TS Nguyễn Sĩ Dũng: Thiếu văn hóa chính trị, khó có văn hóa từ chức

Sự khác biệt về môi trường và về văn hóa chính trị có lẽ giải thích rất nhiều cho câu hỏi tại sao các vị bộ trưởng ở ta rất ít khi từ chức.

TS Nguyễn Sĩ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội lý giải phản ứng của dư luận trước những vụ việc sai phạm xảy ra trong ngành y tế.

Để xác lập chế độ trách nhiệm cho các bộ trưởng, trước hết, chúng ta phải quan niệm bộ trưởng là một chính khách. Nếu không có được sự phân biệt giữa các chính khách và các quan chức thuộc hành chính-công vụ, thì việc xác lập chế độ trách nhiệm là rất khó khăn và rất dễ bị lẫn lộn.

- Thưa ông, sau những vụ việc gây phẫn nộ dư luận gần đây xảy ra trong ngành Y tế, nhiều luồng dư luận cho rằng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nên thể hiện văn hóa từ chức. Ông lý giải thế nào về phản ứng trên của dư luận?

- Phản ứng trên của dư luận là hoàn toàn dễ hiểu. Đặc biệt là trong bối cảnh các vụ việc lại được truyền thông đại chúng dành cho quá nhiều “ưu ái” như vừa qua.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, nếu tình hình chung trong ngành Y tế không tốt hơn so với nhiều ngành khác, thì chắc chắn nó cũng chẳng xấu hơn so với những ngành này.

Thế thì tại sao “vinh dự” thể hiện văn hóa từ chức lại chỉ được dành riêng cho nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, một trong hai nữ bộ trưởng ít ỏi của nước ta? Phân biệt đối xử như vậy không sợ các nam bộ trưởng người ta ganh tỵ cho à?

- Người ta lập luận, ở nước ngoài, khi ngành mình quản lý gặp phải những sự cố như vậy thì người đứng đầu thường chọn cách từ chức và Việt Nam cũng phải giống như vậy. Lập luận đó có đúng không thưa ông?

- Điều này đúng hay không, khái quát hóa một cách chung chung là rất rủi ro. Vấn đề là nếu tiếp nhận văn hóa từ chức, thì chúng ta có tiếp nhận toàn bộ khuôn khổ văn hóa chính trị của người ta không? Bởi vì rằng thiếu văn hóa chính trị tương ứng khó có thể có văn hóa từ chức.

Ở một số nước trên thế giới đúng là có việc các vị bộ trưởng thường từ chức để nhận trách nhiệm về một vụ việc nào đó liên quan đến ngành mình. Ví dụ, bộ trưởng giao thông có thể từ chức khi một chiếc cầu bị sập hay một chiếc máy bay bị rơi. Tuy nhiên, đây là trường hợp người ta từ chức để nhận trách nhiệm đạo lý, nhiều hơn là trách nhiệm pháp lý.

Bởi vì rằng vị bộ trưởng có thể chẳng hề có lỗi gì trong việc chiếc cầu bị sập hay chiếc máy bay bị rơi cả.Từ chức như thế chỉ làm tăng uy tín cá nhân của người từ chức mà thôi.

Trong lần bầu cử tiếp theo, không khéo vị cựu bộ trưởng lại có thể trúng cử với tỷ lệ phiếu cao hơn. Từ chức để lại có thể trúng cử (chẳng cần với tỷ lệ phiếu cao hơn) là chuyện không thể xảy ra ở Việt Nam.

Sự khác biệt về môi trường và về văn hóa chính trị có lẽ giải thích rất nhiều cho câu hỏi tại sao các vị bộ trưởng ở ta rất ít khi từ chức. Thiết nghĩ trước khi chúng ta xây dựng được các khuôn khổ văn hóa chính trị như nhiều nước trên thế giới, tăng cường trách nhiệm giải trình trước Quốc hội là bước đi phù hợp hơn.

- Những lùm xùm của ngành Y tế xảy ra khi trong nghị trường Quốc hội đang bàn tới điểm thay đổi của Hiến pháp 1992: quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Theo ông, để quy được trách nhiệm của Bộ trưởng trong trường hợp này thì chúng ta phải có những thay đổi như thế nào trong bộ máy quản lý Nhà nước? Và liệu sự thay đổi đó có dễ dàng thực hiện không và vì sao, thưa ông?

- Trước hết, tôi không nghĩ rằng mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp là để quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Tuy nhiên, để xác lập chế độ trách nhiệm cho các bộ trưởng, trước hết, chúng ta phải quan niệm bộ trưởng là một chính khách. Một chính khách thì khác với các quan chức hành chính.

Họ chịu trách nhiệm hoạch định chính sách và đứng đầu bộ máy công vụ của ngành mình về mặt chính trị. Họ không thể và không nên là một quan chức điều hành. Như vậy, bộ trưởng chỉ phải chịu trách nhiệm về chính sách và về việc lãnh đạo chính trị bộ máy công vụ. Ở tầm cao như vậy, thì trách nhiệm của bộ trưởng trước hết là trách nhiệm giải trình.

Các vị bộ trưởng đều phải giải trình với Quốc hội về chính sách và về các phản ứng chính sách của mình là chính. Và chế tài cho chế độ trách nhiệm giải trình (có người còn gọi là trách nhiệm chính trị) chính là sự bất tín nhiệm của Quốc hội.

Nếu chúng ta không có được sự phân biệt tương đối rạch ròi giữa các chính khách và các quan chức thuộc hành chính-công vụ, thì việc xác lập chế độ trách nhiệm là rất khó khăn và rất dễ bị lẫn lộn.

- Trở lại vụ việc xảy ra tại TMV Cát Tường, việc quy trách nhiệm trong vụ việc này phải được thực hiện như thế nào? Trách nhiệm của từng bên liên quan như: Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai và Bộ Y tế cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Tôi không có đủ thông tin để có thể trả lời một cách chi tiết là việc quy trách nhiệm cho từng đối tượng cụ thể phải được thực hiện như thế nào. Tuy nhiên, trách nhiệm của Bộ Y tế, cụ thể là của Bộ trưởng Y tế chỉ là trách nhiệm giải trình với Quốc hội hoặc với Ủy ban tương ứng của Quốc hội.

Xin cảm ơn ông!

Theo Đất Việt

Từ khóa : từ chức , chính trị , chính khách , Bộ Y Tế , Bộ trưởng Bộ Y tế , lập luận , người đứng đầu , Nam Bộ

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/chinh-tri-xa-hoi/ts-nguyen-si-dung-thieu-van-hoa-chinh-tri-kho-co-van-hoa-tu-chuc-7642.html