TT phân bón tuần đến 15/7: giá tăng/giảm tùy từng chủng loại và thị trường

Tuần qua, giá phân bón tăng/giảm tùy từng chủng loại và thị trường.

Cụ thể, Long An giá phân Ure và DAP giảm 5.000 – 15.000 đ/bao, xuống 335.000 đ/bao Ure và DAP 550.000 đ/bao. Tại Bình Dương giá Ure Phú Mỹ tăng 900 đ/kg lên 10.500 đ/kg.

Nhà máy Ure Cà Mau đang bảo dưỡng nên lượng hàng đưa ra thị trường hạn chế, Ure hạt trong ít hàng vì chỉ duy nhất có mặt hàng Ure Phú Mỹ trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh tuy vậy nhu cầu cũng không cao.

Trong thời gian vừa qua, thị trường các loại phân bón tuy có biến chuyển nhẹ do miền Nam vào vụ chăm sóc lúa hè thu nhưng giá các loại phân bón trong nước nhìn chung vẫn ở mức khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do giá phân bón thế giới tiếp tục giảm và nguồn cung trong nước hiện nay khá dồi dào. Tình hình khô hạn và xâm ngập mặn tại đồng bằng Sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên nghiêm trọng hơn các năm đã tác động lớn đến nhu cầu về phân bón hóa học.

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2016, cả nước đã nhập khẩu 1,9 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 559 triệu USD, giảm 7,7% về lượng và 19,3% về kim ngạch so với cùng kỳ 2015.

Giá phân bón tại một số thị trường trong tuần:

Thị trường

Mặt hàng

Đơn giá

Ghi chú

Cà Mau

Phân Ure (Cà Mau)

350.000 đ/bao

Phân DAP Phú Mỹ

550.000 đ/bao

Cần Thơ

Phân đạm Phú Mỹ

315.000 đ/bao

Phân DAP nâu (Trung quốc)

530.000 đ/bao

Đồng Tháp

Phân Ure Phú Mỹ

6.600 đ/kg

Phân DAP TQ hạt xanh

11.400 đ/kg

Phân NPK Việt Nhật

9.600 đ.kg

Kali đỏ Nga

7.800 đ/kg

Đồng Nai

Phân Ure Phú Mỹ

8.020 đ/kg

Dẫn nguồn tin từ Báo Doanh nhân Sài Gòn online, ngành phân bón đang trong tình cảnh vừa phải cạnh tranh nội bộ, cạnh tranh với hàng ngoại, hàng giả, hàng kém chất lượng. Trongk hi đó, giá phân bón thế giới giảm, việc điều chỉnh giảm thuế theo các hiệp định thương mại tạo điều kiện cho hàng ngoại tràn vào.

Dù đang sở hữu số lượng đơn vị sản xuất phân bón thuộc diện "đông nhất thế giới", nhưng theo giới phân tích, đây không phải là tin vui đối với ngành phân bón Việt Nam.

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp Nhiệt đới, thị trường phân bón Việt Nam đang tồn tại khoảng 7.000 các chủng loại phân bón, bao gồm: phân hóa học, phân hữu cơ, phân bón dưới rễ, phân bón lá, phân vi lượng. Một thống kê khác lại cho biết, Việt Nam đang có khoảng 1.000 doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón lớn, nhỏ với mạng lưới phân phối khoảng 16.000 cửa hàng kinh doanh phân bón trên toàn quốc.

Lực lượng cung cấp "hùng hậu" như vậy nhưng theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam lại đang là quốc gia có hiệu suất sử dụng phân bón thuộc nhóm thấp nhất thế giới, chỉ đạt 45 - 50%.

Điều đáng buồn hơn, những năm gần đây, có những đợt kiểm tra của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phát hiện có đến gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng! Riêng lĩnh vực phân bón, có gần 3.000 vụ vi phạm được phát hiện mỗi năm.

Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) ước tính, việc sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đã gây thiệt hại cho nền nông nghiệp Việt Nam khoảng 2 tỷ USD/năm.

Bên cạnh việc có quá nhiều DN với quá nhiều sản phẩm cùng cạnh tranh, nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, phân bón sản xuất trong nước còn đối mặt tình trạng cạnh tranh gay gắt với các đối thủ đến từ 14 quốc gia. Trong đó, đáng lo nhất là Trung Quốc - thị trường chiếm gần 50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam mỗi năm.

Ngoài vấn đề sản lượng cung ứng, ở góc độ tiềm lực tài chính, trong báo cáo về ngành này năm 2014, VietinbankSC cũng lưu ý, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của các DN phân bón niêm yết trong nước được thống kê ở mức trên dưới 2 lần. Điều này có nghĩa, hoạt động của họ chủ yếu dựa vào vốn vay nhiều hơn là vốn tự có.

Ngoài ra, giai đoạn đó, các nhà phân tích còn cho thấy, những DN phân bón không niêm yết thường có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu còn cao hơn, ở mức 2 - 2,5 lần. Từ phân tích này, thời gian đó, nhiều nhà đầu tư tỏ ra lo ngại khi quyết định đầu tư vào ngành này.

Báo cáo của một số công ty chứng khoán cũng khuyến nghị, các DN nên cân nhắc khi mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất phân đạm, NPK hay phân lân vì sẽ khó có thể cạnh tranh về giá với Trung Quốc hay Nga.

Thay vào đó, DN nên đầu tư khai thác các sản phẩm mới như: sản xuất phân SA (Ammonium Sulphate, cung cấp đạm, lưu huỳnh cho cây, có thể dùng bón với các loại phân khác), phân Kali (hiện nay Việt Nam không sản xuất được phân Kali do không có quặng Kali, nên phải nhập khẩu hoàn toàn) để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng, giảm thiểu lượng phân bón nhập khẩu.

Có thể thấy sau giai đoạn tăng trưởng mạnh (2008 - 2012), thị trường phân bón Việt Nam đang ngày càng phát sinh nhiều áp lực. Một trong những vấn đề của ngành phân bón là làm sao để "thu gọn", tránh phân tán vụn vặt với nhiều DN quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính của DN yếu..., dẫn đến tình trạng khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Nguồn: VITIC/thị trường giá cả, doanh nhân Sài gòn online

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/hang-hoa/tt-phan-bon-tuan-den-157-gia-tanggiam-tuy-tung-chung-loai-va-thi-truong-646879.html