cà chua đã tăng mạnh, với mức giá: Cà loại 1 xâp xỉ 15.000 đ/kg, loại 2 khoảng 10.000 đ/kg.

Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), các hộ trồng rau, củ ở đây gần như 100% không sử dụng bất cứ loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để bón, phun cho cây trồng.

Giải thích về chuyện này, một người trồng rau để bán ở thôn Tây, xã An Hải cho biết, với đặc thù là đất cát pha vôi, trồng hành, tỏi mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều nên không có nhiều hộ trồng rau, củ ở Lý Sơn. Hộ nào trồng cũng chỉ trồng với diện tích từ 40-150m2/hộ. Các loại rau, quả trồng không đa dạng và phong phú như trong đất liền, chỉ có một số loại như: rau muống, rau thơ, bầu, mướp… Do đó, ngoài sử dụng cho gia đình, rau, củ, quả thu hoạch là để bán cho bà con xung quanh mà thôi. Hơn nữa, từ bao đời nay người dân trên đảo không có thói quen sử dụng phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật để bón, phun cho cây trồng của mình.

Nhờ được nuôi dưỡng bởi loại cát pha vôi vô cùng đặc biệt, rau, củ, quả ở Lý Sơn có hương vị thơm, ngon đặc biệt. Cách trồng và chăm sóc trên của người dân đảo đã góp phần tạo nên thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp nơi đây. Rau, củ, quả được trồng trên đảo được người tiêu dùng tín nhiệm.

Đối với sầu riêng, tại Tiền Giang sầu riêng nghịch vụ đang vào vụ thu hoạch và được giá. Các nông dân trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy cho biết, khoảng 1 tuần nay, giá loại quả này tăng khoảng 20.000 đ/kg so với tuần trước. Thương lái đến vườn mua sầu riêng giống Ri6, Mongthong với giá từ 55.000 – 60.000đ/kg tùy loại. Sau khi trừ các khoản chi phí, nhà vương thu lãi trên 400 triệu đồng/ha.

Được biết, huyện Cai Lậy có 7.500 ha sầu riêng, tập trung ở các xã: Tam Bình, Ngũ Hiệp, Long Trung, Long Tiên, Cầm Sơn, Hội Xuân…

Hiện đang là đầu vụ cam, nhưng các vườn cam Cao Phong đã được thương lái đặt mua trước, giá bán tại vườn cho khách dao động quanh mức 30.000 đồng - 35.000 đồng/kg.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, hơn 10 năm nay, cam Cao Phong (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã nổi tiếng cả nước, giúp hàng trăm nông dân nơi đây kiếm tiền tỷ.

Ông Cao Xuân Quân, chủ một vườn 1.000 gốc cam ở Cao Phong cho biết, với giá bán tại vườn hiện nay khoảng 30.000 đồng – 35.000 đồng/kg.

Cách phân biệt cam “vàng” Cao Phong với cam Trung Quốc: Cam Cao Phong có màu sắc vàng nhạt, quả to, mọng nước, không vàng óng như cam Trung Quốc. Nếu bóc vỏ ra có mùi thơm rất đặc trưng, đặc biệt khi cắt khỏi cành độ một ngày thì cả lá và quả đều héo, vì không dùng chất bảo quản, nhưng chất lượng thì không ảnh hưởng. Vị cam Cao Phong không ngọt sắc, có vị ngọt chua chua, nhưng ăn thì rất mát và dễ chịu.

Cam Cao Phong có nhiều loại, loại cam canh đắt nhất có giá từ 50.000- 60.000 đồng/kg, tiếp đến là cam lòng vàng 35.000- 40.000 đồng/kg, rồi tới các loại cam lùn, cam Xã Đoài,...

Không được nhắc đến nhiều bằng các loại trái cây xuất khẩu chủ lực khác như thanh long, vải, nhãn, xoài… nhưng chuối đã và đang được đánh giá là một trong những loại trái cây nhiều tiềm năng xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, xuất khẩu chuối của Việt Nam bất ngờ tăng mạnh. Thay vì chỉ phụ thuộc thị trường chính là Trung Quốc, hàng loạt đơn đặt hàng nhập khẩu chuối đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước EU, Nga… tới tấp đến với các doanh nghiệp xuất khẩu chuối, có những thời điểm lên đến hàng trăm tấn chuối/ngày.

Theo các chuyên gia, thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu cao đối với mặt hàng chuối nhập khẩu, với sức tiêu thụ xấp xỉ 1 triệu tấn/năm. Mặc dù hiện nay, Philippines đang là quốc gia đứng đầu về lượng chuối nhập khẩu của Nhật Bản với thị phần lên đến 85%, nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản đang có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường. Ngoài ra, chuối Việt Nam cũng được đánh giá cao do có vị ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản và có mức giá cạnh tranh. Đặc biệt, nếu thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản - quốc gia có yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm nhập khẩu, trái chuối sẽ có cơ hội thâm nhập được nhiều quốc gia khác.

Với Hàn Quốc, đây được đánh giá là thị trường có yêu cầu gần tương đương như thị trường Nhật Bản, nhưng dễ tính hơn. Khi đã thâm nhập tốt thị trường Nhật Bản, cơ hội cho trái chuối “phủ sóng” thị trường Hàn Quốc cũng tương đối cao.

Nguồn: VITIC tổng hợp/Báo Công Thương điện tử, Nông thôn ngày nay…

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/hang-hoa/tt-rau-qua-tuan-den-411-gia-rau-qua-tang-gap-2-3-lan-655009.html