TT Duterte: Biển Đông 'không nằm trong chương trình nghị sự'

Vào thời điểm bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc ngày 18/10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói tranh chấp Biển Đông "không nằm trong chương trình nghị sự".

Trong khi đó, Bắc Kinh ra sức ca ngợi Tổng thống Rodrigo Duterte đã đưa mối quan hệ Trung Quốc-Philippines vốn bị tổn hại trở lại "con đường đối thoại và hợp tác".

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ca ngợi chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Philippines Duterte là có ý nghĩa “lịch sử" và không có "cá nhân" hoặc "lực lượng nước ngoài" nào có thể ngăn cản việc xây dựng lại quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc và Philippines.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte: Biển Đông “không nằm trong chương trình nghị sự” của chuyến thăm Trung Quốc bốn ngày. Ảnh SCMP

Tổng thống Duterte đến Trung Quốc ba tháng sau khi quan hệ giữa hai nước xuống mức đến mức chạm đáy, do phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye bác bỏ những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với hầu hết diện tích Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.

Tại Bắc Kinh, khi được hỏi về tranh chấp Biển Đông, ông Duterte nói: "Không, đó không phải là một trong các chủ đề của chương trình nghị sự”. Ông cho biết vấn đề này sẽ có “một sự hạ cánh mềm cho tất cả mọi người” và “không có sự áp đặt”.

Các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh sẽ “chịu đựng” việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nêu lên vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc, miễn là ông này không đẩy vấn đề lên mức quá khó chịu. Giới phân tích cho rằng nếu đẩy vấn đề lên mức “quá khó chịu”, Tổng thống Duterte có thể gây hại cho mục tiêu của ông là thu hút viện trợ kinh tế và giao dịch kinh doanh với Trung Quốc.

Học giả Wu Shicun, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông, cho biết: "Nhiệm vụ chính của Tổng thống Duterte tại Bắc Kinh là để sửa chữa các mối quan hệ song phương và hợp tác an toàn, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế. Đó là điều quan trọng đối với ông ta".

Theo nhà nghiên cứu Xue Li của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, Bắc Kinh cũng muốn phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Haye bị quên đi càng nhanh càng tốt.

Kết quả là kế hoạch ban đầu về chuyến đi hai ngày đã được nâng lên thành một chuyến thăm chính thức Trung Quốc kéo dài bốn ngày, với nghi lễ ngoại giao cao nhất dành cho việc tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống sẽ ra một thông cáo chung nhấn mạnh các lĩnh vực hợp tác và chứng kiến lễ ký một số nghị định thư và các thỏa thuận trong các lĩnh vực như nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư và thương mại.

Nhà nghiên cứu Xu Liping của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết thông cáo chung cũng sẽ thúc đẩy các biện pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua hợp tác, trong đó có thể có hợp tác đánh cá gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Shen Danyang cho biết rằng trước chuyến thăm của Tổng thống Duterte, Trung Quốc đã tìm cách mở rộng liên kết thương mại với Philippines và một trong lĩnh vực hợp tác sẽ là nhập khẩu trái cây nhiệt đới. Ông Shen Danyang nói thêm rằng Trung Quốc cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp nước này đầu tư vào Philippines và tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng.

Học giả Song Junying, một chuyên gia về các vấn đề Châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, cho biết việc đề cập ngắn gọn đến phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài sẽ hơi ảnh hưởng đến bầu không khí của các cuộc đàm phán, nhưng điều này cũng chẳng mấy quan trọng, khi chuyến thăm chính Trung Quốc của Tổng thống Philippines Duterte đã đánh dấu chuyển biến tích cực trong quan hệ song phương.

Học giả Dai Fan, một chuyên gia về các vấn đề khu vực Đông Nam Á tại Đại học Tế Nam ở Quảng Châu, cho biết hai bên đã nhất trí về chương trình nghị sự trước khi Tổng thống Duterte đến Bắc Kinh. Ông Dai Fan khẳng định: “Không có chuyện ông ấy (Tổng thống Duterte) đến lãnh thổ Trung Quốc để tát vào mặt người Trung Quốc”.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/tt-duterte-bien-dong-khong-nam-trong-chuong-trinh-nghi-su-770057.html