TS Trương Minh Tuấn: Đến năm 2020 báo mạng sẽ đóng vai trò chủ lực

TS Trương Minh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông viết riêng cho báo điện tử Một Thế Giới. Đây là cái nhìn của một người làm báo đang đảm nhiệm vai trò quản lý báo chí.

Dự thảo đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 xác định báo điện tử (hay còn gọi là báo mạng) sẽ đóng vai trò chủ lực. Ảnh TL

Dự thảo đề án quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2020 xác định báo điện tử (hay còn gọi là báo mạng) sẽ đóng vai trò chủ lực.

Báo giấy sẽ không chết nhưng phạm vị đang bị thu hẹp lại trước xu hướng phần lớn độc giả trẻ tuổi chuyển sang đọc tin trực tuyến.

Hiện nay Việt Nam có 838 cơ quan báo chí, 199 báo in, 67 đài phát thanh truyền hình với trên 17.000 phóng viên được cấp thẻ hành nghề.

Gần hai thập kỷ phát triển, kể từ khi tờ tạp chí điện tử Quê Hương của Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài ra đời, đến nay báo điện tử ở Việt Nam vẫn còn trong tình trạng dò dẫm tìm đường.

TS Trương Minh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Chạy theo xu hướng, các tờ báo in lâu đời, có số lượng phát hành lớn đều đã có “phiên bản” báo điện tử nhưng chưa hiệu quả.

Báo in vẫn “nuôi” báo điện tử và những tờ báo có số lượng phát hành hơn 100.000 tờ vẫn không lọt được vào top 30 bảng xếp hạng báo điện tử ở Việt Nam. Dù những tờ báo này đã đầu tư tài chính rất lớn cho “phiên bản” điện tử.

Báo điện tử có đặc tính riêng. Chừng nào báo điện tử còn tận dụng tin tức của báo in trong cùng một cơ quan báo chí thì báo in vẫn còn đảm nhiệm vai trò “nuôi nấng” báo điện tử dài dài.

Trong quy hoạch báo chí đến năm 2020 dự tính đến thời điểm nói trên, các cơ quan báo chí phải tự hoạch toán, nhà nước chỉ hỗ trợ đặt hàng để phục vụ vùng sâu vùng xa.

Nhưng trong tương lai, đến năm 2020 các loại thiết bị cầm tay (Personal Digital Assistant) ngày càng rẻ, tiện dụng hơn và tin tức trực tuyến sẽ lên ngôi nên ngay từ bây giờ các cơ quan báo in cần phải “suy nghĩ”.

Theo thống kê của Cục TMĐT và CNTT Bộ Công thương, năm 2013 tỷ lệ dân số truy cập Internet là 36%, tỷ lệ mua sắm online 57%. Thống kê của hãng nghiên cứu thị trường comScore đến 7.2013 Việt Nam có 16,1 triệu người dùng Internet hàng tháng, là quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia có lượng người dùng Internet ở độ tuổi trẻ nhất khu vực với tỷ lệ 42% ở độ tuổi 15 – 24 và 32% độ tuổi từ 25 – 34.

Để phát triển báo điện tử, ở Việt Nam hiện nay thiếu nhất vẫn là nền tảng công nghệ. Những tờ báo in đầu tư lớn cho “phiên bản” điện tử nhưng không hiệu quả vì công nghệ chắp vá, phụ thuộc vào các công ty công nghệ.

Xã hội sẽ bị phơi nhiễm bởi ngày nào trên mạng cũng đầy rẫy tin tức khiêu dâm, bạo lực theo dạng “bỏng mắt", “đắng lòng”.

Các cơ quan báo in ở khu vực phía Nam chỉ loay hoay đầu tư cho giao diện nhưng thiếu một tầm nhìn chiến lược. Một số tờ phó thác hẳn cho các công ty công nghệ, kể cả việc sở hữu tên miền.

Sự thành công của các tờ báo điện tử như VNExpress, Dân Trí, Vietnamnet… cho thấy trụ cột công nghệ hết sức quan trọng đối với một tờ báo điện tử.

Đội ngũ làm báo vốn quen với báo in truyền thống chưa bắt nhịp kịp để chuyển sang viết tin trực tuyến đáp ứng cho một tru cột quan trọng khác của báo điện tử là nội dung (content) cũng là một hạn chế lớn.

Tuy dò dẫm tìm đường nhưng hiện nay báo điện tử đang phát triển rầm rộ, lượng thông tin áp đảo hàng ngày cả mặt phải lẫn mặt trái.

Xã hội sẽ bị phơi nhiễm bởi ngày nào trên mạng cũng đầy rẫy tin tức khiêu dâm, bạo lực theo dạng “bỏng mắt", “đắng lòng”.

Tình trạng lạm dụng của báo mạng nói trên đặt ra vấn đề đạo đức và pháp lý cho cơ quan báo chí và cơ quan quản lý báo chí.

Vi phạm bản quyền, xâm phạm đời tư, phỉ báng gây tổn hại danh dự cá nhân, quảng cáo trá hình, ngụy tạo hình ảnh, đính chính và siêu liên kết với các mạng ngoài (*) … là những nhóm vấn đề nghiêm trọng nhất của báo mạng hiện nay.

Những nhà nghiên cứu về báo điện tử trên thế giới và thực tế cho thấy mạng Internet là môi trường dễ ăn cắp thông tin nhất nhưng cũng dễ bị phát hiện ra nhất.

Những mẫu quảng cáo đội lốt tin tức cũng sẽ bị bạn đọc phát hiện ra và làm xói mòn niềm tin cho chính những trang mạng đó.

Những ý đồ gây xúc phạm danh dự cho cá nhân không phải không được in ra bằng giấy trắng mực đen nên có thể bỏ qua. Bạn sẽ dính đến vấn đề pháp lý.

Không phải viết sai rồi “gỡ” xuống thì không cần đính chính nữa…

Tất cả những vấn đề nói trên dù mới mẻ nhưng cũng đã được điều chỉnh đầy đủ trong hệ thống cấu trúc của pháp luật Việt Nam.

TS Trương Minh Tuấn

(*) The Missouri Group

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/tieu-diem/ts-truong-minh-tuan-den-nam-2020-bao-mang-se-dong-vai-tro-chu-luc-84939.html